Một vấn đề đang được mẹ bị hại chờ làm rõ trong vụ án này là, có hay không đồng phạm giúp sức Thân bởi hiện trường cho thấy còn có chiếc đòn gánh dính máu của nạn nhân. Trong khi đó, theo án sơ thẩm thì bị cáo chỉ cầm dao để đâm người chứ không sử dụng đòn gánh.
Tòa sơ thẩm để “lọt” tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ”?
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hưng Yên, trưa 12/2/2019, sau khi ăn, uống rượu tại nhà anh trai, anh Trần Viết Đương (SN 1970, trú tại thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa) đã có lời lẽ chửi đổng bố vợ là ông Trần Đình Nghị.
Khoảng 13h cùng ngày, nhận được thông tin qua điện thoại của ông Trần Đình Văn (em họ ông Nghị), anh Trần Đình Thiện (con trai ông Nghị) lấy xe máy chở em trai là Trần Đình Thân (SN 1980, cùng trú tại thôn Đào Đặng) đi về nơi anh Đương đang chửi nhau với bố mẹ mình.
Trong lúc mọi người chửi nhau, Thân đã vào nhà ông Văn gần đó lấy được 1 con dao mèo (dài 28cm, lưỡi nhọn) và cầm theo người.
Khi thấy anh Đương cầm chiếc đòn gánh đi ngoài đường, anh Thiện bức xúc nên đã xuống xe, đấm một phát vào mặt anh Đương. Anh Đương liền dùng đòn gánh vụt vào trán phải anh Thiện. Sau khi giằng co, anh Đương bị rơi đòn gánh nên đi ra ngoài đường, còn anh Thiện đi ngược vào phía trong ngõ.
Lúc này, Thân cầm dao đi ra và chạy đuổi theo anh Đương ra đường. Tới nơi, Thân dùng tay trái túm gáy anh Đương, ghì ấn xuống và dùng tay phải cầm dao đâm 1 nhát trúng ngực phải của anh Đương (theo hướng từ dưới lên). Do bị vết thương thấu ngực, rách phổi phải, rách động mạch phổi nên anh Đương đã tử vong tại chỗ.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Thân đã đến cơ quan công an đầu thú và giao nộp con dao gây án.
Cho rằng bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ như: Thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, đã tác động gia đình khắc phục cho gia đình bị hại 50 triệu đồng, vợ bị hại (cũng là chị gái của Thân - PV) có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo… nên tại bản án sơ thẩm ngày 19/11/2019, TAND tỉnh Hưng Yên đã tuyên phạt Thân 11 năm tù về tội “Giết người”.
Tuy nhiên, sau phiên tòa, bà Trần Thị Hồng (mẹ đẻ bị hại) đã có đơn kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung, làm rõ dấu hiệu đồng phạm của một số người. Đồng thời, bà Hồng cũng cho rằng việc tòa cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết “hành vi có tính chất côn đồ” là không đúng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo Thân.
Chiếc đòn gánh dính máu ở đâu ra?
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cũng có ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét hành vi của ông Trần Đình Nghị (bố đẻ bị cáo Thân); anh Trần Đình Văn (em họ ông Nghị) và anh Trần Đình Thiện (anh trai bị cáo Thân) do có dấu hiệu đồng phạm (cụ thể là hành vi hô hào, kích động, giúp sức...).
Đồng thời cần tiến hành đối chất giữa Thân và anh Văn để làm rõ con dao mà bị cáo dùng để gây án là từ đâu ra; cần thực nghiệm điều tra lại với sự có mặt của anh Động vì anh này có mặt tại hiện trường và chứng kiến vụ việc.
Nhưng những đề nghị này của Luật sư đã không được HĐXX chấp nhận và cho rằng ông Nghị, anh Thiện, anh Văn không hô hào, xúi giục hoặc giúp sức… cho bị cáo.
Là nhân chứng của vụ án, ông Trần Viết Động (anh trai bị hại) thì vẫn tiếp tục khẳng định đã chứng kiến việc ông Nghị và ông Văn nhiều lần hô hào “chúng mày đánh chết mẹ nó đi” và “chúng mày đâm chết mẹ nó đi”. Sau khi anh Đương chạy ra đường đã bị Thiện ôm lại để em trai dùng dao đâm.
Cũng theo ông Động, trước khi xảy ra sự việc, người nhà Thân đã có điện thoại trao đổi, bàn bạc và tổ chức đến hiện trường để đánh người chứ vụ việc không phải chỉ là “tình cờ”.
Dấu hiệu đánh người có tổ chức còn thể hiện ở việc anh Đương đã bị “nhử” ra ngoài đường qua lời “kích” của ông Nghị rằng “mày có giỏi ra ngoài đường kia”. Và khi anh Đương đi ra ngoài đường thì đã bị anh Thiện xông vào đánh và bị Thân dùng dao đâm.
Theo kết luận giám định, ngoài vết thương do bị Thân đâm thì trên cơ thể anh Đương còn có vết thương rách da ở mỏm vai phải, vết xây xước da ở khuỷu tay phải và vết xây xước ở môi trên bên trái (đều do vật tày gây ra). Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã không làm rõ ai là người đã gây nên 3 vết thương trên.
Một nội dung nữa cũng không được Cơ quan điều tra làm rõ là việc tại sao lại xuất hiện vết máu trên mặt đòn gánh? Theo khám nghiệm hiện trường thì chiếc đòn gánh này nằm cách tử thi khoảng hơn 10m. Liệu đòn gánh này có phải là một hung khí liên quan đến cái chết của bị hại?
Rõ ràng, khi anh Đương đã bị đâm nằm gục tại chỗ thì không thể gây ra vết máu trên đòn gánh nằm cách đó cả chục mét được. Vậy, ai là người đã sử dụng đòn gánh này? Phải chăng, người này đã tham gia đánh anh Đương, giúp sức cho Thân đâm người?
Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Tự Quyết (Cty Luật TNHH Châu Á) thì tại hiện trường còn có vết chân dính máu, vết giày dính máu nhưng Cơ quan điều tra cũng không làm rõ dấu vết này của ai để lại.
Hồ sơ cũng thể hiện mâu thuẫn trong việc xác định con dao gây án vì Thân khai lấy ở đầu giường nhà ông Văn, nhưng vợ chồng ông Văn khẳng định không để dao ở vị trí này và cũng không có con dao như tang vật vụ án.
Để làm rõ quá trình gây án, Luật sư Quyết cũng cho rằng việc thực nghiệm điều tra tuy đã được tiến hành nhưng không giống với thực tế, không có nhân chứng tham gia thực nghiệm. Vì vậy, cần thực nghiệm điều tra lại với đầy đủ các tình tiết như xô đẩy, giằng co...
Liên quan đến tình tiết này, một số chuyên gia cũng cho rằng, với tư thế đứng đối diện nhau thì Thân rất khó có thể dùng tay trái túm gáy anh Đương để ghì ấn xuống được.
Hơn nữa, nếu có việc Thân túm gáy và ghì ấn đầu đối thủ xuống được thì hướng đâm lúc này phải là từ trên xuống chứ không thể chếch từ dưới ngực anh Đương lên phía trên.
Những mâu thuẫn này rất cần làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm tới đây để xem xét có hay không đồng phạm giúp sức bị cáo trong vụ án này.