Tờ Washington Post ngày 16/11 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã kết luận Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MbS) chính là người ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Istanbul hồi tháng 10/2018.
Theo tờ báo này, CIA đã đưa ra kết luận trên sau khi xác minh các bằng chứng, bao gồm cuộc điện thoại giữa nhà báo Khashoggi và em trai thái tử MbS, Khalid, hiện là đại sứ Saudi Arabia ở Mỹ. Về phần minh, chính phủ Saudi Arabia đã tuyên bố Thái tử Mohamed không liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Kết luận của CIA là động thái mới nhất gây ảnh hưởng đến uy tín của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman sau một loạt những đồn đoán cho rằng MbS đã củng cố quyền lực bằng cách khiến người anh họ của mình là cựu bộ trưởng nội vụ Muhammed bin Nayef (thường gọi tắt là MBN) bị phế truất và giam giữ các đối thủ của ông tại khách sạn 5 sao Ritz-Carlton ở Riyadh vào năm 2017.
Hiện giờ đang nổi lên một cuộc tranh luận về việc Mỹ có thể tăng cường gây sức ép buộc Saudi Arabia thay đổi hành vi sau khi Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố trừng phạt 17 công dân Saudi Arabia, bao gồm cả những người thân cận với thái tử.
Mỹ và Saudi Arabia: Ai cần ai hơn?
Quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ vô cùng tạp. Riyadh đã phô trương thanh thế theo cách mà có thể gây ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ trong khu vực, nhưng Washington vẫn không phản đối, thậm chí ủng hộ “cuộc phiêu lưu” của đồng minh, trong đó có việc hỗ trợ quân sự hạn chế cho một số chiến dịch của Saudia Arabia tại quốc gia khác. Nhiều người cho rằng, Mỹ dường như đang phụ thuộc vào Saudi Arabia.
Song trên thực tế Saudi Arabia lại cần Mỹ hơn là Mỹ cần Saudi Arabia. Những quyết định sai lầm của Riyadh đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Vương quốc này, buộc họ phải gia tăng sự phụ thuộc vào Mỹ.
Saudi Arabia từ lâu dựa vào Mỹ như một nhà bảo trợ chính về an ninh. Quốc gia Trung Đông này được hưởng nhiều lợi ích từ chương trình đào tạo quân sự, giao dịch mua bán vũ khí, hợp tác tình báo với Mỹ.
Trong nội bộ nước Mỹ, đã nổi lên một cuộc tranh luận về quan hệ giữa hai quốc gia trong trục chính sách đối ngoại của xứ cờ hoa. Một số nhân vật đã đặt ra câu hỏi liệu chiều sâu của mối quan hệ giữa hai quốc gia có thực sự phục vụ cho các lợi ích của Mỹ hay không.
Mặc dù Mỹ đóng vai trò thiết yếu trong vấn đề an ninh của Saudi Arabia nhưng Washington không phải lúc nào cũng sử dụng điều này để thúc đẩy các giá trị và lợi ích của mình, hoặc xem đây là đòn bẩy tác động đến Riyadh.
Tuy nhiên, tình thế hiện giờ đã khác. Sau một loạt các diễn biến, đặc biệt là vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, nhiều nhân vật bảo thủ cho rằng Mỹ vẫn phải gây sức ép buộc các nhà hoạch định chính sách Riyadh thay đổi hành vi, cho dù Saudia Arabia là đồng minh gắn bó lâu dài.
Những lời chỉ trích về chính sách của Riyadh ngày càng trở nên gay gắt tại Mỹ, kể từ khi Saudi Arabia dẫn đầu liên minh can thiệp vào cuộc chiến ở Yemen năm 2015 và 2 năm sau đó là cuộc khủng hoảng vùng Vịnh khi Saudi Arabia cùng các đồng minh cô lập Qatar về mặt kinh tế và ngoại giao.
Giờ đây, căng thẳng tiếp tục leo thang sau tuyên bố của CIA cáo buộc Thái tử Saudi Arabia ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi. Trước tuyên bố này, hôm 24/10, một nhóm gồm 21 nghị sỹ lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ do Hạ nghị sỹ Jim McGovern thuộc đảng Dân chủ, đại diện cho bang Massachusetts, đứng đầu, đã đệ trình dự luật ngừng ngay lập tức tất cả các thương vụ bán vũ khí cho Chính phủ Saudi Arabia.
Dù đối mặt với sức ép từ dư luận và chính giới về việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Riyadh hay chấm dứt hỗ trợ cho nước này trong cuộc chiến tranh tại Yemen, song chính quyền Tổng thống Trump dường như không có sự thay đổi cơ bản nào trong đường lối với đồng minh.
Quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia luôn gắn liền với hai lợi ích cốt lõi kể từ khi được xây dựng vào năm 1945, đó là an ninh và dầu mỏ. Hợp tác về an ninh đã đóng vai trò to lớn trong quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay.
Dẫu vậy không phải là không có những thời kỳ Mỹ và Saudi Arabia rơi vào đỉnh điểm căng thẳng, đặc biệt phải kể đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, tiếp đến là vụ tấn công khủng bố tòa tháp đôi ở Mỹ ngày 11/9/2001.
Bất chấp mâu thuẫn và rạn nứt nêu trên, mối liên kết giữa Riyadh và Washington vẫn được duy trì. Có nhiều lý do dẫn đến sự hợp tác vững bền này, trong đó phải kể đến sự hội tụ về nhu cầu và lợi ích kéo dài đến hôm nay đó là dùng dầu mỏ để đổi lấy an ninh.
Tuy nhiên, những lợi ích này có thể thay đổi khi Mỹ theo đuổi nguồn năng lượng tái tạo trong một nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước xuất khẩu dầu mỏ, còn Saudi Arabia thì đang nỗ lực “đi theo cách riêng” để đảm bảo an ninh của chính mình.
Dùng ảnh hưởng gây sức ép
Kể từ khi Thái tử Mohammed thực hiện một loạt các bước đi củng cố quyền lực, sự bất đồng về lợi ích và quan điểm giữa Mỹ và Saudi Arabia ngày càng gia tăng. Ban đầu nhiều người Mỹ ca ngợi MbS như một nhà cải cách lớn – người cải tổ và dẫn đầu các nỗ lực hiện đại hóa Saudi Arabia nhưng họ đã nhanh chóng thất vọng vì sự cải cách mà MbS đưa ra không mang lại kết quả như kỳ vọng, cùng với đó là việc nảy sinh một loạt vấn đề trong chính sách đối ngoại và đối nội của quốc gia này.
Trong số này, phải kể đến cách thức mà MbS “bịt miệng” những người mà ông xem là đối thủ, chẳng hạn như nhà báo Khashoggi, hay sự can dự của Saudi Arabia vào cuộc xung đột tại Yemen, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử và việc gây rạn nứt giữa các đồng minh trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh.
Trong bối cảnh các chính sách của Saudia Arabia ngày càng trở nên cứng rắn hơn, đã có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ không thể thay đổi được các toan tính của Saudi Arabia. Nhưng suy luận này khác xa thực tế.
Là đối tác chính trị và quân sự lớn của Saudi Arabia, Mỹ sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với việc đề ra các quyết sách của giới chức Saudi Arabia. Hiện giờ, Mỹ đang có cơ hội dùng ảnh hưởng của mình để thay đổi hành vi của Saudi Arabia hơn bất cứ lúc nào khác.
Các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ không chấm dứt sự hỗ trợ cho đồng minh vùng Vịnh này hoặc buộc họ phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận.
Thay vì đó, Mỹ có thể xem xét dùng ảnh hưởng để khiến các nhà lãnh đạo Saudi Arabia ôn hòa hơn trong chính sách đối ngoại và đối nội. Ngoài ra Mỹ cũng có thể dùng việc hỗ trợ không hoàn lại làm con bài mặc cả, đổi lấy cam kết thay đổi hành vi từ Saudi Arabia.
Tuy nhiên, biện pháp này của Mỹ không phải là không có rủi ro. Điều đó sẽ khiến chính phủ Saudi Arabia giảm việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ hoặc ngừng cung cấp dầu mỏ cho Washington, như những gì các nước OPEC đã thực hiện vào năm 1973.
Nhưng thời điểm hiện nay đã khác trước, Mỹ không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu mỏ của Saudi Arabia. Mặt khác, những hành động quyết liệt và cứng rắn của Saudi Arabia trong khu vực lại đang có nguy cơ gây tổn hại lợi ích của Mỹ. Vì thế việc Mỹ dùng ảnh hưởng tác động tới Saudi Arabia sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Washington hơn là rủi ro.
Nhìn bề ngoài, sự hỗ trợ có điều kiện của Mỹ đối với Saudi Arabia sẽ khiến Thái tử Mohammed không hài lòng. Nhưng Nhà Trắng có thể sử dụng đòn bẩy này để xác định lại mối quan hệ giữa hai bên, đăc biệt là hạn chế những quyết sách từ phía Saudi Arabia gây ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ.
Mỹ có thể buộc Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, chấm dứt hoạt động quân sự tại Yemen, kiềm chế phản ứng cứng rắn của chính phủ Saudi Arabia đối với phe đối lập bên trong và bên ngoài Vương quốc, chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar.
Những người phản đối biện pháp nêu trên có thể cho rằng nó chỉ làm sâu sắc thêm sự tương tác qua lại mà quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia. Nhưng cần phải xét đến thực tế là quan hệ đối tác được thành lập dựa trên sự liên kết rõ ràng về lợi ích chứ không phải giá trị.
Bằng cách thừa nhận thực tế đó, Mỹ sẽ xác định được một cách tiếp cận mang lại lợi ích tốt hơn cho nước này. Bởi ở thời điểm hiện tại, chính phủ Saudi Arabia cần sự hỗ trợ của Mỹ nhiều hơn Nhà Trắng cần Saudi Arabia./.