Vũ khí hạng nặng mặt đất đầu tiên xuất trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu"

Duy Anh |

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo 105mm lần đầu được xuất trận, đây là vũ khí hạng nặng mặt đất đầu tiên mà quân đội ta sử dụng trong chiến tranh.

Tháng 1/1953, Trung đoàn pháo binh mặt đất đầu tiên, đơn vị hỏa lực mạnh nhất của quân đội Việt Minh bí mật về nước từ Trung Quốc. Trung đoàn pháo binh 45 được thành lập với khoảng 20 khẩu lựu pháo 105mm do Trung Quốc viện trợ cùng 4 khẩu chiếm được của quân Pháp.

Vũ khí hạng nặng mặt đất đầu tiên xuất trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Pháo binh của ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 20/12/1953, Bộ tư lệnh Đại đoàn 351 và các Trung đoàn trưởng lựu pháo 105, cao xạ pháo được triệu tập để nhận lệnh.

Chỉ 1 ngày sau khi nhận lệnh, cùng với toàn bộ lực lượng pháo binh, Trung đoàn 45 hành quân lên Điện Biên Phủ, chuẩn bị cho chiến dịch.

Quyết định đưa loại pháo này vào tham chiến cũng là một quyết định táo bạo. Con đường lên Điện Biên Phủ gian nan, vận chuyển hậu cần đã khó, đối với một loại vũ khí nặng hơn 2 tấn lại càng khó hơn. Với quyết tâm giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược này, ta đã khắc phục mọi khó khăn để đưa pháo vào trận địa.

Pháo được vận chuyển hoàn toàn bằng ô tô đến Tuần Giáo tập kết ở đây, chờ làm đường Tuần Giáo đi Điện Biên (con đường này trước đây chỉ là đường dùng cho ngựa thồ, và đã bỏ lâu ngày).

Sau 1 tháng, con đường Tuần Giáo - Điện Biên được mở mới dài 80km, pháo tiếp tục được vận chuyển đến cửa rừng Nà Nham, xã Nà Nhạn, rồi từ đây bắt đầu công cuộc kéo hoàn toàn bằng tay lên các triền núi xung quanh lòng chảo, một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Bằng những nỗ lực phi thường, từng khẩu pháo được đưa tới những trận địa dã chiến được ngụy trang kỹ lưỡng, hướng về phía địch quân phía dưới.

Vũ khí hạng nặng mặt đất đầu tiên xuất trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Lựu pháo M2A1 105mm là loại pháo mặt đất hạng nặng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Báo Lao động

Sau nhiều lần thay đổi ngày giờ nổ súng, ngày 13/3/1954 chính thức được lựa chọn trở thành ngày mở màn chiến dịch với mục tiêu là trung tâm đề kháng Him Lam. Đại đội lựu pháo 806 được giao trọng trách giương cao nòng pháo trút loạt đạn đầu tiên, dội xuống lòng chảo theo mục tiêu đã định. Các loại pháo khác của ta cũng đồng loạt lên tiếng, tạo thời cơ cho bộ binh tiến lên.

Vũ khí hạng nặng mặt đất đầu tiên xuất trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Kéo pháo bằng tay vào trận địa, một cuộc hành quân chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh thế giới. Ảnh tư liệu.

Lần đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương, một cơn mưa đại bác bắn chính xác vào cứ điểm của địch, từ trên các điểm cao, hỏa lực bắn cấp tập về phía dưới tập đoàn cứ điểm.

Đây là lần đầu tiên pháo xuất trận cũng là lần đầu tiên các pháo thủ điều khiển loại pháo này nhưng pháo binh Việt Minh lại bắn với độ chính xác rất cao, đem lại hiệu quả bất ngờ.

Những người lính quan trắc tính toán phần tử bắn cho pháo binh thực hiện công việc của mình bằng những phương tiện thô sơ nhất trái ngược với những thiết bị quan trắc pháo binh hiện đại khi đó của Pháp.

Bên cạnh đó, tất cả các khểu pháo được bố trí từ vị trí trên cao, vây quanh lòng chảo. Mỗi trận địa pháo cách mục tiêu từ 5 - 7km đã khống chế toàn bộ tập đoàn cứ điểm bất chấp con mắt do thám của các loại máy bay trinh sát của địch.

Vũ khí hạng nặng mặt đất đầu tiên xuất trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Khẩu pháo 105mm trưng bày tại tiền sảnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân

Trước trận đánh này ta chỉ có 15.000 đạn pháo 105mm gồm 11.000 viên chiến lợi phẩm của chiến dịch Biên Giới, 3.600 viên do Trung Quốc viện trợ kèm theo pháo, 440 viên chiến lợi phẩm ở mặt trận Trung Lào, để đảm bảo bắn chính xác, tốn ít đạn ta vận dụng khéo léo nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, đã giáng một đòn mạnh mẽ đối với địch.

Hiện nay, khẩu pháo được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, là hiện vật tiêu biểu của quân đội ta nói chung và pháo binh Việt Nam nói riêng, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Ra đời từ năm 1941, lựu pháo 105 mm kiểu M101 do Mỹ nghiên cứu chế tạo và sản xuất. Pháo được chế tạo theo công nghệ đơn giản nhưng hiệu quả rất cao.

Pháo có chiều dài 5,94 mét, nòng súng dài 2,31 mét, rộng 2,21 mét, cao 1,73 mét, trọng lượng chiến đấu 2.260kg.

Pháo có tầm bắn tối đa 11.270 mét, có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau như: Đạn chất nổ mạnh HEAT dùng để diệt lô cốt, xe thiết giáp, đạn phân mảnh diệt bộ binh, đạn khói đánh dấu vị trí...

Lựu pháo 105mm có một bộ phận giảm giật bằng khí thủy lực ở phía trên, cùng một máng trượt phía dưới để hấp thụ độ giật khi bắn. Pháo có hai càng vừa để tăng độ ổn định cho pháo vừa sử dụng để kéo pháo khi hành quân.

Khẩu pháo này còn có tên gọi khác là pháo xe kéo, ngoài ra cũng từng được đặt lên khung gầm của một chiếc xe tăng và trở thành khẩu pháo lựu tự hành có tên M7 Priest.

Khẩu pháo tự hành này có khả năng di chuyển với tốc độ chỉ 24 km/giờ nhưng cũng mang lại sự cơ động cực kỳ lớn cho các lực lượng pháo binh thời bấy giờ. Khẩu pháo M101 hệ thống bánh xe giúp nó có khả năng... leo cầu thang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại