Theo đó, nhà trường ISHCMC nêu quan điểm: "Trường nhìn nhận có một phần trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đáng tiếc giữa các học sinh với nhau, làm cho phụ huynh lo lắng. Ngoài ra, trường cũng sẽ rút kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống nhanh chóng để tránh gây hiểu lầm cho phụ huynh và tạo thông tin trái chiều trên mạng xã hội".
Hình ảnh nữ sinh bị bạn học đánh gây xôn xao dư luận
Bên cạnh đó, ISHCMC cũng cam kết sẽ theo dõi sâu sát hơn nữa đối với học sinh kể cả mặt học tập và tâm lý lứa tuổi. Trường cũng nói sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với phụ huynh để tìm ra giải pháp thỏa đáng giúp các em giải tỏa căng thẳng, ổn định học tập.
Báo cáo của trường này cũng nêu: "Trường đang rất lo ngại các bên liên quan có xu hướng lạm dụng truyền thông và các phương tiện trực tuyến thực hiện thái độ hoặc hành vi kích động, bắt nạt trực tuyến bằng cách phát tán một số thông tin cá nhân của học sinh như địa chỉ nhà, hình ảnh cá nhân... Trường mong nhận được sự hỗ trợ của quý Sở trong việc giải quyết vấn đề này".
Cũng theo báo cáo trên của ISHCMC, sự việc diễn ra ngày 26-5 như sau: Sau giờ học chính thức, thầy giáo phụ trách được thông báo có nhóm học sinh xô xát ở bên ngoài, cách trường hai tòa nhà.
Sau đó, thầy phụ trách đã dẫn các em học sinh này về trường và đưa vào phòng y tế để kiểm tra sức khỏe. Tiếp theo ban giám hiệu trường đã gặp gỡ học sinh để nghe các em tường thuật lại sự việc.
Tuy nhiên, việc trao đổi giữa ban giám hiệu trường và học sinh buộc phải dừng lại khi phụ huynh của những học sinh trên đến trường, yêu cầu nhà trường ngay lập tức xử lý vụ việc và xử lý học sinh.
Tại thời điểm đó, do sự việc vừa mới xảy ra, trường chưa có đủ thông tin nên chưa thể đưa ra quyết định xử lý ngay. Trường đã giải thích việc này với phụ huynh, nhưng một số phụ huynh không đồng ý và đã có những thái độ, hành động không phù hợp và không hợp tác với nhà trường.
Liên quan tới vụ việc này, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND TP.HCM về việc chỉ đạo xử lý vụ việc bạo lực trong học sinh Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA).
Bộ GD-ĐT đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Thông tin xử lý vụ việc gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 31/5.
Tại sao các trường hay tạm đình chỉ học sinh đánh nhau trong 2-3 ngày?
Theo thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS – THPT M.V Lômônôxốp, việc tạm đình chỉ 2-3 ngày sau khi học sinh đánh nhau là giúp các trò tĩnh tâm lại sau sự việc, tránh những cảm xúc tiêu cực như tiếp tục đánh nhau hoặc gọi người trợ giúp. Mấy ngày ở nhà là thời gian quan trọng để học trò tiết chế lại cảm xúc, bình tĩnh lại và được gia đình hỗ trợ về tâm lý.
“Tất nhiên, việc cho học sinh ở nhà cần được thông báo cho phụ huynh biết và phụ huynh có thời gian sắp xếp công việc để hỗ trợ con trong thời gian đó.
Đây không phải là hình thức kỷ luật, vì hình thức kỷ luật phải được thông qua Hội đồng kỷ luật. Đây chỉ là hình thức để đảm bảo an toàn cho học sinh”, thầy Tùng nói.
Cũng theo thầy Nguyễn Quang Tùng thì việc bắt nạt học đường thì ở đâu cũng có, trường nào cũng có, trường học phí cao hay thấp đều có, thời nào cũng có. Vì đơn giản ở đó có bọn trẻ, chúng chưa đủ tuổi trưởng thành và việc chúng giải quyết vấn đề bằng nắm đấm cũng không khó hiểu.
Về câu hỏi đặt các nhà trường có giáo dục kỹ năng ứng xử hay không, thầy Nguyễn Quang Tùng khẳng định: “Các nhà trường giáo dục rất kỹ văn hóa ứng xử. Các nhà trường trên thế giới đều chung nhau một điểm, đều dạy về sự yêu thương, tôn trọng và dạy bọn trẻ yêu hoà bình. Quan trọng là ứng xử với sự việc như thế nào mà thôi.
Tôi xin kể câu chuyện tôi đã gặp và xử lý: Các đây khoảng 6 năm, từ chuyện rất nhỏ, hai cô học trò A và B lao vào nhau đấm đá ngay trong trường, cả hai đều xước tay, chân.
Nhà trường đang yêu cầu hai bạn viết tường trình thì mẹ A và hơn chục người đàn ông mạnh khoẻ trong gia đình lao đến trường, đứng ở giữa sân trường réo hiệu trưởng mà chửi, vì đã để bạn B đánh con bà.
Tôi cho mời bà mẹ vào phòng truyền thống để làm việc, với yêu cầu người nhà phải ra khỏi trường hết, trường chỉ làm việc với bà mẹ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về cháu A. Bà mẹ đồng ý, muốn gặp cháu B, tôi không đồng ý và hứa sẽ có cuộc gặp mặt hai giai đình, hai bạn trẻ trong Hội đồng kỷ luật.
Sau một hồi bày tỏ sự bức xúc vì con bị đánh, được tôi lắng nghe, được tôi xin lỗi vì để xảy ra việc đánh nhau trong trường, tôi là hiệu trưởng và chịu mọi trách nhiệm về việc đó, bà mẹ đã hạ hoả và xin lỗi nhà trường về ứng xử chưa chuẩn mực như trên.
Sau này, khi ra trường rồi, A và mẹ vẫn hay tặng quà và cảm ơn tôi vì đã hỗ trợ A trong suốt quá trình học. Bà mẹ cũng giới thiệu cho rất nhiều trò giỏi vào trường sau này”.