Vụ dôi dư hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk: Chưa rõ nguồn kinh phí chi trả

Cao Nguyên |

Huyện Krông Pắk sẽ chấm dứt hợp đồng lao động hơn 500 giáo viên trong thời gian tới và các ngành đang họp bàn về nguồn kinh phí chi trả, hỗ trợ giáo viên.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 10-5, một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk cho biết các ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp tìm giải pháp nhưng vẫn chưa có giải pháp nào vừa đúng quy định của pháp luật vừa đáp ứng yêu cầu của hơn 500 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk.

Chấm dứt hợp đồng vì không còn cách nào khác?

Cũng theo vị lãnh đạo này, từ tháng 3-2018 đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ngành tổ chức họp, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo từ bộ, ngành trung ương để giải quyết số giáo viên dôi dư.

Theo vị này, phương án tổ chức cho các giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk thi tuyển vào các địa phương khác trong tỉnh còn thiếu nghe qua thì thấy hợp lý nhưng khi đi sâu vào thực tế thì không được.

Vấn đề là theo quy định, UBND các huyện mới có trách nhiệm tổ chức thi tuyển giáo viên, mang quy mô của từng huyện chứ Sở Nội vụ hay Sở Giáo dục và Đào tạo không thể đứng ra tổ chức.

Bên cạnh đó, nếu các huyện tổ chức thi tuyển thì số giáo viên này, thậm chí ngoài tỉnh vẫn được quyền tham dự mà không cần phải có đề án, tổ chức.

Chưa kể, nếu tổ chức cho các giáo viên này thi tuyển tại các huyện khác, khi họ đậu thì liệu có đồng ý tới huyện khác để dạy?

Trước đó, ngày 22-4, UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức thi tuyển giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Trong số hơn 440 hồ sơ dự thi có 370 giáo viên đang diện hợp đồng tại huyện Krông Pắk.

Mặc dù có 83 chỉ tiêu, tuy nhiên đến nay, kết quả chỉ có 58 người trúng tuyển và UBND huyện Krông Pắk đang rà soát xem có bao nhiêu giáo viên trong số 370 giáo viên dôi dư trúng tuyển.

Ngoài số này, tại huyện Krông Pắk vẫn còn 208 giáo viên hợp đồng dôi dư nhưng không có vị trí việc làm nên không được thi tuyển trong đợt vừa qua. Đây là số giáo viên mà tháng 3-2018 UBND huyện Krông Pắk thông báo chấm dứt hợp đồng sau đó UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo tạm dừng để tìm giải pháp phù hợp.

"Các bộ, ngành trung ương cũng đã có văn bản hướng dẫn chỉ đạo. Quan điểm của Sở Nội vụ và thống nhất chung là phải chấm dứt hợp đồng lao động toàn bộ số giáo viên dôi dư vì không còn cách nào khác.

Vấn đề là làm sao vừa đúng quy định pháp luật vừa giảm thiểu khó khăn cho các giáo viên sau khi nghỉ việc" - vị này nói.

Cán bộ ký sai phải có trách nhiệm

Đối với kinh phí hỗ trợ, chi trả cho các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, vị lãnh đạo Sở Nội vụ nói: "Dù đã họp nhiều lần nhưng chưa biết lấy kinh phí từ đâu.

Dùng ngân sách để chi trả thì pháp luật không cho phép nên các ngành sẽ tiếp tục họp bàn".

Bà Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phòng Quản lý Ngân sách Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: "Ngoài các chế độ thôi việc theo quy định, các giáo viên này đã có nhiều năm công tác nên Sở Tài chính, UBND huyện Krông Pắk cũng đang nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ.

Vì việc hỗ trợ này không theo một quy định nào nên cần có thời gian xem xét".

Theo ông Bùi Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh giao các ngành xây dựng phương án tổng thể, trong đó có kinh phí hỗ trợ giáo viên.

Sở Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn vấn đề này cho UBND huyện Krông Pắk. "Hỗ trợ hay không, bao nhiêu thì phải đợi phương án tổng thể.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, ngoài chế độ chính sách nếu sử dụng ngân sách thì phải được HĐND tỉnh thông qua" - ông Yên nói.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, phân tích: Theo quy định, không có loại hợp đồng lao động mà thời hạn "đến ngày thi tuyển" hoặc "hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế" như tại huyện Krông Pắk mà phải có thời gian cụ thể.

Các hợp đồng này sai quy định nhằm "lập lờ đánh lận con đen".

Đây là trách nhiệm của người ký và khi các giáo viên chứng minh được thiệt hại thì có quyền yêu cầu người ký bồi thường. Chưa kể người ký hợp đồng phải chi trả kinh phí trợ cấp hỗ trợ đào tạo lại nghề, chuyển đổi nghề cho các giáo viên

. "Nếu các giáo viên chứng minh được thiệt hại thì UBND huyện Krông Pắk phải có trách nhiệm bồi thường.

Sau đó, tùy theo mức độ yêu cầu người làm sai phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ hoặc một phần tiền bồi thường theo Luật Trách nhiệm Bồi thường của nhà nước" - luật sư Tòng nói.

Cũng theo luật sư Tòng, ngoài ra, theo quy định người lao động nghỉ việc vì bất kỳ lý do gì thì cơ quan sử dụng lao động phải hỗ trợ nửa tháng lương cơ bản/năm công tác và các giáo viên này đóng bảo hiểm thì cơ quan BHXH cấp tỉnh phải hỗ trợ 1 tháng lương cơ bản/năm công tác.

Quảng Bình: Hơn 100 giáo viên bị hạ lương hưu

Theo phản ánh của một số giáo viên mầm non đã nghỉ hưu từ năm 2015, họ nhận được thông báo điều chỉnh lại mức lương hưu và bị truy thu số tiền hưu từ 10 đến 20 triệu đồng, mức lương hưu chỉ còn trên 1,3 triệu - 2 triệu đồng.

BHXH tỉnh Quảng Bình cho biết có tổng số 107 cựu giáo viên mầm non trên địa bàn toàn tỉnh này nghỉ hưu từ năm 2015 đến nay bị điều chỉnh lương hưu do tính lại thời gian hợp đồng ngoài biên chế.

Nguyên nhân điều chỉnh là do trước đây, cán bộ BHXH có sai sót là không ghi rõ hoặc ghi không chính xác mức lương hệ số 1.0; không ghi rõ mức lương theo tiền lương tối thiểu từng thời kỳ; không ghi rõ là giáo viên mầm non ngoài biên chế hay trong biên chế…

Do đó, các cựu giáo viên được tính lương hưu cao hơn quy định.

Ông Lê Ngọc Toàn, Trưởng Phòng Chế độ BHXH tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Mới đây, khi rà soát lại, BHXH Quảng Bình phát hiện việc này nên điều chỉnh bằng cách hạ mức lương và thu hồi bằng cách trừ vào tiền lương hằng tháng (trừ 200.000 đồng/tháng), việc điều chỉnh bắt đầu từ tháng 4".

Theo ông Toàn, BHXH tỉnh Quảng Bình cũng đã gửi văn bản đến BHXH Việt Nam và đề nghị xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét điều chỉnh lại lương hưu, cách truy thu tiền theo hướng giúp các giáo viên nghỉ hưu đủ sống.

H.Phúc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại