Li Jing – một doanh nhân 33 tuổi ở Vũ Hán, đang đếm ngược từng ngày, chờ đợi cho đến khi thành phố của anh có thể "hồi sinh" sau một thời gian dài phong toả vì đại dịch. Hàng trăm căn hộ mà công ty kinh doanh homestay của Li giám sát đã bắt đầu đón khách vào hôm thứ Tư tuần trước, khi lệnh phong toả chính thức được dỡ bỏ. Giờ đây, những chuyến tàu sẽ, chuyến bay sẽ được khởi hành từ Vũ Hán, ô tô cũng được di chuyển trở lại trên đường cao tốc.
Giá thuê của các căn hộ Li kinh doanh đều lao dốc về mức 0 sau khi lệnh phong toả được áp dụng vào ngày 23/1, sau đó là cả tỉnh Hồ Bắc. Nỗ lực thu hút khách đặt phòng, các căn hộ của Li đều được dọn dẹp sạch sẽ và khử trùng trong 3 giờ đồng hồ sau mỗi lần khách rời đi, Li cũng dự định sẽ mở rộng thêm cách dịch vụ cho khách thuê nhà.
Tuy nhiên, dù Vũ Hán - một thành phố rất nổi tiếng với hoa anh đào và toà tháp Hoàng Hạc Lâu, đã mở cửa trở lại, thì Li vẫn biết rằng các căn hộ của anh vẫn không có khách trong nhiều tuần, có thể là vài tháng sắp tới. Anh chia sẻ: "Tôi hy vọng mọi người sẽ tin tưởng chúng tôi và quay trở lại Vũ Hán. Nhưng đây lại không phải là sự lựa chọn đầu tiên khi họ đi du lịch".
Là "tâm chấn" đầu tiên của dịch Covid-19, những gì diễn ra ở Vũ Hán đang cho thấy một tương lai không chắc chắn về thế giới sau đại dịch.
Nền kinh tế chịu thiệt hại đáng kể
Trong khi các nhà máy ở trung tâm sản xuất thép và ô tô của Trung Quốc được phép tái khởi động, thì quá trình quay trở lại của các công nhân lại diễn ra chậm chạp và chuỗi cung ứng bị xáo trộn. Các trung tâm mua sắm mở cửa trở lại, nhưng phần lớn vẫn vắng lặng, hầu hết người dân vẫn lo ngại về việc ra ngoài, trừ khi có việc cần thiết. Thành phố đầu tiên chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh có thể đang dần hồi phục, nhưng hoạt động của người dân hiện vẫn được kiểm soát gắt gao, khi giới chức đang cực kỳ thận trọng đối với nguy cơ làn sóng nhiễm bệnh thứ 2 bùng lên.
Ca nhiễm và tử vong ở Vũ Hán chiếm tới hơn 1 nửa con số của Trung Quốc, đây là nơi sẽ chịu đựng "vết thương" hằn sâu nhất sau do đại dịch. Từng là trung tâm sản xuất của Trung Quốc, với mức tăng trưởng GDP được dự kiến sẽ đạt mức 7,8% trong năm nay, thì giờ đây Vũ Hán đang đối chọi với những thách thức khi nền kinh tế tái khởi động.
Chen Bo – giáo sư kinh tế học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, nhận định, mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ là đáng kể. Ông cho hay: "Đến tháng 2, thu nhập tài chính đã mất khoảng 1 tỷ USD và GDP có thể sẽ sụt giảm ít nhất 50%. Tác động về cả xã hội và tâm lý đối với hoạt động đầu tư, du lịch có thể sẽ kéo dài khá lâu ở thành phố này."
Bergamo cho đến New York có thể sẽ chứng kiến hậu quả tương tự
Những gì diễn ra ở các bệnh viện tại Vũ Hán trước đây – bệnh viện quá tải, còn bệnh nhân thì tuyệt vọng, tình trạng này đã được "nhân rộng" ở các thành phố trên khắp thế giới khi dịch bệnh lan rộng, từ Bergamo (Italy) cho đến New York. Sự hồi phục của nền kinh tế Vũ Hán chính là "điềm báo" cho những nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, tất cả đều đến từ việc phong toả và tác động đối với hoạt động kinh doanh.
Một yếu tố quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc về dịch bệnh, đó là việc dỡ bỏ lệnh phong toả không có nghĩa là Vũ Hán sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy đây sẽ là một quá trình chậm chạp và đầy đau thương, khi cú sốc từ dịch bệnh vẫn kéo dài, cùng với đó là lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ 2 khiến các doanh nghiệp chưa thể tăng tối đa công suất hoạt động.
