Khi tiến hành cuộc phản công, các lực lượng Ukraine đã tìm cách thăm dò hệ thống phòng thủ của Nga, tìm kiếm những sơ hở và điểm yếu để xuyên thủng phòng tuyến đối phương. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, Ukraine khó có thể thành công khi Moscow ngày càng nỗ lực cải thiện kỹ năng chiến đấu, nâng cấp vũ khí và đúc rút nhiều kinh nghiệm trên chiến trường.
Xe tăng của các lực lượng Ukraine ở vùng Donetsk, Ukraine hôm 13/6. Ảnh: Reuters
Nga đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố dọc chiến tuyến dài 1.000km, cải tiến vũ khí điện tử để làm suy giảm lợi thế của Ukraine, đồng thời biến những quả bom hạng nặng có từ thời chiến tranh Lạnh trong kho vũ khí thành bom lượn dẫn đường chính xác, có khả năng tấn công mục tiêu đối phương trong khi giúp máy bay chiến đấu nước này tránh bay vào vùng nguy hiểm.
Ukraine đối mặt thách thức lớn
Trả lời phỏng vấn AP, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho rằng, "mặc dù quân đội Ukraine có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi phản công nhưng chắc chắn đây sẽ là một trận chiến giằng co trong thời gian dài".
Hầu hết sự chú ý đều tập trung vào tình trạng lũ lụt ở miền Nam Ukraine do đập Kakhovka tại Kherson bị vỡ. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau phá hủy con đập này. Cùng thời điểm, quân đội Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công trên nhiều khu vực ở mặt trận, nhưng cho đến nay chỉ đạt được một số bước tiến nhỏ do bị hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Nga cản trở.
Richard Barrons – cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp Vương quốc Anh cho rằng, quân đội Nga đã xây dựng các tuyến phòng thủ vững chãi và điều chỉnh chiến thuật sau khi rút khỏi các khu vực rộng lớn ở Kharkov và Kherson vào mùa Thu năm 2022.
Nhà phân tích Barrons lưu ý, Nga đã nâng cao năng lực đối phó với máy bay không người lái, đồng thời tìm cách bảo vệ các tài sản quan trọng như sở chỉ huy và kho đạn dược tránh xa tầm bắn của pháo binh đối phương. Ngoài ra, Moscow đã cải thiện cách thức bắn hạ pháo binh và xe tăng của Ukraine khi phát hiện mục tiêu. Chưa kể, Moscow cũng triển khai thêm rất nhiều binh sỹ để bảo vệ chiến tuyến dài gần 1.000km.
Theo ông Richard Barrons, một khi Nga kết hợp tất cả các yếu tố trên thì cuộc phản công hiện giờ của Ukraine sẽ khó khăn hơn nhiều so với cuộc phản công tại Kherson hay Kharkov vào mùa thu năm 2022.
Nga liên tục thay đổi chiến thuật
Ở giai đoạn đầu xung đột, Nga đã chịu tổn thất khá lớn nhưng nước này vẫn duy trì lợi thế về quân số và vũ khí. Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho rằng Nga phải khai thác kho vũ khí có từ thời chiến tranh Lạnh, thậm chí triển khai các loại xe tăng ra đời từ những năm 1950 để bù đắp tổn thất trên chiến trường, nhưng những khí tài quân sự này vẫn hoạt động rất hiệu quả.
Nga có hàng nghìn chiếc xe tăng như vậy và họ đã sử dụng nhiều loại trong số này làm phương tiện tấn công cố định trong các tuyến phòng thủ, chẳng hạn như ở khu vực Zaporizhzhia, nhà phân tích này lưu ý.
Ông Oleh Zhdanov lưu ý Nga đã thành công khi tấn công các kho dự trữ vũ khí của Ukraine, nhờ mạng lưới cộng tác viên và mật vụ. Ngoài ra, Moscow cũng sử dụng máy bay không người lái và chiến thuật tác chiến điện tử để gây nhiễu vũ khí hoặc phương tiện của Ukraine. Moscow đã ngừng huy động các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn trong các cuộc tấn công, thay vào đó họ tìm cách chia nhỏ lực lượng để tránh thương vong lớn. Mặc dù không quân Nga hoạt động tương đối hạn chế, nhưng họ đã tìm cách hiện đại hóa kho tên lửa, biến những quả bom cũ thành bom lượn vô cùng lợi hại có khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 70 km.
Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng-an ninh (RUSI) có trụ sở tại London cho rằng: "Dù những quả bom này hạn chế về độ chính xác nhưng kích thước to lớn của chúng sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng".
Ngoài nâng cấp kho vũ khí, các kỹ sư Nga cũng thể hiện năng lực vượt trội khi xây dựng công sự dã chiến và đặt chướng ngại vật dọc theo chiến tuyến, trong đó chiến hào và hầm chỉ huy được gia cố bằng bê tông, hàng loạt bãi mìn hoặc ụ bê tông chống tăng mọc lên như nấm. Theo RUSI, việc bố trí rộng rãi các loại mìn tinh vi chống xe tăng và bộ binh đã tạo ra trở ngại lớn cho hoạt động tấn công của Ukraine.
Ngoài ra, Nga cũng tìm những cách thức tinh vi hơn để ngụy trang cho phương tiện, tăng cường sử dụng máy bay không người lái để tránh tổn thất. Theo ước tính của RUSI, các hệ thống tác chiến điện tử cải tiến của Nga đã phá hủy khoảng 10.000 máy bay không người lái của Ukraine mỗi tháng. Không chỉ tấn công UAV, chúng còn có thể chặn và giải mã các thông tin liên lạc của Ukraine./.