Trụ sở Công ty Xăng dầu Phát tại huyện An Dương, TP Hải Phòng
Bán lại hóa đơn khống, thu lợi tiền tỷ
Như Tiền Phong đã đưa tin, TAND TP Hải Phòng vừa xét xử 11 bị cáo trong vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn” do bị cáo Ngô Văn Phát (tức Phát “dầu”) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại Xăng dầu Phát (Cty Xăng dầu Phát) cầm đầu.
Từ năm 2014 đến khi bị bắt, Ngô Văn Phát và đồng phạm đã thành lập 22 công ty “ma” để bán trái phép 25.125 hóa đơn GTGT, với tổng doanh số hàng hóa dịch vụ bán khống hơn 17.611 tỷ đồng. Qua đó, đại gia Phát “dầu” thu lợi bất chính hơn 161 tỷ đồng.
Trong số các bị cáo, có 3 người là lãnh đạo, quản lý của các doanh nghiệp tư nhân gồm: Trần Thị Phúc (SN 1975, trú tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Thị Hoàng Anh (SN 1982) và Phạm Việt Tiệp (SN 1987), cùng trú tại Hải Phòng.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, bị cáo Tiệp là quản lý cửa hàng xăng dầu Hồng Quang (thuộc HTX Việt Phương) và cửa hàng xăng dầu Lạch Tray (thuộc HTX Việt Đức). Còn bị cáo Hoàng Anh quản lý cửa hàng xăng dầu Cầu Bính (thuộc HTX Việt Đức).
Thông qua các mối quan hệ xã hội, Tiệp và Hoàng Anh mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường với giá rẻ hơn thực tế, sau đó, giao dịch với Nguyễn Thị Loan - Kế toán Cty Xăng dầu Phát để mua hóa đơn GTGT khống giá từ 2-3% nhằm hợp thức hóa.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2016 đến khi bị phát hiện bắt giữ, Tiệp và Hoàng Anh đã mua tổng cộng 40 hóa đơn khống của Loan, qua đó hưởng lợi bất chính gần 150 triệu đồng.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2015, thông qua đại gia Phát “dầu”, bị cáo Trần Thị Phúc - Giám đốc điều hành Công ty TNHH sản xuất thương mại Thép Bảo An (Cty Thép Bảo An) và Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Khanh Hưng (Cty Khanh Hưng) đã liên hệ với bị cáo Loan và thỏa thuận mua hóa đơn GTGT khống với giá 1-1,5% tiền hàng trên hóa đơn.
Trong nhiều năm, Phúc đã mua 79 hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa nguyên liệu đầu vào cho Cty Thép Bảo An và Cty Khanh Hưng. Ngoài ra, Phúc còn mua 81 hóa đơn khác của Loan cho Công ty Hồng Quang, Công ty Việt Bắc và Công ty Cường Thịnh đều do các cháu của bị cáo này làm giám đốc.
Ngoài ra, bị cáo Phúc còn khai đã thỏa thuận và mua hóa đơn khống của Loan rồi bán lại cho một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang… với giá 1,2-1,7% tiền hàng. Qua đó, Phúc hưởng chênh lệch giá bán hóa đơn khống và thu lợi bất chính khoảng 1 tỷ đồng.
TAND TP Hải Phòng tuyên phạt bị cáo Tiệp, Hoàng Anh và bị cáo Phúc 70 triệu đồng về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”; đồng thời, tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước số tiền mà 3 bị cáo trên đã thu lợi bất chính.
Người trung gian bán hóa đơn khống là ai?
Đáng chú ý, quá trình điều tra vụ án, Công an TP Hải Phòng xác định, có tổng 102 doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn GTGT của 22 công ty “ma” do đại gia Phát “dầu” và đồng phạm thành lập.
Ngoài 4 doanh nghiệp mua hóa đơn để hợp thức hàng hoá trôi nổi trên, có 66 doanh nghiệp khác đang hoạt động sản xuất kinh doanh khẳng định với cơ quan điều tra họ mua hóa đơn GTGT, kèm theo hàng hóa. Đại diện những doanh nghiệp này khai sau khi thỏa thuận mua bán hóa đơn với người trung gian, họ yêu cầu người bán xuất hóa đơn GTGT, kèm theo hàng hóa. Do đó, họ không biết số hóa đơn này liên quan đường dây “mua bán trái phép hóa đơn” do đại gia Phát “dầu” cầm đầu. Quá trình điều tra, Công an TP Hải Phòng không xác định được những người trung gian này làm gì, ở đâu.
Cơ quan điều tra cũng xác định, có 32 doanh nghiệp còn lại có sử dụng hóa đơn khống liên quan 22 công ty “ma” của đại gia Phát “dầu” đến nay chưa tới cơ quan điều tra để làm việc. Đối với các doanh nghiệp này, Công an TP Hải Phòng đang phối hợp với Cục Thuế Hải Phòng tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý sau.