Hàng rào dây thép gai vẫn còn sau thời gian phong toả
Cuộc sống trên toàn thành phố đều có sự thay đổi về mọi mặt, dù lớn hay nhỏ. Một số người dân có thể di chuyển ra vào toà nhà nơi họ sống, nhưng hàng rào thép gai vẫn được đặt ở đó – mục đích là để ngăn những người trèo ra ngoài trong thời gian cách ly.
Công nhân tại nhà máy sản xuất smartphone Xiaomi - ở phía đông thành phố, hiện có thể quay trở lại làm việc, nhưng chỉ có 5 người được phép vào tháng máy 1 lần. Sàn bên trong thang máy cũng được dán băng dính, đánh dấu vị trí đứng của từng người khi vào – mỗi góc sẽ có 1 ô và 1 ô ở giữa.
Trong khi đã mở cửa trở lại để đón khách, bữa buffet sáng ở một khách sạn 5 sao tại Vũ Hán đã được cắt giảm một vài món ăn và các phần ăn đều được chuẩn bị, đóng gói riêng cho mỗi người.
Hoạt động sản xuất mất rất nhiều thời gian để phục hồi
Trước khi dịch bệnh hoành hành, Vũ Hán là thành phố có hoạt động sản xuất hiệu quả thứ 9 của Trung Quốc trong năm 2019, theo báo cáo từ Milken Institute. Hoạt động sản xuất tại đây chú trọng nhiều hơn vào lĩnh vực công nghệ cao cho đến sản xuất chip và y sinh. Hơn nữa, Vũ Hán còn là trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc, nơi có hàng trăm nhà cung cấp phụ tùng xe.
Hiện tại, các nhà máy ở Vũ Hán đang nỗ lực sản xuất trở lại. Việc lắp ráp một chiếc xe Peugeot mới được bắt đầu tại một nhà máy được điều hành bởi liên doanh giữa PSA Group và Dongfeng Motor của Trung Quốc. Mei Yunfeng – quản lý tại nhà máy, cho biết: "Vẫn còn nhiều khó khăn trong logistics, vận chuyển và cung ứng." Ông nói, có rất nhiều nhà cung cấp chưa tăng tốc trở lại.
Chen nhận định, hoạt động FDI tại thành phố này chưa có sự tiếp nối trong thời gian tới. Sau dịch SARS năm 2003, dòng vốn FDI vào tỉnh Quảng Đông – nơi dịch bệnh bùng phát, đã "cạn kiệt" trong 2-3 năm. Ông nói: "Điều tương tự sẽ xảy ra với Vũ Hán, nhà đầu tư sẽ thận trọng vì họ lo ngại dịch bệnh sẽ lại bùng phát và thành phố không được kiểm soát hiệu quả. Dịch bệnh này có tác động mang tính tàn phá đối với kế hoạch hoà nhập hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Vũ Hán."
Lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ 2
Dù đã vượt qua đỉnh dịch, nhưng mối lo ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh ngày càng tăng lên ở Vũ Hán. Sự lo lắng đó đã thúc đẩy chính quyền áp dụng một hệ thống "chấm điểm" sức khoẻ theo mã màu trên toàn quốc – 2 ứng dụng được vận hành bởi Alibaba và Tencent. Trong các ứng dụng này, người dùng sẽ nhận được 1 trong 3 mã màu – xanh, vàng và đỏ, dựa theo vị trí, thông tin sức khoẻ và lịch sử di chuyển của họ.
Tại Vũ Hán, chỉ những người có mã màu xanh lá mới được phép rời khỏi nhà và đi làm. Tuy nhiên, rất dễ để "mất" mã màu xanh. Chỉ cần đến một trung tâm mua sắm, nơi xác nhận có 1 trường hợp nhiễm bệnh, thì mã của người đó ngay lập tức chuyển sang màu vàng, có nghĩa là họ phải tự cách ly ở nhà.
Hiện tại, Vũ Hán vẫn ghi nhận những ca nhiễm bệnh mới nhưng không có triệu chứng. Đây chính là những trường hợp có thể âm thầm lây bệnh trên diện rộng.
Nỗi lo ngại kéo dài đó là tin xấu đối với các doanh nghiệp. Tại trung tâm thương mại Wuhan International Plaza, Yu – một nhân viên bán hàng tại Calvin Klein, chia sẻ rằng kể từ khi mở cửa trở lại vào ngày 30/3, cửa hàng của anh chỉ có 2 đơn hàng. Trong khi đó, doanh thu của cửa hàng này mỗi tuần lên tới hơn 20.000 CNY (2.820 USD)/tuần. Anh chia sẻ: "Thực ra tôi cảm thấy thoải mái nếu không có khách. Như thế sẽ an toàn hơn."