Cách đây một thời gian, Nga đã bắt đầu tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân và lực lượng phòng không của lực lượng Hàng không Vũ trụ với các chiến đấu cơ hiện đại ngang tầm máy bay chiến đấu phương Tây, nhưng vượt trội về các hệ thống tên lửa đất đối không. Liên bang Nga hiện đang có những khả năng nghiêm túc cần được tính đến.
Ấn phẩm Business Insider của Mỹ trích dẫn ý kiến của các chuyên gia quân sự, nhà phân tích và nhà dự báo cho rằng, hiện Moscow đã thách thức sự thống trị trên bầu trời của phương Tây và có thể đe dọa ưu thế trên không của NATO, trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp.
Ấn phẩm lưu ý rằng, trong trường hợp đối đầu mở, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ khó thiết lập mức độ thống trị trên không như trong lịch sử đối đầu với các đối thủ yếu kém hơn trong quá khứ, ngay cả khi sử dụng hàng trăm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm thuộc dòng F-35 Lightning II.
Chuyên gia Giorgio Di Mizo từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS - có trụ sở tại London), nhận định rằng, cuộc xung đột nếu có với Moscow sẽ khác biệt đáng kể so với các kịch bản trước đó, vì Liên bang Nga có năng lực công nghiệp và công nghệ hùng mạnh để tạo ra một hệ thống phòng không đáng tin cậy.
Còn Đại tá USMC (Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, tiếng Anh: United States Marine Corps) đã nghỉ hưu là ông Mark Cancian, hiện đang là cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - trụ sở tại Washington), làm rõ rằng, các nước phương Tây trên thực tế đã ngừng tài trợ cho các dự án cải thiện hệ thống phòng không sau Chiến tranh Lạnh.
Theo ông, việc sử dụng các hệ thống phòng không đã lỗi thời làm cho nguy cơ bị đánh bại trong cuộc chiến trên không càng thêm sâu sắc, đặc biệt là việc các nước sử dụng các loại hệ thống phòng không khác nhau làm phức tạp thêm tình hình đối với NATO nói chung.
Hiện nay, Tập đoàn công nghiệp quân sự Mỹ Lockheed Martin đang cố gắng tăng cường sản xuất tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot, nhưng những nỗ lực này có thể rất hạn chế trong trường hợp xảy ra xung đột kéo dài với Liên bang Nga, bởi Washington chỉ có một nhưng Moscow lại sở hữu nhiều tổ hợp phòng không tính năng còn mạnh hơn Patriot.
Các phương tiện truyền thông tổng kết rằng, các chuyên gia nghi ngờ sự sẵn sàng của NATO cho một cuộc đối đầu với một đối thủ hùng mạnh như Nga, bất chấp sự hiện diện của các hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu hiện đại trên khắp châu Âu.
Trước đó, giới truyền thông châu Âu cũng cho rằng, các nước EU đã chuyển hết các hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine và các hệ thống này cũng đã bị Nga phá hủy phần lớn.
Để lấp lỗ thủng phòng không, giới chức lãnh đạo một số quốc gia châu Âu như Đức, Phần Lan, đã cầu viện đến các hệ thống phòng không của Israel như Hetz-3, David's Sling, Iron Dome…, vốn đã được chứng minh sự hiệu quả qua các cuộc chiến tranh ở Trung Đông với các đối thủ Hezbollah, Iran, Hamas, Houthi…