Vụ đụng độ không tiếng súng ở biên giới Trung-Ấn: Hành vi của TQ "khác thường và đáng lo ngại"?

Hồng Anh |

Mặc dù binh sĩ hai nước Ấn Độ - Trung Quốc chỉ dùng gạch đá và gậy gộc trong vụ ẩu đả, nhưng đã có 20 binh sĩ Ấn Độ được xác nhận thiệt mạng trong vụ việc này.

Vụ đụng độ "khác thường"

Hãng BBC (Anh) dẫn lời nhà phân tích Vipin Narang bình luận về vụ đụng độ căng thẳng giữa binh sĩ hai nước Trung-Ấn tại khu vực biên giới hôm 15/6 vừa qua là điều "rất, rất tồi tệ".

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ phía quân đội Ấn Độ, vụ đụng độ ở Ladakh được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vòng gần nửa thế kỷ qua giữa hai quốc gia láng giềng này đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Phía Ấn Độ cũng cho biết cả hai phía đều có thương vong, tuy nhiên Trung Quốc vẫn chưa công bố hay xác nhận thông tin này.

Tiến sĩ Narang, giáo sư nghiên cứu về vấn đề an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định rằng "quy mô, phạm vi và sự leo thang căng thẳng tại hai phía biên giới [Trung-Ấn] gần đây là điều chưa từng có tiền lệ".

Hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này từng có lịch sử đụng độ và tranh chấp biên giới tại khu vực kéo dài hơn 3.440km, được biết đến với tên gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Các cuộc tuần tra biên giới của binh sĩ hai nước nhiều lần dẫn đến những vụ ẩu đả, nhưng trong suốt 4 thập kỷ qua, hai nước chưa từng nổ súng vào đối phương.

Đó là lý do khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên về cuộc đụng độ mới nhất giữa binh sĩ hai nước sau nhiều tháng căng thẳng.

Vụ đụng độ không tiếng súng ở biên giới Trung-Ấn: Hành vi của TQ khác thường và đáng lo ngại? - Ảnh 2.

An Indian soldier at the border in Ladakh. Ảnh: Getty

"Đây là một vụ đụng độ khác thường", ông Shashank Joshi, biên tập viên mục Quốc phòng của tạp chí The Economist, bình luận. "Trong suốt 45 năm qua, không bên nào nổ súng, và đột nhiên có ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng trong một buổi tối vì một vụ đụng độ vũ lực chỉ dùng gạch đá và gậy gộc".

Vụ đụng độ này xảy ra sau một số vụ ẩu đả xảy ra ở Ladakh trong những tuần gần đây, nhưng cả hai bên không hề nổ súng.

Truyền thông đưa tin hồi đầu tháng 5 vừa qua cho hay các binh sĩ Trung Quốc đã dựng lều, đào hào và triển khai vũ khí hạng nặng tại khu vực biên giới - cụ thể là thung lũng Galwan ở Ladakh. Ông Ajai Shukla, một nhà phân tích quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ, cho biết Trung Quốc đã chiếm 60 km2 lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát tại khu vực này trong vòng một tháng qua.

Được biết, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90.000 km2 về phía Đông Bắc của lãnh thổ Ấn Độ, trong khi đó phía Delhi nói rằng đối phương đang chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của họ.

Các vụ đụng độ trên xảy ra sau khi Ấn Độ xây dựng một con đường dài hàng trăm km kết nối với một căn cứ không quân đã được đưa vào hoạt động trở lại vào năm 2008, theo BBC.

Hành vi của Trung Quốc "đáng lo ngại"

Những chi tiết về vụ ẩu đả chết người hôm thứ 2 vừa qua giữa binh sĩ hai nước Trung-Ấn vẫn còn chưa rõ ràng. Trong khi đó, Delhi và Bắc Kinh đang cáo buộc đối phương vi phạm các điều khoản đồng thuận về việc tôn trọng LAC tại Thung lũng Galwan.

Ấn Độ cho biết hai bên đang sử dụng các kênh quân sự và ngoại giao nhằm tìm cách xoa dịu tình hình, và các chỉ huy cấp cao của hai bên đã có "cuộc họp hữu ích" hôm 6/6. Hai bên đã đồng ý về "quá trình giảm leo thang", và sau đó, các chỉ huy quân đội đã tham dự một loạt các cuộc họp về việc thực hiện các điều khoản đồng thuận, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Tuy nhiên, sau vụ việc hôm 15/6, Delhi đã cáo buộc Bắc Kinh "có ý định đơn phương thay đổi hiện trạng" tại khu vực biên giới, khiến cả hai bên đều phải chịu tổn thất. Trong khi đó, Trung Quốc lại cáo buộc quân đội Ấn Độ "vi phạm" các điều khoản đồng thuận khi các binh sĩ Ấn Độ đã vượt biên giới 2 lần và "thực hiện các cuộc tấn công khiêu khích binh sĩ Trung Quốc".

Ông Ankit Panda, một biên tập viên cấp cao của tạp chí The Diplomat, nhận định rằng tình hình căng thẳng leo thang giữa hai nước Trung-Ấn trong thời gian gần đây là "một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua" - kể từ sau vụ tranh chấp ở Doklam năm 2017 và có thể lâu hơn thế nữa.

Vụ đụng độ không tiếng súng ở biên giới Trung-Ấn: Hành vi của TQ khác thường và đáng lo ngại? - Ảnh 5.

Bản đồ thể hiện các vụ đụng độ giữa binh sĩ hai nước. Nguồn: BBC

Tuy nhiên, theo ông Shivshankar Menon, một chuyên gia về Trung Quốc và cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, cho rằng hành vi của Trung Quốc lần này "rất khác biệt so với những gì chúng ta đã từng chứng kiến trong quá khứ".

"Những điều chúng ta từng chứng kiến là hàng loạt vụ việc, hàng loạt động thái leo thang và Trung Quốc chiếm những vùng lãnh thổ mà họ chưa từng chiếm giữ trước đây dọc theo LAC. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại vì nó không giống với hành vi của Trung Quốc trước đây", ông Menon phân tích.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra những giả thiết khác nhau về hành động của Trung Quốc tại khu vực biên giới với Ấn Độ.

Về mặt chiến thuật, việc Delhi tăng cường cơ sở hạ tầng biên giới có thể đã khiến quân đội Trung Quốc quyết định hành động ở Ladakh. Đại dịch COVID-19 có thể đã được sử dụng làm vỏ bọc để Trung Quốc hành động, đặc biệt là khi quân đội Ấn Độ phải trì hoãn các cuộc tập trận ở Ladakh vào tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, ông Joshi và Tiến sĩ Narang đều cho rằng đây không phải là nguyên nhân duy nhất.

Ông Menon - cựu Đại sứ của Ấn Độ tại Trung Quốc, tin rằng chủ nghĩa dân tộc có phần liên quan đến vụ việc do những "căng thẳng trong nước và kinh tế" tại nước này, thể hiện qua một loạt động thái gần đây của Bắc Kinh đối với Đài Loan, Hồng Kông hay cuộc chiến thuế quan với Australia.

Hôm 16/6, phía quân đội Ấn Độ xác nhận các binh sĩ nước này đã rời khỏi địa điểm xảy ra đụng độ. Các báo cáo ban đầu cho biết các kênh quân sự đang được sử dụng và cả hai bên đều không tiếp tục có động thái khiến căng thẳng leo thang. "Đây là tin tốt đối với Ấn Độ, vì nước này hiện có ít lựa chọn trả đũa khả dĩ", ông Panda nhận định.

Trong khi đó, ông Joshi tin rằng sau vụ đụng độ này sẽ là một cuộc "xung đột ngoại giao quy mô lớn và kéo dài", mở ra "thời kỳ mới của sự ngờ vực và đối kháng cao độ" giữa hai nước, theo BBC.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại