Nga liệu có vô tội vạ sử dụng "bom ngu" trong các cuộc không kích tại Syria?
Một loạt các cuộc không kích gần đây của Nga vào các vị trí của các nhóm chiến binh ở tỉnh Idlib của Syria đã một lần nữa gây ra làn sóng báo cáo thương vong dân thường là hậu quả của các vụ ném bom.
Theo các "nhà hoạt động địa phương" được trích dẫn lại bởi truyền thông (đa phần là đối lập) các cuộc không kích vào tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát đã gây thương vong dân thường lên đến con số hàng chục.
Tuy nhiên hoàn toàn không có các báo cáo về thương vong của các nhóm vũ trang hay thông tin các cơ sở hạ tầng của họ bị phá hủy.
Vũ khí trang bị trên một chiếc Su-24 của Nga.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động quân sự ở Syria, Nga đã bị cáo buộc liên tục vì sử dụng các "vũ khí vô tri" như tên lửa và bom không có điều khiển tham gia cuộc chiến.
Các cáo buộc được "chuyền" từ phe đối lập đến các nhà ngoại giao và các quan chức quân sự và truyền thông phương Tây dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như sau:
"Trong khi liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu thực hiện các cuộc không kích bằng vũ khí chính xác, Không quân Nga lại tấn công bừa bãi bằng bom không điều khiển và thường được thả từ độ cao lớn.".
Cả Mỹ và Nga thường xuyên cáo buộc lẫn nhau trong việc gây ra thương vong cho dân thường và khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Bên cạnh đó, Washington và các đồng minh có sự hiểu biết khác hẳn về thuật ngữ "đối lập ôn hòa" so với nhận thức của Moscow.
Một sự khác biệt đáng kể cũng có thể được quan sát ở khả năng của các hệ thống vũ khí được hai bên sử dụng.
Một quả bom dẫn đường hay "thông minh" của người Mỹ là loại bom có hệ thống dẫn đường và điều khiển từ xa. Một số biến thể thậm chí được trang bị thêm động cơ tên lửa nhỏ để tăng phạm vi tác chiến và hỗ trợ kiểm soát hành trình
Vũ khí có điều khiển có giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với các "vũ khí vô tri", nhưng được cho là khiến cho phi công và máy bay gặp ít rủi ro hơn, tiêu tốn ít bom đạn hơn và giảm thiểu thiệt hại không đáng có.
Việc tạo ra các loại bom dẫn đường chính xác dẫn đến việc những "vũ khí vô tri" nói trên được đổi tên thành bom không điều khiển hoặc "bom ngu" (dumb bomb) và chúng đang được Nga tích cực sử dụng ở Syria.
Vào tháng 8/2017, Phó Tổng Tham mưu trưởng Nga, Trung tướng Igor Makushev tiết lộ rằng 50% phi vụ không kích các mục tiêu phiến quân ở Syria đã được thực hiện bởi máy bay cường kích Su-24M và Su-25SM.
Những chiếc máy bay cường kích này được thiết kế để hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất và đang sử dụng "bom ngu" một cách ồ ạt.
Bên cạnh đó, các loại "bom ngu" nặng 250kg và 500kg đã được tích cực sử dụng nhằm vào các căn cứ của IS ở miền đông Syria bởi máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3.
Nhóm khủng bố HTS sử dụng súng máy phòng không ZPU-2/4 14.5mm (4 nòng) khai hỏa về phía không quân Nga tại khu vực Bắc Hama ngày 10/5.
Người Nga đã biến "bom ngu" trở thành "thông minh" như thế nào?
Điều truyền thông phương Tây không nói tới là trong khi họ lên án Không quân Nga sử dụng ồ ạt "bom ngu", thì bản thân các cuộc không kích đã trở nên "thông minh".
Máy bay chiến đấu của Nga hiện tại đã được trang bị các hệ thống máy tính phụ chuyên dụng SVP-24 Gefest, cho phép bom không điều khiển biến thành vũ khí có độ chính xác cao.
Việc hiện đại hóa hệ thống SVP-24 trước đây được tập trung vào chỉ thị mục tiêu. Đây được coi là một phương án tăng thêm sự phức tạp và chi phí vũ khí. Hệ thống kết hợp một khái niệm đặc biệt đó là tập trung vào việc định vị và chỉ thị mục tiêu là các kho tàng vũ khí.
Hệ thống SVP-24 được lắp đặt trên cường kích Su-24.
SVP-24 phân tích dữ liệu từ hệ thống định vị vệ tinh GLONASS xác định vị trí của máy bay và mục tiêu, tính toán mức áp suất khí quyển, độ ẩm không khí, tốc độ gió, tốc độ bay và một số yếu tố khác để tính toán lộ trình, tốc độ và độ cao của việc ném bom.
Sau đó khi máy bay đến vị trí được xác định trước nó sẽ tiến hành ném bom ở chế độ gần như tự động.
SVP-24 nhận thêm dữ liệu từ các máy bay cảnh báo và điều khiển trên không như A-50, các máy bay chiến đấu khác và trạm điều khiển từ mặt đất.
Theo quân đội Nga, việc sử dụng SVP-24 đảm bảo hiệu quả của việc tiêu diệt kẻ địch bằng những quả bom không điều khiển có thể tương đồng với độ chính xác của việc sử dụng bom thông minh.
Sai số của vụ ném bom là khoảng 4-7m từ độ cao 5-6km. Hơn nữa, các máy bay có trang bị SVP-24 có khả năng thực hiện các cuộc không kích với khả năng cơ động và nằm ngoài tầm bắn của lực lượng phòng không của kẻ địch.
Bên cạnh lợi thế kinh tế rõ ràng của phương pháp này, SV-24 trở thành một trong những yếu tố cho phép không quân Nga ở Syria tăng số lần xuất kích trên mỗi máy bay.
Năm 2016 cho đến hiện tại là năm nóng nhất của cuộc xung đột, Nga có khoảng 70 máy bay được triển khai tại Syria (46-48 tại Hmeimim và 32-36 từ Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov).
Máy bay Nga đã tiến hành khoảng 70-80 cuộc không kích mỗi ngày. Điều đó đồng nghĩa với một máy bay đã phải tham gia vào ít nhất một phi vụ mỗi ngày.
Theo dữ liệu của Lầu Năm Góc, máy bay của liên minh do Mỹ đứng đầu đã thực hiện khoảng 19,68 phi vụ mỗi ngày. Liên minh có khoảng 180 máy bay được triển khai cho hoạt động chống khủng bố, như vậy là một máy bay của họ chỉ tham gia vào 0,1 phi vụ mỗi ngày.
Những con số này dẫn đến câu hỏi: Ai thực sự đang chiến đấu chống những kẻ khủng bố ở Syria? Và ai đang kiếm tiền và thu được lợi ích chính trị?
Bom không điều khiển (hay còn được gọi là "bom ngu/dumb bomb") trên chiến trường Syria (Nguồn: South Front).