Vụ đơn vị chức năng vào nhà đưa người phụ nữ đi test Covid-19: Chung cư lấy mẫu xét nghiệm ngày 1-3-5-7

Bảo Yên |

Đại diện chung cư E Home 4 cho biết, hiện tại, việc lấy mẫu xét nghiệm cư dân do ban quản lý chung cư kết hợp với y tế phường thực hiện.

Vừa qua, mạng xã hội đã lan truyền đoạn video ghi lại cảnh thợ phá khóa, lực lượng chức năng vào cưỡng chế một người phụ nữ ra sân chung cư lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Được biết, sự việc xảy ra tại Chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Người phụ nữ tên H.P.L. (37 tuổi) là giáo viên dạy Yoga. Tại thời điểm xảy ra sự việc, con trai chị cũng có mặt và đã khóc thét lên vì sợ hãi. Lực lượng chức năng đã cưỡng chế chị ra ngoài căn hộ tới điểm lấy mẫu. Nhiều người trong đoàn kiểm tra đã dùng điện thoại quay lại sự việc này.

Trao đổi với PV, đại diện chung cư E Home 4 cho biết, hiện tại, việc lấy mẫu xét nghiệm cư dân do ban quản lý chung cư kết hợp với y tế phường thực hiện. Hình thức lấy mẫu xét nghiệm là 1-3-5-7, tức 1 ngày, 3 ngày, 5 ngày, và 7 ngày lấy mẫu một lần, tùy thuộc theo khu vực có nguy cơ cao hay thấp, nhiều ca nghi nhiễm hay không.

Trước khi lấy mẫu xét nghiệm, ban quản lý tòa nhà sẽ thông báo với cư dân. Đồng thời, bộ phận này cũng sẽ phối hợp với lực lượng y tế chia khung giờ, theo cụm như thế nào để đảm bảo giãn cách. 

Đối với người lấy mẫu, chung cư vẫn ưu tiên cho phụ nữ mang thai, người già, hoặc các trường hợp đã đi làm trở lại, buộc phải đi sớm. Mỗi cư dân phải xếp hàng giãn cách từ 2-5 mét. Ban quản trị sẽ phụ trách kiểm tra chứng từ, lấy thông tin mẫu test nhanh hoặc mẫu PCR.

Đối với những cư dân không xuống lấy mẫu, trưởng tầng hoặc bảo vệ sẽ trực tiếp đến căn hộ để thông báo hoặc gọi bằng loa tầng. Bên cạnh đó, phường sẽ quản lí việc việc vận động người dân đi xét nghiệm.

Sáng 29/9, trao đổi với PV ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc điều hành Công ty luật Basico) cho rằng, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể chọn cách hành xử đảm bảo phòng, chống dịch nhưng tôn trọng chỗ ở người dân.

Trong trường hợp người dân bất hợp tác, cơ quan chức năng có thể đề xuất chị không ra bên ngoài, đảm bảo chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Luật sư Hải nói, việc phá khóa là hành vi vượt quá giới hạn cơ quan chức năng có thể làm.

"Theo quan điểm của tôi, việc tháo khóa và cưỡng chế cho thấy dấu hiệu lạm quyền trong việc thực thi công vụ. Thậm chí là bệnh nhân F0 vẫn có thể cách ly tại nhà. Việc làm này không phù hợp với thực tiễn của công tác chống dịch hiện nay. Đây là một điều đáng lo ngại...", luật sư Trần Minh Hải phân tích.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại