Vụ học sinh tiểu học bị điện giật chết thương tâm: Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì?

Hoàng Thanh |

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, những tai nạn thương tích xảy ra với học sinh đều hết sức đau lòng, nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần hết sức lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ.

Trường Tiểu học Thái Thịnh.

Trường Tiểu học Thái Thịnh.

Liên quan đến vụ học sinh tiểu học bị điện giật tử vong khi học trực tuyến, ngày 10/9, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã khẩn trương chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân kiểm tra, xác minh sự việc xảy ra.

Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, nạn nhân là cháu D., sinh năm 2011, địa chỉ tại phố Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Cháu D. hiện là học sinh Trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa.

"Ngay trong ngày 10/9, thông qua Phòng GD&ĐT Đống Đa, Sở GD&ĐT đã gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh bị tai nạn, đồng thời chỉ đạo ngành GD&ĐT Đống Đa và nhà trường thăm hỏi, chia buồn; hỗ trợ gia đình học sinh. Hiện Công an đang điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc", đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, những tai nạn thương tích xảy ra trong hay ngoài nhà trường với học sinh đều hết sức đau lòng. Sự việc này một lần nữa nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần hết sức lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ.

Trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và cha mẹ học sinh, gia đình học sinh, đặc biệt là sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từ giáo viên hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ…

Trao đổi với PV Infonet, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc học trực tuyến với học sinh tiểu học nếu không có sự đồng hành của phụ huynh thì khó mà có hiệu quả.

Về việc giáo dục kỹ năng sống cũng như các kỹ năng an toàn cho trẻ, theo PGS.TS Trần Thành Nam, từ bậc mầm non, các con đã được dạy kỹ năng an toàn, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, phòng tránh tai nạn thương tích ở mức nhận diện.

Lên lớp 1, trong môn đạo đức cũng có dạy học sinh về các nguy cơ thiếu an toàn trong nhà như phích điện, nước sôi, nguy cơ bị bỏng và khi đối diện với các nguy cơ các con cần làm gì.

"Bao giờ cũng thế, lý thuyết phải kết hợp với thực hành, trên lớp các cô hướng dẫn con nhận diện nguy cơ nhưng ở nhà cha mẹ cũng nên kết hợp bài học lý thuyết vào thực hành để con biết những đồ vật nào là nguy hiểm và chủ động tránh xa, con cũng có thêm kiến thức bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ thiếu an toàn...

Cha mẹ cũng cần quan tâm đến các hành vi của con, không để cảm xúc của mình ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến trẻ thu mình và có tâm lý tự xử lý vấn đề mắc phải. Khi con thiếu kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống thì rất có thể gây nên hậu quả khôn lường.

Nếu học trực tuyến mà cha mẹ không sắp xếp được thời gian cùng con thì phải có các giải pháp khác. Tôi nhắc lại, trong nguyên tắc an toàn với trẻ thì không nên để trẻ ở nhà một mình quá lâu.

Nếu cha mẹ phó mặc chuyện giáo dục con cho nhà trường thì mục tiêu của giáo dục cũng không thể đạt được, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều địa phương triển khai việc học trực tuyến như một giải pháp tình thế”, Tiến sĩ Trần Thành Nam nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại