Đó là tình huống ở phút 90+3, khi CLB Sài Gòn FC đã dẫn HAGL 4-2 trong trận đấu ở lượt 4 giai đoạn 2 V.League 2020. Nguyễn Thanh Thụ có pha ném biên, bóng bay thẳng vào mặt Nguyễn Phong Hồng Duy. “Nạn nhân” khá bình thản sau pha bóng này thay vì một pha “ăn vạ”. Cho nên, nhiều người “trách” Hồng Duy đã quá hiền, quá non tơ. Một hình ảnh đáng chú ý khác, chứng kiến đồng đội của mình “ăn” cả trái bóng vào mặt, Nguyễn Anh Đức đã lao thẳng vào Thanh Thụ để bày tỏ sự bực tức.
Trưởng đoàn CLB HAGL - ông Nguyễn Tấn Anh đã mắng cầu thủ Sài Gòn FC đá bóng không có đạo đức. Trong buổi họp báo, HLV Vũ Tiến Thành đã lên tiếng bảo vệ cậu học trò 27 tuổi. Ông Thành cho rằng, Thanh Thụ là cầu thủ hiền lành đạo đức nhất của Sài Gòn FC nên pha bóng này không cố ý mà chỉ là một cú ném trượt tay. Ông Thành cũng không quên bình luận sự chỉ trích của Trưởng đoàn HAGL rằng, ông Tấn Anh nói vậy là nói bậy. Ban Điều hành VPF đã gửi công văn đề nghị LĐBĐ Việt Nam (VFF) xử phạt Thanh Thụ do đã có hành vi tấn công đối phương và mang tính bạo lực.
VPF đã đưa ra đề nghị thì gần như chắc chắc Ban Kỷ luật VFF sẽ có án dành riêng cho Thanh Thụ. Điều đó cũng đồng nghĩa, VPF kết luận pha ném bóng vào mặt của cầu thủ Sài Gòn FC vào mặt Hồng Duy là cố tình chứ không phải là cú ném trượt tay. VPF căn cứ vào băng hình và sự trực quan mà đề nghị “xử” Thanh Thụ. Xét ở góc độ này, VPF hoàn toàn có lý khi nhận định, một pha ném biên trượt tay không thể mạnh và chính xác như vậy được.
Nhiều khán giả khi xem lại băng hình cũng đồng quan điểm, Thanh Thụ đã cố tình ném bóng vào mặt Hồng Duy. Ngoài HLV Vũ Tiến Thành, một số đã bênh Thanh Thụ và lý do được đưa ra: Ở ngoài đời, Thanh Thụ rất hiền lành, chưa bao giờ hại ai cả. Lập luận này chẳng phải không có lý, bởi một một con người sống hiền lành thì chẳng có cớ gì vào sân lại chơi xấu. Hơn thế nữa, Thanh Thụ và Hồng Duy không phải ghét bỏ nhau, cũng không va chạm trên sân để dẫn để chuyện cay cú, ăn thua.
Thanh Thụ bị chỉ trích rằng không Fair Play với Hồng Duy.
Bóng đá có những điều rất khó nói, đôi khi các nhà tâm lý học cũng “bó tay” để giải thích chuyện một cầu thủ A có tính cách hiền lành, đạo đức, lối sống lành mạnh nhưng vào sân, anh ta lại là một con người hoàn toàn khác. Huỳnh Tấn Tài của Sài Gòn FC hiện tại từng khiến cho những đồng nghiệp gặp ác mộng với những pha vào bóng như “tiều phu đốn củi” nhưng bên ngoài, cầu thủ có hộ khẩu tại Long An lại chân chất như nông dân. Một dạng khác, có những cầu thủ bặm trợn bên ngoài như khi vào sân lại chơi bóng rất đẹp và fair play…
Thanh Thụ qua lời kể của các HLV, các đồng đội đúng là hiền lành nhưng trong bối cảnh phải chơi trong một trận đấu nhiều áp lực, phải đối đầu với một đối thủ khó chịu, đôi khi Thụ “nổi nóng” trong sự vô thức là điều không tránh khỏi. Tất nhiên, rất khó kết luận Thanh Thụ cố tình hay vô ý ném bóng thẳng vào mặt Hồng Duy bởi đó là góc tiếp cận, cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người khác nhau.
Chắc chắn, chỉ là một pha ném bóng, dù cố ý đi nữa rất khó để “quy chụp” Thanh Thụ là cầu thủ không có đạo đức. Như đã nói, đôi khi sự việc diễn ra chỉ vì anh ta không kiểm soát được hành động. Bản thân người chơi sau đó xem lại cũng không thể lý giải, tại sao mình lại “xấu xí” như thế?
Thanh Thụ được các thành viên trong ban huấn luyện đánh giá là cầu thủ hiền lành từ trong cho đến ngoài sân cỏ.
Ở khía cạnh nào đó, chuyện VPF kiến nghị lên VFF để “xử” Thanh Thụ là điều xác đáng, bất chấp hành động cầu thủ này cố ý hay vô tình. Vấn đề cần nhìn nhận ở đây, án phạt ấy cần thiết để răn re cho những hành động tương tự. Và có lẽ câu chuyện cũng nên dừng tại đó, thay vì nâng cao quan điểm đạo đức trong bóng đá. Nên nhớ, đạo đức trong bóng đá là một phạm trù riêng biệt và rất khó định nghĩa, nó là cái gì?
Đến đây nhiều người hẳn còn nhớ, mùa 2013, VPF đã thành lập cái gọi là Ban Đạo đức với 7 thành viên tham gia. Nhiệm vụ của Ban này là tư vấn, phối hợp phòng chống, ngăn ngừa tiêu cực liên quan đến các trận đấu nhạy cảm, các sự việc liên quan đến đạo đức, các biểu hiện phi thể thao… rồi đề nghị giải quyết các sự cố này lên Ban kỷ luật của VFF. Không biết từ lúc nào, Ban Đạo đức VPF bị “tan rã”. Bây giờ Ban Điều hành VPF đang làm công việc của Ban Đạo đức ngày nào trong vụ Thanh Thụ. Và rõ ràng, họ phải “đưa lên đặt xuống” trước khi gửi công văn tới VFF.
Hồng Duy cũng đã lên tiếng về những lùm xùm xung quanh vụ việc và kêu gọi NHM ngừng chỉ trích Thanh Thụ.
VFF sẽ xử và phải xử. Tuy nhiên, họ cần có những nhìn nhận đúng đắn chứ không phải được xử bằng cảm tính khi đây là một câu chuyện muôn thuở trên sân cỏ Việt. Cho nên, những người bảo vệ cho Thụ cũng cần phải tỉnh táo vì bênh vực chưa phải là sự chuẩn mực để biện hộ. Với những người chỉ trích, có lẽ cũng không nên áp đặt quá nặng nề bởi bóng đá hay thể thao cần phải ngăn chặn sự xấu xí bằng những hành động, thay vì nói chuyện bằng đạo đức.