Tống Từ khám nghiệm tử thi tân lang qua đời do bị hạ độc trong đêm tân hôn. (Ảnh: Sohu)
Để tìm hiểu kỹ hơn về cách thức phá án của thời cổ đại như thế nào, chúng ta hãy cùng theo dõi qua những vụ kỳ án bí ẩn đã được giải mã bởi vị pháp quan Tống Từ - "Cha đẻ ngành pháp y Trung Quốc" trong series "Những vụ kỳ án bí ẩn được giải mã bởi cha đẻ ngành pháp y Trung Quốc", đăng tải lúc 21 giờ thứ Bảy hàng tuần.
KỲ 1: CÁI CHẾT BÍ ẨN TRONG ĐÊM TÂN HÔN
Đây chính là tình tiết có thật trong một vụ án hạ độc bí ẩn mà Tống Từ, một vị pháp quan nổi tiếng nhà Tống đã gặp phải.
Nếu như ngày nay với sự giúp đỡ của các trang thiết bị hiện đại, chỉ với 1 chút máu và dịch dạ dày, giám định viên có thể nhanh chóng tìm ra loại thuốc độc và đảm bảo việc bắt đúng người đúng tội. Trái lại, ở thời cổ đại, dù công nghệ còn rất lạc hậu nhưng Tống Từ đại nhân vẫn có thể dễ dàng tìm ra hung thủ nhờ phương pháp giám định đặc biệt của mình.
Tình tiết vụ án
Vụ án xảy ra vào năm 1232 sau Công Nguyên, khi Tống Từ vừa tới nhậm chức huyện lệnh tại Trường Đinh, Phúc Kiến. Một tân lang đột ngột qua đời ngay trong đêm tân hôn và người vợ mới cưới của anh ta bị nghi ngờ hạ độc vì không muốn kết hôn. Mặc cho tân nương một mực kêu oan, người ta vẫn bắt và nhốt cô vào ngục rồi đưa tân lang đi chôn cất.
Chân dung của "Cha đẻ ngành pháp y Trung Quốc" – Tống Từ (1186-1249). (Ảnh: Lishibaijia)
Sau khi biết tin, Tống Từ quyết định mở quan tài để khám nghiệm tử thi, lật lại vụ án. Xác chết trong quan tài đã bắt đầu phân hủy, toàn bộ cơ thể đều sưng tấy và chuyển thành màu nâu, không có vết đâm hay vết thương nào. Căn cứ theo hiện trạng tử thi, Tống Từ nhận định sơ bộ rằng thời gian tử vong không đủ lâu để xác chết xuất hiện những hiện tượng kể trên, nhiều khả năng là người này bị hạ độc.
Dùng nước vôi trong, bột gạo nếp, trứng
Như chúng ta vẫn biết, ở thời cổ đại, người ta có một phương pháp thử độc rất nổi tiếng là dùng kim châm bạc. Quả thực, sau khi châm vào tử thi, kim chuyển thành đen, tức là có độc. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm của mình, Tống Từ cho rằng kim chuyển đen còn là do sự phân hủy của tử thi gây ra nữa.
Vì vậy, ông quyết định nhúng phần đầu kim châm bạc vào nước vôi trong, lần này chiếc kim vẫn xuất hiện màu đen, có nghĩa là chính xác người này bị đầu độc.
Thế nhưng để xác định được vị trí hạ độc cũng như loại chất độc mà hung thủ đã sử dụng thì 2 cách trên là chưa đủ.
Lúc này, Tống Từ đã sử dụng phương pháp của riêng mình, là trộn bột gạo nếp với một quả trứng, bọc vào một miếng vải và nhét vào miệng của nạn nhân. Để thúc đẩy khí trong xác chết bốc lên, các pháp quan phải bịt kín các bộ phận khác như miệng, mũi, tai, đáy chậu và hậu môn.
Một thời gian trôi qua, Tống Từ quan sát nắm bột gạo được lấy ra từ miệng người chết, ông thấy nắm bột đã chuyển thành màu đen và kèm theo một mùi tanh bất thường. Điều này một lần nữa chứng tỏ người chết bị hạ độc và chất độc đã ngấm toàn bộ các mạch máu.
Nhưng chất độc là gì thì Tống Từ vẫn chưa xác định được.
Người xưa thường dùng kim châm bạc để xác định độc tố. (Ảnh: Sohu)
Tống Từ quyết định khám nghiệm một lần nữa toàn bộ thi thể nạn nhân. Ông nhận thấy vết sưng tấy ở hai bên tay và chân của người chết có sự khác biệt rất lớn, rõ ràng là bên trái nhỏ hơn hẳn bên phải. Trên chân trái của người chết có 2 đốm nhỏ màu nâu, ngay lập tức, ông đã nhận ra đó là vết rắn cắn. Dựa vào sự sưng tấy không đồng đều, vết cắn, mùi tanh của thi thể, Tống Từ càng chắc chắn rằng nạn nhân bị giết vì nọc độc của rắn.
Lúc này, lại một vấn đề khác nảy sinh, bởi rắn vốn là loài động vật có thị lực kém, ít hoạt động về đêm, nếu người chết bị rắn cắn thì chỉ có thể xảy ra ở gần hang rắn, không thể bị cắn trong tiệc cưới.
Vậy hung thủ thực sự là ai? Có phải là tân nương hay không?
Từ lời khai của tân nương, tân lang không có kẻ thù nào, như vậy không thể tìm thấy kẻ khả nghi. Nhưng Tống Từ chợt nảy ra một ý, ông lập tức hỏi cô rằng xung quanh nhà có ai nuôi hoặc bán rắn không? Cô dâu mới chợt nhớ ra rằng lão hàng xóm Cung Tam nhà bên cạnh có nuôi rắn.
Hóa ra, Cung Tam vì muốn chiếm đoạt tân nương nên vào lúc tổ chức tiệc đã mang theo một con rắn độc, nhân lúc mời rượu đã ép con rắn cắn vào chân của tân lang.
Bởi có men rượu trong người nên tân lang không để ý chuyện gì xảy ra với mình mà chết vì nọc độc rắn phát tác. Tống Từ với tài năng khám nghiệm tử thi độc đáo của mình đã giải oan cho tân nương và bắt được hung thủ thực sự phải chịu tội.
TỐNG TỪ LÀ AI?
Tống Từ là nhà pháp y trứ danh thời nhà Tống. Ông được biết đến như là cha đẻ của nghề pháp y tại Trung Quốc. Tống Từ còn được mệnh danh một vị pháp quan chuyên "rửa oan" cho những người bị oan khuất.
Trong nhiều năm làm pháp quan, ông nhận thấy tri thức pháp y và kinh nghiệm lý hình của các bậc quan lại còn rất yếu kém, tạo nên vô số án oan. Tống Từ không an lòng bèn đem tất cả kinh nghiệm tích lũy trong suốt một đời phán án để viết nên cuốn sách chuyên về pháp y học đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là "Tẩy Oan Tập Lục".
Nội dung của cuốn sách này là những ghi chép về khám nghiệm thi thể, giải phẫu cơ thể người, kiểm tra hiện trạng, giám định một số nguyên nhân gây tử vong, cách nhận biết các loại độc, cách cấp cứu, phương pháp giải độc… có giá trị khoa học rất cao.
Cuốn sách "Tẩy Oan Tập Lục" ra đời năm 1247, sớm hơn quyển sách cùng loại do Fortunato Fidelis (Phật Đồ Nạp Đức Phi Đắc Lợi) và Paolo Zacchia, (người Italia) viết ra trên 450 năm.
Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19, sách này được liên tục dùng hơn 600 năm, luôn là một cuốn sách mà quan viên hình pháp thời xưa của Trung Quốc phải có. Đầu thế kỷ 15, cuốn sách này được phiên dịch sang tiếng Triều Tiên, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, lưu truyền trên quốc tế.
Tham khảo: Zhihu