Vụ heo “an thần”: Người nuôi lao đao

Uyên Phương |

Sau vụ gần 4.000 con heo tiêm thuốc an thần bị phanh phui, giá thịt heo giảm mạnh, nhiều trang trại thua lỗ.

Lò mổ “siết” thương lái

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - đại diện cơ sở giết mổ Xuyên Á (H. Củ Chi) cho biết, cơ sở vừa cùng nhiều tiểu thương ký cam kết với nhiều điều kiện ràng buộc nhằm ngăn chặn việc tiêm thuốc an thần vào heo.

Theo đó, tiểu thương cam kết chấp hành quy định chỉ đưa heo có nguồn gốc rõ ràng, được đeo vòng truy xuất có thông tin đầy đủ; tuyệt đối không sử dụng thuốc an thần, không bơm nước vào heo.

Nếu phát hiện, sẽ bị chấm dứt hợp đồng gia công giết mổ và chịu mọi hình thức xử lý theo qui định pháp luật. Đồng thời tự nguyện tiêu hủy toàn bộ lô heo nếu cơ quan chức năng kiểm tra có chất cấm.

Ngoài ra, tài xế chở heo cũng phải ký cam kết trách nhiệm về lô heo trên đường vận chuyển về lò giết mổ.

Về thời gian hoạt động lại lò mổ, bà Thắm cho hay, hiện vẫn chưa có thông báo chính thức khi nào cơ sở được hoạt động trở lại.

Đối với hoạt động giết mổ, cần phải có sự tổ chức, giám sát của thú y thì thịt heo ra thị trường mới hợp pháp nên cơ sở không thể tự ý hoạt động trở lại. Tại cơ sở, tuy vẫn còn cán bộ thú y trực nhưng rất ít, chủ yếu giám sát việc tiêu độc khử trùng.

Trong thời gian ngưng hoạt động, cơ sở Xuyên Á đã sửa chữa, nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất. Đặc biệt, cơ sở mới lắp đặt 40 camera ở chuồng tồn trữ, khu vực nhập heo. Tất cả dữ liệu truyền về khu vực đơn vị thú y quản lý tại lò.

Trường hợp heo có vấn đề, dựa vào đây đơn vị có cơ sở quy trách nhiệm cho cá nhân, công đoạn.

Giá thịt heo lao dốc

Ông Lê Xuân Hoàng - chủ trại heo Hai Hoàng (H.Hóc Môn) lắc đầu ngao ngán: “Sức mua mấy ngày nay giảm mạnh, giá heo từ đó cũng sụt 2.000-3.000 đồng, xuống chỉ còn 25.000-26.000 đồng/kg heo hơi, thậm chí có lúc xuống 20.000 đồng/kg.

Với mức giá này, tôi lỗ 500.000-600.000 đồng/mỗi con heo xuất chuồng… Do trại heo của tôi tự sản xuất được giống, quy mô nuôi công nghiệp, thức ăn mua trực tiếp từ nhà máy nên mức lỗ này vẫn còn thấp hơn so với đa số trại heo khác”.

Bà Hạnh - chủ trại heo Hồng Tâm (Long Thành, Đồng Nai) kể, trại của bà thường xuất chuồng 300 con heo/đợt. Nhưng với mức giá như hiện nay, bà bị lỗ gần 400 triệu đồng.

“Vụ việc phát hiện heo tiêm thuốc an thần, tạm ngưng lò mổ lớn nhất TPHCM khiến đầu ra càng thêm bế tắc. Nhiều thương lái còn ép giá không mua vì bảo không có chỗ giết mổ, đưa đi nơi xa rất tốn kém.

Người lãnh đủ vẫn là nông dân, người chăn nuôi” - bà Hạnh chán nản.

Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết, những ngày qua, giá thịt lợn mảnh tại chợ chỉ tăng giá vào đầu phiên giao dịch, gần sáng giá lại giảm dần, chỉ còn 33.000 - 34.000 đồng/kg heo mảnh loại 1 (trước đó là 47.000 - 48.000 đồng/kg).

“Trung bình mỗi đêm có khoảng 2.000 - 3.000 con lợn phân mảnh sẵn chở về chợ này sau đó theo chân các tiểu thương về các chợ lẻ tiêu thụ. Tuy nhiên hiện nay mức tiêu thụ cũng rất chậm” - chị này cho hay.

Tại nhiều chợ lẻ như: Bến Thành (Q.1), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), Tân Định (Q.1)… tất cả đều đồng loạt giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Cụ thể, thịt vai dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, đùi heo từ 70.000 - 77.000 đồng/kg, giá ba rọi luôn ở mức cao hơn song vẫn giảm, từ 85.000 - 90.000 đồng/kg. “Mỗi ngày trung bình tui bán cả trăm ký thịt, nay chỉ còn 50% nhưng ế ẩm lắm.

Sau vụ việc heo bị tiêm thuốc an thần, sức mua trên thị trường chậm hẳn, mặc dù giá thịt heo giảm xuống nhưng khách vẫn lo ngại nên không mua” - bà Nguyễn Thị Hai, tiểu thương sạp thịt heo chợ Thị Nghè thở dài.

Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết, trước đây, hơn 60% lượng heo của thủ phủ heo lớn nhất cả nước là Đồng Nai cung cấp cho thị trường TPHCM.

Trong đó, một lượng heo rất lớn thu mua tại Đồng Nai đều được giết mổ tại cơ sở Xuyên Á.

Những ngày qua, việc tạm ngừng hoạt động lò mổ Xuyên Á, cộng thêm sức tiêu thụ giảm vì người dân bất an đã khiến lượng heo cung ứng cho TP giảm mạnh, chỉ còn khoảng 25%-30%.

Hiện, việc chăn nuôi cũng như tiêu thụ thịt heo của nhiều tỉnh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương… hết sức khó khăn.

“Con heo trong giai đoạn này đang bị khủng hoảng rất nghiêm trọng do đầu ra rất khó, giá thì thua lỗ lớn. Việc thua lỗ kéo dài hơn một năm nay là khó khăn vô cùng lớn cho người chăn nuôi.

Vì vậy, nếu cơ quan chức năng không có giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn, thì sẽ có thêm một lượng lớn trang trại không thể vượt qua “cú sốc giá” lần này” – ông Quyết nói.

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho hay, thành phố đặt mục tiêu cuối năm 2017 sẽ có 6 nhà máy giết mổ heo công nghiệp ra đời, thay thế cơ sở giết mổ thủ công. Tuy nhiên, do thủ tục quá phức tạp nên mục tiêu này khó đạt.

Dự kiến, thời điểm các chủ đầu tư hoàn thành nhà máy kéo dài đến tháng 9/2018. Từ nay, nhà máy nào hoàn thành sẽ được hoạt động trước.

Được biết, 13 thương lái có lô heo bị tiêm thuốc an thần bị phát hiện nhưng đến nay nhiều người vẫn chưa đóng đủ tiền phạt. "Chi phí tiêu hủy 15.000 đồng/kg dẫn đến số tiền quá lớn, lên đến cả tỷ đồng nên tôi vẫn chưa đủ khả năng đóng" - thương lái T. than thở.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại