Vụ “đạo” luận văn tại ĐH Sư phạm Hà Nội: Chuyên gia hiến kế ngăn chặn “thạc sĩ giấy“

P.V |

Lên tiếng về vụ "đạo" luận văn ở Trường ĐHSP HN đang gây xôn xao dư luận, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng và Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong đều đưa ra những ý kiến xác đáng dựa trên quan điểm của người làm giáo dục.

PGS.TS Đào Đức Doãn là Bí thư Đảng ủy, Trưởng khoa Lý luận chính trị và giáo dục công dân trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, trong vai trò là người hướng dẫn, ông Doãn đã để học trò "bê" gần như nguyên si trí tuệ của người khác về làm của mình.

Vụ việc lùm xùm xảy ra từ năm 2015 nhưng gần đây mới có kết luận chính thức. Sự việc đáng tiếc xảy ra trong ngôi trường danh giá, lại là môi trường giáo dục hàng đầu của cả nước khiến dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo sau đại học ở ta hiện nay.

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT- nêu quan điểm, xét từ thực tế, việc lấy bằng thạc sĩ với một số người như một điều kiện phục vụ mục đích bổ nhiệm chức vụ thay vì nghiên cứu, tìm tòi nhằm nâng cao chuyên môn.

Chính vì vậy, đến nay, hành vi “đạo văn” đáng lên án đã không còn là điều quá bất ngờ với dư luận xã hội.

Vụ “đạo” luận văn tại ĐH Sư phạm Hà Nội: Chuyên gia hiến kế ngăn chặn “thạc sĩ giấy“ - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.

Theo bà Phụng, để có một tiến sĩ, thạc sĩ giỏi, ngoài các yếu tố đầu vào, đầu ra thì rất cần đề cập đến vai trò của người hướng dẫn.

"Một người hướng dẫn có trình độ thôi chưa đủ mà phải còn phù hợp với vấn đề mà người làm tiến sĩ, thạc sĩ lựa chọn để nghiên cứu" - bà Phụng nói.

Cũng theo lời nữ vụ trưởng, tới đây, trong quy chế mới của Bộ GDĐT sẽ có quy định người hướng dẫn phải là người chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trở lên, là tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh.

"Người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường/viện phải có trách nhiệm và cùng chịu trách nhiệm về nội dung luận án khi có khiếu kiện về vi phạm bản quyền tác giả (đạo văn).

Điều này khiến nhiều người tin tưởng hơn về yếu tố "đầu ra" của các luận văn tại các trường ĐH" - bà Phụng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến sự việc hi hữu này, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định: “Để xảy ra những vụ việc như ở Trường ĐH Sư phạm HN chắc chắn cần xem lại khâu thẩm định.

Trong thời gian qua, việc thẩm định còn chưa đồng đều, chưa đảm bảo chất lượng của hội đồng thẩm định. Rất nhiều hội đồng chấm luận án, luận văn không đủ thành viên đúng chuyên môn, dẫn tới việc chấm luận án không đạt chuẩn”.

Vụ “đạo” luận văn tại ĐH Sư phạm Hà Nội: Chuyên gia hiến kế ngăn chặn “thạc sĩ giấy“ - Ảnh 2.

GS.TSKH Phạm Tất Dong.


Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, rõ ràng, với công cụ trong tay, để phát hiện “đạo văn”, cán bộ, giảng viên hướng dẫn làm luận văn, luận án đã có phương tiện để ngăn chặn tình trạng sao chép tràn lan.

Tuy nhiên, ý thức cao về uy tín, thương hiệu bản thân cùng trách nhiệm với người nghiên cứu, với đối tượng được hưởng thụ kết quả nghiên cứu là điều mà các cán bộ hướng dẫn cần đặt lên hàng đầu chứ không chờ phải đến khi có chế tài xử lý kỷ luật từ cơ quan quản lý.

Theo các chuyên gia giáo dục, để hạn chế tình trạng “đạo văn”, nhà trường nên đưa nội dung cấm sao chép vào chương trình chính khóa học phần phương pháp luận, tăng cường các học phần mang tính sáng tạo cho người học, đổi mới phương pháp đánh giá quá trình học tập của sinh viên, xây dựng phần mềm chống “đạo văn” và xử lý nghiêm các hành vi “đạo văn”.

Việc xử lý hành vi “đạo văn” không nhằm mục đích kỷ luật mà là giáo dục, nâng cao ý thức, đưa trách nhiệm, vai trò của người hướng dẫn lên cao hơn để họ có trách nhiệm trong việc hướng dẫn học viên của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại