Điểm nâng cấp đáng chú ý nhất của ngư lôi siêu khoang mới là khả năng tự dẫn và vận tốc cơ động lên tới hơn 300 km/h. Khi được trang bị, Nga sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu dòng vũ khí hải quân có thể thay đổi cục diện các cuộc hải chiến này.
Liên quan tới dự án VA-111 Shkval nâng cấp, Giám đốc điều hành Tactical Missiles Corporation, Boris Obnosov cho biết: "Quá trình phát triển đang được thực hiện. Mọi thông số của ngư lôi nâng cấp đều vượt so với phiên bản tiêu chuẩn. Việc trang bị ngư lôi mới sẽ được thực hiện trong chương trình mua sắm vũ khí quốc gia của Nga giai đoạn 2018 - 2025".
Dòng vũ khí hải quân độc nhất vô nhị của Liên Xô
Ngư lôi VA-111 Shkval tiêu chuẩn được coi là một thành tựu công nghệ đáng chú ý của Liên Xô với mục tiêu là vô hiệu hóa và tiêu diệt tàu sân bay của đối phương. Áp dụng công nghệ tên lửa nhiên liệu rắn tạo động lực, công nghệ siêu khoang giúp đạn ngư lôi Shkval có thể trượt trong lòng biển với tốc độ hơn 200 km/h.
Để tiêu diệt các dòng chiến hạm có lượng choán nước lớn như tàu sân bay, ngư lôi VA-111 được trang bị đầu đạn hạt nhân 150 Kilotone hoặc đầu đạn thông thường cỡ lớn. Thời điểm ngư lôi VA-111 được đưa vào trang bị năm 1977, Mỹ và phương Tây không có loại vũ khí hải quân tính năng tương đương.
Đạn ngư lôi VA-111 Shkval
Hiệu ứng siêu khoang giúp ngư lôi VA-111 có thể đạt tốc độ di chuyển vượt trội
Dù mang nhiều công nghệ vượt trội, nhưng dòng vũ khí hải quân phát triển từ những năm 1970 này cũng có nhiều hạn chế về mặt công nghệ. Sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, tín hiệu thủy âm của ngư lôi VA-111 rất lớn, tầm bắn giới hạn chỉ khoảng 10 km và độ sâu hoạt động không quá 30 m vì hạn chế của công nghệ siêu khoang.
Do tốc độ di chuyển nhanh, ngư lôi VA-111 không được trang bị đầu dò tự dẫn, mà chỉ nhờ vào hệ thống dẫn đường quán tính. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ hiện tại, việc trang bị công nghệ tự dẫn cho ngư lôi VA-111 nâng cấp sẽ như "hổ mọc thêm cánh".
Có thể dễ dàng hình dung khó có chiến hạm nào di chuyển với vận tốc khoảng 50 km/h có thể tránh được đạn ngư lôi di chuyển với vận tốc tới 300 km/h lại có thêm khả năng tự định hướng tấn công mục tiêu.
Theo giới chức quân sự Nga, chính việc thay đổi của phương thức tác chiến hải quân hiện đại: Thay đổi từ tác chiến tổng lực sang xung đột quy mô nhỏ, đã đặt ra yêu cầu nâng cấp đối với ngư lôi VA-111. Ngoài ra, khác với thời Liên Xô, việc nâng cấp dòng ngư lôi siêu khoang này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu chúng.
"Ngư lôi luôn là dòng vũ khí tấn công và phòng thủ lợi hại trong tác chiến hải quân. VA-111 ưu việt hơn các dòng ngư lôi thông thường vì nó mang trong mình nhiều công nghệ tiên tiến nhất, kể cả ở thời điểm hiện tại.
Khi được sử dụng một cách hợp lý, ngư lôi VA-111 hoàn toàn có thể hạ gục các chiến hạm lớn như tàu sân bay và thay đổi cục diện các cuộc hải chiến trên biển", chuyên gia Alexander Khrolenko nhận định.
Ngư lôi VA-111 luôn được coi là dòng vũ khí lợi hại có thể thay đổi cục diện các trận hải chiến và sức mạnh của nó sẽ được nâng tầm ở phiên bản nâng cấp
Ưu thế của công nghệ siêu khoang
Một điểm mạnh công nghệ đáng chú ý của ngư lôi VA-111 là nó không di chuyển trong nước như các dòng ngư lôi thông thường mà tạo ra một bóng khí nhờ thiết bị đặc biệt ở mũi. Bóng khí này bao phủ quả ngư lôi và triệt tiêu cơ bản lực ma sát của nước.
Về nguyên tắc, ngư lôi VA-111 không bơi, mà trượt trong nước. Điều này cũng lý giải việc tại sao dòng ngư lôi siêu khoang này có thể đạt tốc độ di chuyển tới hàng trăm km/h dưới nước.
Công nghệ siêu khoang cho phép ngư lôi VA-111 có thể đổi hướng rất cơ động, nhưng việc điều khiển rất khó khăn nên quỹ đạo di chuyển của dòng ngư lôi này đơn giản là một đường thẳng.
"Thông thường, khả năng hoạt động của ngư lôi phụ thuộc rất lớn vào môi trường nước như nhiệt độ, áp suất nước ở các độ sâu khác nhau. Nhưng nhờ công nghệ siêu khoang, ngư lôi VA-111 không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên.
Có thể nói ngư lôi VA-111 là bước đột phá của công nghệ thủy động lực học và nó không có đối thủ suốt 4 thập kỷ qua", chuyên gia A. Khrolenko đánh giá.
Cơ cấu mũi và công nghệ đặc biệt giúp tạo hiệu ứng siêu khoang cho ngư lôi VA-111
Vì sự ưu việt của công nghệ ngư lôi siêu khoang, nhiều quốc gia khác cũng bắt tay vào nghiên cứu và phát triển công nghệ này. Hiện tại, mới chỉ có Đức đạt được thành tựu với nguyên mẫu ngư lôi Barracuda.
Tuy nhiên, sản phẩm trên mới chỉ dừng lại ở nguyên mẫu phát triển và hoàn thiện để sản xuất hàng loạt. Mỹ cũng từng giới thiệu công nghệ ngư lôi siêu khoang của mình vào năm 1997, nhưng chưa có sản phẩm nào được giới thiệu.