Công ty luật Mossack Fonseca là tâm điểm trong vụ rò rỉ tài liệu mang tên "Hồ sơ Panama" hé lộ về cái được gọi là vụ tham nhũng toàn cầu, do tình nghi liên quan tới bê bối của tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil.
Ramon Fonseca Mora và Juergen Mossack - 2 cổ đông chính của công ty Mossack Fonseca, đã bị tạm giữ vào tối 9/2.
Trưởng Công tố Kenia Procell cho biết Mossack Fonseca bị tình nghi rửa tiền và thành lập "một tổ chức tội phạm che giấu tài sản và tiền bạc có nguồn gốc đáng ngờ".
Bà Procell cũng cáo buộc công ty này "che giấu và tiêu hủy bằng chứng" liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn tại Brazil mang tên "Car Wash".
Luật sư của Mossack-Fonseca, ông Elias Solano, cho rằng các cáo buộc trên "thiếu bằng chứng".
Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" hồi tháng 4/2016 cho thấy công ty Mossack Fonseca đã giúp nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới trốn thuế và che giấu tài sản khổng lồ ở nước ngoài gây ra tác động tầm cỡ toàn cầu.
Trong khi đó, Odebrecht là tâm điểm của vụ bê bối khổng lồ ở tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil, gây chấn động chính trường quốc gia Nam Mỹ này kể từ tháng 3/2014.
Cơ quan tư pháp Mỹ cho biết từ năm 2001, Odebrecht đã "đi đêm" 788 triệu USD cho hàng trăm quan chức và chính trị gia của nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu, để nhận được các dự án.
Bản thân Odebrecht thừa nhận đã đưa hối lộ tại 12 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh trong suốt 10 năm để giành hợp đồng trong quá trình đấu thầu.
Nhiều quốc gia Mỹ Latinh bao gồm Panama, Mexico, Argentina, Peru và Uruguay đã mở các cuộc điều tra liên quan tới mạng lưới hối lộ quy mô lớn của Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil.
Tại Panama, nhiều quan chức và doanh nhân nước này đã bị cáo buộc liên quan tới bê bối Odebrecht, trong đó có cả Tổng thống Panama Juan Carlos Varela.
Ngày 9/2, ông Ramon Fonseca đã khai rằng Tổng thống Varela từng nói rằng đã nhận tiền đóng góp từ Odebrecht cho chiến dịch tranh cử năm 2014. Tổng thống Varela đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên.