Vụ gửi con chữa bệnh nhận về tro cốt: Đừng trách cha mẹ bé! Họ chỉ là nạn nhân của hy vọng

Thiên Yết |

Xin đừng chỉ khóc cho cái chết của trẻ đặc biệt, mà hãy khóc cho sự cô đơn của cha mẹ các em khi không có được sự bảo vệ hiệu quả trong cuộc chiến chống lại sự lạm dụng...

Câu chuyện em bé 3 tuổi (nghi bị chậm phát triển hoặc tự kỷ) ở Huế được bố mẹ gửi vào Lâm Đồng "chữa bệnh", sau 1 tháng chỉ còn là tro cốt đang cực kỳ gây xôn xao dư luận. Một luồng ý kiến phổ biến là "chỉ trích", "tấn công" cha mẹ em bé. 

Những bình luận cho rằng bố mẹ em bé không có trách nhiệm khi đã không tìm hiểu kỹ về cơ sở "chữa bệnh", giao số tiền lớn và con trai mình cho người khác mà không thăm nom... tràn ngập trên mạng xã hội. Người ta bức xúc cha mẹ bé đã tự tay "trao con cho sói", muốn đi đường nhanh nhất nhưng hóa ra đường cụt, khẳng định rằng mình sẽ tuyệt đối không bỏ con một mình như thế...

Từ góc nhìn của một chuyên gia hỗ trợ can thiệp cho trẻ đặc biệt và tâm lý phụ huynh, ông Lê Khanh, Phòng Tư vấn Tâm lý Gia đình & Trẻ em TPHCM, đã có những kiến giải về vụ việc theo một cách khác. 

Đừng trách cha mẹ đứa trẻ, họ cũng là nạn nhân


Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (ảnh)

Xin đừng chỉ khóc cho cái chết của trẻ đặc biệt, mà hãy khóc cho sự cô đơn của cha mẹ các em khi không có được sự bảo vệ hiệu quả trong cuộc chiến chống lại sự lạm dụng...

Ông Khanh cho rằng, việc nhiều phụ huynh chỉ trích, trách móc cha mẹ em bé đã quá tin người, không đủ tỉnh táo, thậm chí nặng lời hơn là "giàu có mà ngu dốt", thực ra là cách nhìn nhận của những người có lý trí. Còn trong trường hợp này, "họ chỉ là nạn nhân của chính sự hy vọng của mình mà thôi! Họ hy vọng là chậm phát triển (hoặc tự kỷ) là một căn bệnh - mà đã là bệnh thì có thể chữa được. Tay “lang băm” này đánh đúng vào cái hy vọng đó, và vì phụ huynh ở Huế, còn cơ sở này ở Bảo Lộc nên họ mới phải cắn răng để giao con.

Rất nhiều phụ huynh có con chậm phát triển hay tự kỷ luôn mong muốn, đây là một chứng bệnh, vì nếu là bệnh thì có thể chữa khỏi, dù khoa học đã chứng minh đây là một tình trạng rối loạn về phát triển không thể điều trị bằng y khoa. Vì chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng và cũng chưa có được một phương pháp can thiệp hiệu quả nên từ hàng chục năm nay, đó vẫn là khoảng trống cho những tay lang băm bịp bợm có chỗ làm ăn".

Vụ gửi con chữa bệnh nhận về tro cốt: Đừng trách cha mẹ bé! Họ chỉ là nạn nhân của hy vọng - Ảnh 2.

Cơ sở "chữa bệnh" xảy ra vụ việc rúng động xã hội.

Qua việc tiếp xúc, hỗ trợ can thiệp cho trẻ đặc biệt, ông Lê Khanh cho rằng, điểm chung của phần lớn phụ huynh có con tự kỷ hoặc chậm phát triển trí tuệ là hy vọng quá lớn về việc con họ có thể khỏi bệnh. Thậm chí, có nhiều người còn từ chối không muốn nhìn nhận tình trạng của con mình. Họ mong đợi đây giống như một căn bệnh mà con họ bị mắc phải, rồi sẽ có cách chữa, hoặc họ vẫn nghĩ rằng trẻ chỉ “chậm nói” ít giao tiếp – có thể cho đi học một thời gian là sẽ ổn. 

Phụ huynh không dám chấp nhận một sự thật rằng đây là một tình trạng rối loạn bẩm sinh, mọi hoạt động can thiệp, trị liệu chỉ làm cho tình trạng này giảm bớt, khả năng của trẻ tăng lên đến một định mức nào đó thôi nhưng phải được chẩn đoán, can thiệp đúng trong một thời gian dài mà hiệu quả lại không hoàn toàn. 

Ông phân tích: "Ngay cả với những trẻ có phát hiện sớm, can thiệp sớm mà tình trạng rối loạn khá nặng thì cũng chỉ có thể cải thiện phần nào, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của giáo viên và sự cộng tác tích cực của gia đình. Chính yêu cầu cần có sự cộng tác tích cực của gia đình làm cho bố mẹ “oải chè đậu” nhất, và đây cũng là yếu tố mà các lang băm và cả những cơ sở can thiệp thiếu lương tâm khoét sâu vào. 

Họ thường nói là bố mẹ cứ yên tâm giao con cho họ, chỉ 3 tháng sau là con tiến bộ không ngờ luôn. Bố mẹ hoan hỉ đóng tiền, sau 3 – 6 tháng con không tiến bộ được bao nhiêu thì cũng đành chịu, hoặc lại mang con về, im lặng tìm chỗ khác mà không hiểu rằng, nếu không có sự tác động tích cực của bố mẹ trong những lúc con ở nhà, buổi chiều tối hay thứ bảy, chủ nhật thì có đưa con đi đến đâu cũng thế thôi. 

Trừ phi bé chỉ bị chậm nói đơn thuần, và các giáo viên hết sức tích cực, thì chắc chắn bé sẽ có những tiến bộ. Nhưng dù gì đi chăng nữa, cho dù bé có thể nói được một số câu đơn giản rồi thì cũng không thể vội vàng cho con đi học hòa nhập ở các trường bình thường ngay được.".

Phụ huynh của trẻ đặc biệt cũng cần được bảo vệ

Thấu cảm với nỗi đau của cặp cha mẹ vừa mất con, chuyên gia Lê Khanh cũng cho rằng, việc loạn thông tin, kiến thức về trẻ chậm phát triển, tăng động kém chú ý hay tự kỷ cũng khiến các phụ huynh bối rối. Do đây là các hội chứng chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, đồng thời cũng có quá nhiều các kỹ thuật can thiệp, giáo dục khác nhau, thậm chí có khi còn mâu thuẫn nhau, phụ huynh cũng bị rơi vào "ma trận". 

Chuyên gia này có hay, có những phụ huynh lên mạng đọc, thấy con có vài dấu hiệu là suy đoán ngay về tình trạng của con để “dán nhãn” luôn, hoặc vào các hội nhóm, nêu một số vấn đề của con để hỏi xem có phải con mình bị tự kỷ, là chậm phát triển hay không. 

Mà ở các hội nhóm này chủ yếu chỉ có các phụ huynh khác. Họ cũng chỉ dựa trên tình trạng của chính con mình, trên kinh nghiệm của bản thân để chia sẻ, và thường chỉ nêu lên những kết quả thành công, ít khi nào muốn chia sẻ những kinh nghiệm thất bại của mình, thành thử không có can thiệp hiệu quả.

Vụ gửi con chữa bệnh nhận về tro cốt: Đừng trách cha mẹ bé! Họ chỉ là nạn nhân của hy vọng - Ảnh 3.

Tang lễ bé 3 tuổi mất sau 1 tháng được gửi đi "chữa bệnh".

Ông Lê Khanh cảnh báo, các hoạt động giáo dục can thiệp cho trẻ đặc biệt tràn lan những lang băm, những phương pháp can thiệp thiếu cơ sở khoa học nhưng lại thuyết phục bởi vì các phụ huynh và chính các em chưa có được sự bảo vệ chặt chẽ. 

"Cách đây vài năm đã rộ lên việc một cơ sở can thiệp ở Hà Nội không có những biện pháp hiệu quả và sai sót trong quá trình chăm sóc, dẫn đến sự suy kiệt cho vài em và cả cái chết của một trẻ trong quá trình nuôi dưỡng. Sau rất nhiều tranh cãi thì chỉ đưa đến việc đóng cửa trung tâm, chứ không có những biện pháp cụ thể và nghiêm khắc hơn đủ sức răn đe.

Để bảo vệ phụ huynh và các trẻ đặc biệt, hầu như chỉ có các điều luật chung về trẻ em, về vi phạm thân thể gây hậu quả nghiêm trọng mà chưa có luật bảo vệ về tình trạng lạm dụng sự tin tưởng, gây ra những tổn thất đáng kể về thời gian và tiền bạc, công sức của phụ huynh. Chưa một ai bị đưa ra trước pháp luật về hành vi thu phí quá mức, can thiệp không hiệu quả cho các trẻ này.

Phụ huynh sau một thời gian mất tiền của mình, mất thời gian của con, cũng chỉ biết im lặng mang con về, cũng không dám phản ánh về hậu quả của những hành vi, những phương pháp thiếu cơ sở khoa học này. Đó là chưa nói đến những hoạt động mang tính lợi dụng mà phụ huynh đành ngậm bồ hòn làm ngọt.". 

Ông xót xa: "Nếu như đứa trẻ này không chết, tay "lang băm" cũng không có hành vi đốt xác để phi tang, lấy lý do là trẻ nhiễm Covid-19 mà vẫn cứ giữ nuôi trẻ với thù lao 200 triệu một tháng một cách ung dung, sau 3 tháng, 6 tháng không kết quả, trả về cho gia đình… thì việc này cũng sẽ trôi qua và sẽ còn tiếp tục bao nhiêu trẻ nữa, bao nhiêu trăm triệu nữa sẽ được bỏ ra một cách vô ích?

Đứa trẻ mất đột ngột, tuy quá đau xót nhưng hy vọng cái chết của em sẽ là hồi chuông cảnh báo “lần thứ n” cho những phụ huynh vẫn cứ nuôi hy vọng là sẽ có phương pháp chữa trị dứt điểm cho con!".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại