Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái - 2 bị can hành hạ bé gái 8 tuổi là con riêng của Thái dẫn đến tử vong.
Ngày 19/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh xác nhận đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để đề nghị truy tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, ngụ Gia Lai) về tội “Giết người” và “Hành hạ người khác”.
Bị can Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1, cha bé gái) bị đề nghị truy tố về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”.
Trao đổi với PV Infonet về vụ án này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Dư luận cho rằng việc truy tố đối với bị can Nguyễn Kim Trung Thái 2 tội này là quá nhẹ. Tôi đồng tình với dư luận này, bởi chúng ta không thể chấp nhận được người bố như vậy.
Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị truy tố 2 tội danh đối với bị can Nguyễn Kim Trung Thái dựa trên quy định của pháp luật. Với 2 tội này, hình phạt dành cho Thái có thể là từ 5-10 năm tù.
Nếu người có đạo đức và tâm hướng thiện thì hình phạt tù như vậy là quá nhẹ,nhưng bản án "lương tâm" dày vò suốt đời mới thực sự khủng khiếp với người bố như Thái".
Theo luật sư Diệp Năng Bình, các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình bị xử lý có mức phạt rất thấp.Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, mức án tội "Hành hạ người khác" cao nhất cũng chỉ 3 năm tù.
Còn đối với tội "Che giấu tội phạm", Điều 389 Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định: Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Như vậy, với 2 tội danh nêu trên, mức án cao nhất kịch khung mà Thái phải nhận là 10 năm tù giam.
Nói về tình trạng bạo lực gia đình và việc xử lý, quy định xử phạt, luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ: “Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình (hay còn gọi là Luật phòng, chống bạo hành) đã được ban hành từ lâu. Theo Luật này, các vấn đề phòng ngừa bạo lực gia đình; bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được nêu đầy đủ.
Tuy nhiên, không vì thế mà tình trạng bạo hành trong gia đình giảm đi. Nhiều vụ việc có mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Thậm chí, vấn nạn bạo lực gia đình những năm gần đây có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội”.