Ngoài bom nguyên tử, các nhà khoa học Mỹ còn có nhiều ý tưởng nghiên cứu khác nhằm chiếm thế thượng phong trên chiến trường, trong đó có dự án “bom dơi”.
Tiến sĩ Lytle Adams là một nha sĩ lập dị, đồng thời là nhà phát minh không chuyên của Mỹ. Ông đã từng nghiên cứu cơ chế giúp máy bay có thể nhận và thả các túi thư từ trên không mà không cần hạ cánh trên đường băng. Ngoài ra, ông còn có một số ý tưởng thú vị, chẳng hạn như máy bán gà rán và độc đáo nhất là “bom dơi”.
Nguồn cảm hứng về 'bom dơi' xuất hiện sau chuyến đi của ông đến hệ thống hang động Carlsbad ở New Mexico. Đây là nơi cư trú của từ 200.000 đến 500.000 con dơi. Vào mùa di cư, số lượng dơi có thể tăng vọt hơn một triệu con.
Đàn dơi đông đúc này đã gợi cho Adams một ý tưởng “độc nhất vô nhị”, đồng thời cuộc tấn công Trân Châu Cảng vài tuần trước đó càng khiến ông quyết tâm chế tạo một loại vũ khí mới nhằm giúp quân đội Mỹ giành ưu thế trên chiến trường.
Năm 1942, Adams gửi một lá thư cho Tổng thống Franklin D Roosevelt, trong đó ông đề xuất chế tạo “loại vũ khí sẽ làm kinh hãi, mất tinh thần và gây thiệt hại nặng cho đế quốc Nhật Bản”. Kèm theo là bản thiết kế chi tiết 'bom dơi' mà theo ông là rất khả thi.
Nghe có vẻ giống như phim khoa học viễn tưởng, nhưng đây rõ ràng là ý tưởng nghiêm túc của Adams. Theo đó, một lực lượng lao động sẽ được cử đến các hang động để bắt dơi càng nhiều càng tốt.
Tại một căn cứ quân sự, người ta sẽ gắn những quả bom hẹn giờ nhỏ vào dơi, rồi đặt chúng trong các hộp đặc biệt. Sau đó, một máy bay ném bom sẽ bay sang Tokyo trước khi mặt trời mọc và thả những hộp chứa dơi xuống bằng dù. Lúc này, dơi vẫn ngoan ngoãn ở trạng thái ngủ đông trong hộp vì sự lạnh giá ở độ cao.
Khi mặt trời lên cao dần và không khí ấm tác động lên hộp, những con dơi sẽ thức giấc, thoát ra tìm nơi trú ẩn trên gác mái của những ngôi nhà, căn cứ quân sự của Nhật Bản trong bán kính 32 đến 64 km. Khi chúng đến nơi, những quả bom hẹn giờ sẽ phát nổ, gây ra hàng nghìn hoặc hàng triệu ngọn lửa. Với các thành phố của Nhật Bản vốn ưa chuộng kỹ thuật xây dựng bằng gỗ và giấy, bom dơi có thể gây ra sự tàn phá khủng khiếp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm cách nào để kế hoạch này được chấp thuận. Adams đã quen phu nhân Tổng thống Roosevelt khi họ đi chung máy bay, đó có thể là lý do Tổng thống chịu mở và đọc bức thư này. Thật đáng kinh ngạc, Tổng thống Mỹ đã phê chuẩn việc thử nghiệm, sản xuất bom dơi và giao nhiệm vụ triển khai cho Lực lượng Không quân..
Tiến sĩ Lytle Adams, người có ý tưởng về “bom dơi”.
Adams đã xây dựng một đội ngũ những người có thể giúp biến dự án thành hiện thực. Nhóm nghiên cứu mà ông tập hợp cũng lập dị chẳng khác gì ông. Họ gồm nhà khoa học về động vật có vú thuộc Bảo tàng hạt Los Angeles, Tiến sĩ Jack von Bloeker, và các sinh viên làm việc trong phòng thí nghiệm của ông. Sau đó, người tạo ra bom napalm, Tiến sĩ Theodore Fieser, được bổ sung vào nhóm.
Điều kỳ lạ là nhóm còn có những người không thuộc giới khoa học, như nam diễn viên kiêm phi công Tim Holt, một vận động viên thể hình, một cựu quản lý khách sạn. Đáng chú ý nhất là nguyên trùm xã hội đen Patricio “Patsy” Batista và một cựu ngư dân đánh bắt tôm hùm đã trở thành thành viên của Hải quân Hoa Kỳ cũng tham gia dự án trên.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm các loài dơi khác nhau, trước khi chọn loài dơi thò đuôi (free-tailed bat) Mexico. Những con dơi này rất nhỏ, chỉ nặng 8,5g, vẫn có thể bay tốt khi mang một quả bom gấp ba lần trọng lượng cơ thể chúng.
Những quả bom hình thành từ vỏ nitrocellulose chứa đầy chất napalm. Các vật thể làm bằng vật liệu nitrocellulose cực kỳ dễ cháy và có thể tự cháy theo thời gian đã định. Sau một số thử nghiệm, nhóm nghiên cứu quyết định gắn những quả bom vào thân trước của con dơi bằng keo.
Vào tháng 5/1943, khoảng 4.000 con dơi bị bắt, được đặt trong các tủ lạnh để gây chế độ ngủ đông bắt buộc. Cuộc thử nghiệm với bom giả được tiến hành. Một chiếc lồng được thả từ máy bay B-52 ở độ cao 1.500 m và kết quả thật khủng khiếp. Hầu hết dơi bắt đầu hồi phục sau chế độ ngủ đông trong khi lao xuống nhưng không thể bay và chết khi va chạm với mặt đất.
Sau một số điều chỉnh, khắc phục, thí nghiệm được lặp lại với bom thật tại căn cứ phụ của Sân bay quân sự Carlsbad. Kết quả đã dẫn đến một tai nạn khác. Nhiều con dơi mang bom thoát ra được đã chui vào gầm một thùng nhiên liệu. Khi những quả bom do chúng mang phát nổ, phạm vi thử nghiệm chìm trong biển lửa.
Sau sự cố này, Lực lượng Không quân đã chuyển dự án cho Hải quân và nó được đổi tên là “Project-X-Ray”. Sau đó, “bom dơi” được giao cho lực lượng Thủy quân lục chiến triển khai.
Đơn vị này đã thực hiện một số thay đổi và đạt được những thành công đáng ngạc nhiên trong quá trình thử nghiệm, đến mức Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng (NDRC) đưa ra kết luận, bom dơi rất hiệu quả, có thể kích hoạt cho hàng nghìn vụ cháy.
Một cuộc thử nghiệm khác được sắp xếp, nhưng Đô đốc chỉ huy Hạm đội đã hủy bỏ kế hoạch, khi biết những con dơi không được chuẩn bị đầy đủ để tham chiến cho đến năm 1945. Vậy là sau khi chi 2 triệu USD (gần 30 triệu USD ngày nay), dự án bom dơi bị xếp xó.
Mặc dù vậy, ngay cả sau khi quân Nhật đầu hàng và Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, TS Adams vẫn nhấn mạnh rằng, những quả bom dơi của ông sẽ gây ra sức tàn phá lớn hơn nhiều so với những quả bom nguyên tử nhưng ít gây chết người hơn.
Thật ra, nếu bom dơi được sử dụng như dự định, thì hậu quả hỏa hoạn vẫn gây thiệt hại về nhân mạng của binh lính, trẻ em, dân thường và cả loài dơi. Tốt hơn hết là những thứ vũ khí mang tính hủy diệt như vậy đừng bao giờ được sử dụng.