Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 8/11 đã đưa ra một lý lẽ thuyết phục để thúc đẩy việc tìm kiếm những kẻ sát hại nhà báo kỳ cựu của tờ Washington Post, Jamal Khashoggi. Ông cho rằng nếu không thực hiện điều này thì Iran sẽ hưởng lợi và cuộc chiến tại Yemen sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Trong bài báo đăng tải trên tờ Washington Post, ông Boris Johnson có vẻ tự tin rằng ông đã biết tất cả sự thật: “Tôi không nghi ngờ gì về những điều đã xảy ra: âm mưu thu hút Jamal Khashoggi tới lãnh sự quán Saudi Arabia, cuộc tấn công do những nhân vật trong nhóm an ninh của Thái tử Saudi Arabia thực hiện. Tôi cũng không nghi ngờ dù chỉ một giây rằng vụ ám sát kinh hoàng này đã được ra lệnh bởi nhân vật cầm quyền cao nhất của Saudi Arabia”.
Điều cần phải lưu ý là cụm từ “nhân vật cấp cao nhất” mà nhà ngoại giao này sử dụng giống hệt như điều Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đề cập. Cũng trong bình luận trên tờ Washington Post tuần trước, ông Erdogan nói rằng “việc ra lệnh sát hại Jamal Khashoggi đến từ các nhân vật cấp cao nhất của chính phủ Saudi Arabia”.
Mặc dù nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không nhắc đến tên của Thái tử Saudi Arabia, nhưng có vẻ như ông đang ủng hộ một sự thay đổi tại Riyadh mà ở đó, Quốc vương Salman sẽ chọn một người kế nhiệm khác – một nhân vật có lẽ ít có thành kiến đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hơn.
Boris Jonson có cùng ý nghĩ đó, nhưng ông lại đưa ra cách hiểu khác đó là nếu Saudi Arabia không trừng phạt những kẻ ra lệnh giết hại nhà báo Khashoggi và chấm dứt cuộc chiến tại Yemen thì điều này sẽ mang lại lợi ích cho Iran và tất cả những quốc gia bất đồng với Saudi Arabia trong khu vực”.
Dưới con mắt của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Israel và Saudi Arabia thì Iran là nguồn gốc gây bất ổn tại Trung Đông và ông Boris Johnson có vẻ như cũng nhất trí với quan điểm này. Tuy nhiên ông vẫn cho rằng:
“Chúng ta không thể kiềm chế sức ảnh hưởng của Iran nếu chúng ta không thừa nhận rằng người Iran rất có kinh nghiệm trong việc khai thác hệ quả sai lầm từ các chính sách của phương Tây và các đồng minh”.
Theo đánh giá của Boris Johnsson, tại Yemen, Iran “hầu như không có ảnh hưởng và không có lợi ích chiến lược thực sự cho đến khi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành chiến dịch quân sự chống lại phiến quân Houthi vào năm 2015”.
Và dù hợp pháp hay không thì chiến dịch này đã không thành công. Như vậy có thể kết luận rằng, vụ sát hại nhà báo Khashoggi và cuộc chiến tại Yemen đều không có lợi cho Saudia Arabia, trong khi lại rất có lợi cho Iran./.