Lời đáp trả của Liên Xô
Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Kyle Mizokami cho biết, Mỹ không phải là nơi tạo ra chiếc tàu ngầm lớn nhất thế giới, mà là Liên Xô. Những con "thủy quái" thời Chiến tranh Lạnh này có thể hủy diệt tới 200 mục tiêu bằng đầu đạn mạnh gấp 6 lần những quả bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Có thể nói, các tàu ngầm lớp Akula (NATO định danh: Typhoon) là một trong những loại vũ khí đáng sợ nhất từng được chế tạo.
Tàu ngầm lớp Akula (còn gọi là Project 941 trong quá trình thử nghiệm) được chế tạo để đặt nền móng cho lực lượng răn đe hạt nhân của Liên Xô.
Khi đó, Liên Xô nghe ngóng được thông tin Hải quân Mỹ chế tạo tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio dài 170m và có thể mang 192 đầu đạn hạt nhân. Các nhà lãnh đạo Liên Xô quyết định rằng họ cần có một chiếc tàu ngầm có thể đáp trả mối đe dọa đó, và thế là tàu ngầm lớp Akula đã ra đời.
Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ (trên) và tàu ngầm lớp Akula (Typhoon) của Nga.
Tàu ngầm lớp Akula được thiết kế để phóng tên lửa từ vị trí tương đối gần với lục địa Liên Xô, cho phép chúng hoạt động ở Vòng Bắc Cực, nơi lực lượng không quân và hải quân có thể bảo vệ chúng.
Những chiếc tàu ngầm này có khung thân được gia cố, cho phép nó xuyên qua lớp băng Bắc Cực. Sức nổi dự trữ lớn giúp con tàu trồi lên trên mặt băng và cặp chân vịt của tàu được che chắn để bảo vệ chúng trước các cú va chạm.
Chương trình phát triển tàu ngầm Akula còn cho ra đời một mẫu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mới, có tầm bắn đủ xa để tấn công nước Mỹ từ các thành trì ở Bắc Cực. R-39 Rif (NATO định danh: SS-NX-20 "Sturgeon") là tên lửa đạn đạo 3 tầng khổng lồ, dài 16m và nặng 84 tấn. Với tầm bắn 4.480 hải lý, R-39 có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trong lục địa Mỹ.
Cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh là một cuộc cạnh tranh, và số lượng đầu đạn đóng vai trò quan trọng.
Do tàu ngầm Akula chỉ có thể mang 20 tên lửa, ít hơn tàu ngầm Ohio 4 tên lửa nên mỗi tên lửa của Liên Xô phải mang nhiều đầu đạn hơn so với tên lửa Trident C-4 của Mỹ. Một tên lửa R-39 mang 10 đầu đạn có sức công phá 100 kiloton, mỗi đầu đạn có thể tấn công một mục tiêu khác nhau nên chỉ cần 1 tên lửa đã có thể tấn công 10 mục tiêu (nếu chúng tương đối gần nhau).
Điều này làm tăng kích cỡ và khối lượng của tên lửa nhưng nhờ thế, mỗi tàu ngầm Akula mang theo tổng cộng 200 đầu đạn, nhiều hơn tàu ngầm lớp Ohio 8 đầu đạn.
Bên trong cabin chỉ huy của tàu Akula.
Tàu ngầm lớp Akula dài 175m, dài hơn tàu ngầm lớp Ohio 5m. Do cần mang tên lửa và đảm bảo sức nổi dự trữ lớn nên tàu ngầm Akula có độ mớn nước 23m, trong khi chỉ số này của tàu ngầm Ohio là 13m.
Akula có lượng giãn nước khi lặn là 48.000 tấn, lớn hơn gấp 2 lần so với lượng giãn nước của tàu ngầm Mỹ.
Chiếc tàu ngầm khổng lồ có thể di chuyển với tốc độ 22 hải lý khi nổi và 27 hải lý khi lặn, nhờ trang bị lò phản ứng hạt nhân OKB-650 - cùng loại lò sử dụng trên tàu ngầm lớp Alfa và Mike, với công suất gần 100.000 mã lực.
Ban đầu, Liên Xô dự định đóng 8 tàu lớp Akula nhưng cuối cùng, chỉ có 6 tàu được chế tạo. Hải quân Nga được thừa hưởng những chiếc tàu này sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và ngày nay chỉ còn lại duy nhất chiếc Dmitriy Donskoy còn hoạt động.
Tàu Donskoy được sử dụng làm tàu ngầm thử nghiệm trong chương trình phát triển tên lửa mới 3M14 Bulava. Chương trình tên lửa Bulava dù kéo dài và gặp nhiều khó khăn nhưng có vẻ đã hoàn tất. Do đó, có thể tàu ngầm Donskoy sẽ bị loại biên sớm.
"The Hunt for Red October"
Sự tồn tại của tàu ngầm Akula không được biết đến rộng rãi và có lẽ sẽ không bao giờ được biết tới nếu nó không xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết "The Hunt for Red October" của tác giả Tom Clancy, xuất bản năm 1984.
Trong câu chuyện, Clancy đã mường tượng ra chiếc tàu ngầm Akula được biến tấu, mang tên Red October. Red October có kích cỡ lớn hơn một chiếc Akula tiêu chuẩn, với 26 ống phóng tên lửa, thay vì 20 như trên thực tế.
Tàu Red October được trang bị hệ thống đẩy pump-jet êm ái. Trên lý thuyết, nó cho phép con tàu bí mật tiếp cận vùng Đông Duyên hải của Mỹ và tung đòn tấn công để hủy diệt thủ đô Washington, D.C. Trong cuốn tiểu thuyết, điều này biến Red October trở thành vũ khí tấn công phủ đầu và là một kho tàng công nghệ mà Hải quân Mỹ rất muốn có được.
32 năm sau khi cuốn tiểu thuyết của Tom Clancy được phát hành, hệ thống pumpjet giờ đây đã là thành phần cốt yếu của nhiều tàu ngầm trên thế giới. Các tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ và lớp Astute của Hải quân Hoàng gia Anh đều sử dụng hệ thống pump-jet.
Công nghệ này cũng được ứng dụng trên tàu ngầm lớp Borei, thiết kế thực sự đầu tiên của Moscow sau Chiến tranh Lạnh và được xem là "người kế nhiệm" của tàu ngầm lớp Akula.
*** Bài viết thể hiện quan điểm của nhà phân tích Kyle Mizokami.