Vũ khí hóa học ở Syria: Tranh cãi chưa có hồi kết

Đình Nam |

Nga cho rằng, các nước khác đang tìm cách lợi dụng báo cáo về vũ khí hóa học ở Syria để giải quyết vấn đề địa chính trị mang tính chiến lược của họ.

Hôm qua (27/10), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục thảo luận về một nghị quyết nhằm áp đặt trách nhiệm lên chính phủ Syria, sau khi công bố bản báo cáo cho rằng chính phủ nước này đã sử dụng chất độc hóa học Sarin để tấn công lực lượng đối lập hồi tháng 4 vừa qua.

Ngay lập tức, chính phủ Syria và Nga đã lên tiếng bác bỏ và cho rằng, bản báo cáo này thiếu căn cứ và lô-gic, thậm chí là “xuyên tạc sự thật”. Chủ đề “tấn công hóa học” tại Syria một lần nữa lại nóng hơn trong bối cảnh lập trường của Mỹ mới đây về tương lai của Tổng thống Bashar Al-Assad thay đổi.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft cho biết, đây là lần thứ tư Cơ chế điều tra chung của Tổ chức cấm vũ khí hạt nhân và Liên Hợp Quốc xác nhận việc chính phủ Syria đã sử dụng khí độc hóa học trong các vụ tấn công hồi tháng 4 vừa qua tại thị trấn Khan Sheikhoun, phía Tây Bắc nước này.

Theo ông Rycroft, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang tìm hiểu và đưa ra các biện pháp công bằng: “Hôm qua Cơ chế điều tra chung đã xác định và chúng tôi bắt đầu xem xét. Tôi hi vọng Nga sẽ tham gia vào nỗ lực này. Nga và các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải hành động theo tuyên bố, khẳng định các biện pháp sẽ được đưa ra nếu phát hiện ra bất cứ ai sử dụng vũ khí hóa học tại Syria”

Theo báo cáo gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tấn công lực lượng đối lập nước này tại thị trấn Khan Sheikhoun, khiến ít nhất 80 người thiệt mạng. Bản báo cáo cho biết thêm, trong các vụ tấn công hóa học hồi tháng 9 năm ngoái, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là đối tượng đứng đằng sau vụ việc.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Syria đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc nhằm vào nước này, đồng thời cho rằng, nội dung của bản báo cáo đã “xuyên tạc sự thật”. Trước đó cùng ngày, Nga cũng đã lên tiếng chỉ trích báo cáo trên của Liên Hợp Quốc.

Phát biểu với hãng tin Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, báo cáo của Liên Hợp Quốc có nhiều điểm mâu thuẫn và bằng chứng không được xác minh. Phía Nga sẽ phân tích những phát hiện này và sớm công bố phản ứng.

Theo ông Ryabkov, các nước khác đang tìm cách lợi dụng báo cáo này để giải quyết vấn đề địa chính trị mang tính chiến lược của họ với Syria.

Bản báo cáo được ra vài giờ đồng hồ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhắc lại lập trường của Mỹ về một chính quyền tương lai Syria sẽ không có chỗ cho Tổng thống Assad. Tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố trước đó của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong suốt hơn 10 tháng qua.

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ đột nhiên thay đổi quan điểm về số phận của Tổng thống Syria hay việc khơi lại trách nhiệm vụ tấn công hóa học trong quá khứ phần nhiều liên quan tới tình hình chiến sự đang diễn ra tại Syria, với đà thắng đang nghiêng về các lực lượng ủng hộ chính phủ trên cả mặt trận chống khủng bố, cũng như trong cuộc nội chiến.

Tuy nhiên, Chính phủ Syria và đồng minh của nước nay là Nga chắc chắn sẽ không dễ gì để mất đi những lợi thế bởi bản báo cáo mà họ cho là thiếu "chính xác" này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại