Vũ khí đánh chặn mọi mục tiêu giúp gì Kiev?

Kiên Bùi |

Ngày 19/4/2023, Đức đã chuyển hệ thống IRIS-T thứ 2 cho Ukraine - vũ khí được giới thiệu có thể đánh chặn mọi mục tiêu đường không.

Vũ khí đánh chặn mọi mục tiêu giúp gì Kiev? - Ảnh 1.

Ukraine tiếp nhận hệ thống IRIS-T.

Tờ SPIEGEL của Đức dẫn nguồn tin từ chính phủ nước này cho biết, thực hiện tuyên bố của Thủ tướng Olaf Scholz hồi mùa hè năm 2022, Berlin đã chính thức chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới IRIS-T thứ 2 cho Ukraine giúp Kiev đối phó với những cuộc tấn công đường không của Nga.

"Tổ hợp IRIS-T thứ 2 đã đến tay lực lượng phòng không Ukraine. Vũ khí của chúng tôi sẽ giúp Kiev tăng cường rất lớn khả năng đánh chặn với những cuộc tấn công của Nga bằng máy bay không người lái (UAV), trực thăng, chiến đấu cơ, tên lửa... bởi IRIS-T có thể đánh chặn mọi mục tiêu bay", một quan chức của Đức tuyên bố.

Vị quan chức này cho biết thêm, đây là hệ thống thứ 2 trong tổng số 4 hệ thống IRIS-T dự kiến được Berlin chuyển giao cho Ukraine cho đến năm tới. IRIS-T đang được chuyển cho Ukraine có giá mỗi tổ hợp khoảng 140 triệu euro (136 triệu USD).

Được biết, những thử nghiệm cuối cùng chỉ mới được Đức tiến hành vào cuối năm 2021, và bản thân quân đội Đức (Bundeswehr) cũng chưa mua bất kỳ một hệ thống IRIS-T nào. Các phiên bản cũ hơn của hệ thống này trước đây từng được Thụy Điển và Na Uy mua.

Hệ thống IRIS-T trang bị cho Ukraine được sản xuất bởi Diehl Defence, có trụ sở ở Überlingen, miền nam Đức, cung cấp năng lực che phủ tầm trung, ở độ cao lớn cho các thành phố nhỏ và lực lượng quân đội.

Một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm: bệ phóng tên lửa, một radar và một radar điều khiển hỏa lực, tích hợp hậu cần và hỗ trợ. Các tên lửa được cho là có tầm bắn 40km, độ cao tối đa 20km, được trang bị radar tầm xa 250km, sử dụng hình ảnh hồng ngoại để xác định mục tiêu. Tên lửa cũng có thể triển khai 360 độ xung quanh bệ phóng.

Nhà sản xuất cho biết, IRIS-T hoạt động hiệu quả nhất khi trở thành một phần của hệ thống phòng không nhiều lớp, chẳng hạn như kết hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 của Mỹ, vốn cung cấp khả năng phòng thủ ở độ cao tối đa lớn hơn.

Ngay từ tháng 7/2022, Ukraine đã đề nghị chính phủ Đức cho Kiev mua 11 hệ thống IRIS-T. Kiev cũng yêu cầu Đức hỗ trợ tài chính cho hợp đồng này, với số tiền có thể lên tới khoảng 1,5 tỷ euro.

Nhưng thay vì bán cho Ukraine, chính phủ Đức đã quyết định viện trợ IRIS-T cho lực lượng phòng thủ của Kiev. Tuy nhiên, do những tổ hợp đánh chặn này là phiên bản mới nên những hệ thống mà Ukraine nhận được Đức lấy từ đơn đặt hàng của Ai Cập.

Điều bất ngờ là trong khi IRIS-T được nhà sản xuất và giới quân sự Đức đánh giá rất cao thì Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng, IRIS-T là một trong những hệ thống đánh chặn châu Âu cung cấp cho Kiev gần như vô dụng trong thực chiến.

Trong một tuyên bố hôm 29/3, ông Zelensky đã nhắc lại yêu cầu của Ukraine về các vũ khí hiện đại hơn đã được phương Tây hứa hẹn chuyển giao nhưng vẫn chưa thấy.

"Chúng tôi đã chứng kiến những quyết định tuyệt vời về Patriot, nhưng chúng tôi chưa được sở hữu chúng", Tổng thống Zelensky nói.

Theo ông, Ukraine cần ít nhất 20 hệ thống Patriot mới có thể chống lại các mối đe dọa từ số lượng lớn tên lửa Nga tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine mỗi ngày.

"Trong khi phòng không của Ukraine đang yếu và thiếu, một số nước châu Âu lại gửi hệ thống phòng không không hoạt động và phải gửi trả nhiều lần nhưng vẫn không hiệu quả", ông Zelensky cho biết.

Hiện nay Ukraine đang vận hành hệ thống đánh chặn tầm ngắn Gepard và IRIS-T SLM do Đức sản xuất, hệ thống Stormer HVM từ Anh, hệ thống Aspide từ Tây Ban Nha và hệ thống Crotale NG từ Pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại