Vụ dùng xe ô tô truy sát nạn nhân tại Bình Thuận: Có được coi là "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?"

Bình Minh |

Do bị hành hung, đập phá tài sản, Phạm Văn Nam đã lái xe ô tô đuổi theo đâm chết nạn nhân. Câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp này lái xe có được coi là “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?".

Công an tỉnh Bình Thuận đang tạm giữ Phạm Văn Nam (SN 1979, quê Ninh Bình) để điều tra về hành vi điều khiển ô tô đâm chết người trước quán nhậu khu vực bờ kè đường Phạm Văn Đồng (TP Phan Thiết).

Tối 11/5, Nam đi cùng nhóm bạn đến một quán nhậu ở phường Phú Thủy (TP Phan Thiết). Đến khoảng 0 giờ 15 phút ngày 12/5, cả nhóm ra khu vực bờ kè Phạm Văn Đồng để ăn khuya.

Khi đến đường Phạm Văn Đồng thì ô tô của Nam suýt xảy ra va chạm giao thông với xe máy. Thấy không xảy ra tai nạn nên Nam lái xe đến một quán khác thì bị nhóm người này đuổi theo dùng ly, xô đánh, ném vào xe ô tô. Tài xế ô tô lao lên lề, xoay vòng để truy đuổi những người đang ném ly về phía mình. Sau khi xoay nhiều vòng, ô tô đâm trúng ông Hà Xuân Hải (SN 1979, ngụ TP Phan Thiết) làm người này gục tại chỗ. Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong.

Sau khi tông chết người, Nam đã điều khiển ô tô Mercedes rời khỏi khỏi hiện trường, vào TP HCM. Sau nhiều giờ vận động, chiều 12/5, Nam đã đến Công an TP Phan Thiết đầu thú. Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết đã bàn giao Nam cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra theo thẩm quyền.

Vụ dùng xe ô tô truy sát nạn nhân tại Bình Thuận: Có được coi là Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh? - Ảnh 1.

Nam tại Cơ quan Công an (ảnh TL)

Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), trường hợp tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ, vô ý gây ra hậu quả chết người thì người điều khiển phương tiện trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 (BLHS 2015). Còn nếu sử dụng phương tiện giao thông làm phương tiện để thực hiện hành vi với mục đích nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì đây là hành vi giết người, hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 123 (BLHS 2015).

Bởi vậy, trường hợp kết quả điều tra cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô này có mục đích đâm xe vào nạn nhân mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả nạn nhân có thể tử vong thì đây xác định là lỗi cố ý với mục đích nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân, hành vi này thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội "Giết người".

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi, làm rõ nguyên nhân sự việc, đồng thời xác định nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện này để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu kết quả điều tra cho thấy hành vi là cố ý đâm xe ô tô vào nạn nhân khiến hậu quả nạn nhân tử vong thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với người lái xe này với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "có tính chất côn đồ".

Ngoài ra, việc làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan cũng để xác định người lái xe ô tô này có phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không. Nếu giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì sẽ xử lý theo Điều 125 (BLHS) với mức hình phạt tới 03 năm tù.

"Thực tiễn cho thấy, trong các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác với lỗi cố ý thì trạng thái tâm lý của các bên thường đều bị "kích động", nóng giận, không bình tĩnh. Còn hành vi có được xác định là "kích động mạnh" để giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý hay không thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố", luật sư Cường nhận định.

Vụ dùng xe ô tô truy sát nạn nhân tại Bình Thuận: Có được coi là Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh? - Ảnh 2.

Ts.Ls Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi của lái xe có thể bị xử lý về tội "Giết người"

Cũng theo Tiến sĩ Cường, trạng thái "tinh thần bị kích động mạnh" là khái niệm trong Bộ luật Hình sự đã được hướng dẫn lần đầu tiên tại Điểm b (Mục 1, Chương 2, Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986) của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Theo đó: "Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.

Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh".

Như vậy, để xác định tình huống thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có được xác định là trạng thái tinh thần bị "kích động mạnh" hay không thì cần xem xét các yếu tố sau: Thứ nhất, Phải có hành vi trái pháp luật của người bị hại; Thứ hai, Hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là hành vi đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích hoặc hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội;

Thứ ba, Hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần; Thứ tư, Trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động. Trong tình huống đó thì một người bình thường sẽ bị kích động mạnh về tinh thần dẫn đến thực hiện hành vi thiếu kiểm soát.

Trong clip trên chưa thấy rõ nguyên nhân sự việc, chưa biết hết hành vi của các bên. Tuy nhiên, nếu chỉ là hành vi ném ghế, đồ vật vào xe ô tô, thậm chí đập phá xe ô tô không phải là căn cứ xác định khiến tinh thần của chủ xe bị "kích động mạnh". Hành vi phá phách, cố ý làm hư hỏng tài sản (xe ô tô) của những người khác có thể làm tinh thần của chủ xe bị kích động nhưng không thể được coi là kích động mạnh.

Người lái xe ô tô trong tình huống này có rất nhiều cách ứng xử hợp pháp khác để bảo vệ quyền lợi của mình và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý người xâm phạm sức khoẻ, tài sản của mình. Người này hoàn toàn có thể rời đi, trình báo sự việc với cơ quan chức năng để xử lý người xâm phạm tới sức khoẻ, tài sản của mình nhưng người này đã không làm thế. Vì bực tức, vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà tước đoạt tính mạng người khác là hành vi có tính chất côn đồ.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hành vi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng trước đó hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy sự việc do mâu thuẫn của nhiều người, gây mất an ninh trật tự thì những người thực hiện hành vi gây mất an ninh trật tự, đánh nhau cũng sẽ bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Người đánh nhau nơi công cộng gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 (BLHS 2015).

Ts.Ls Cường phân tích: "Cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên, xác định hậu quả của sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu người này có động cơ mục đích giết người, nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện đâm vào người đàn ông dẫn đến nạn nhân tử vong thì người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp người điều khiển phương tiện này thực hiện hành vi khi đang say rượu hoặc đang bị ảo giác bởi sử dụng trái phép chất ma túy thì người này vẫn phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hành vi của mình. Người say rượu mà thực hiện hành vi giết người hoặc ngáo đá mà thực hiện hành vi giết người thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo quy định của pháp luật".

Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

1. Người nào có hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại