"Buông súng" quy hàng
CLB TP.HCM đón tiếp SLNA trong trận lượt về vòng tứ kết cúp QG trên sân Thống Nhất vào chiều qua (20/6). Nhiều người đã mong đội bóng của Công Vinh sẽ chơi một trận đấu tử tế dù biết cơ hội lật ngược thế cờ của CLB là quá nhỏ nhoi khi đã thua 1-3 ở trận lượt đi trên sân Vinh.
Tiếc thay, chỉ mới nhìn vào danh sách thi đấu, người ta đã biết CLB TP.HCM sớm "buông súng" trước. Nguyên do, HLV Alain Piard đã cất toàn bộ cầu thủ đá chính, kể cả ngoại binh trên sân.
Quá dễ dàng, SLNA ghi một lèo 3 bàn thắng chỉ trong hiệp 1. Đó là những bàn thắng mà hàng phòng ngự của đội chủ nhà đã mở toang cánh cửa như "mời gọi" các cầu thủ SLNA ghi bàn.
Thấy tình hình chẳng ổn, quyền Chủ tịch CLB Lê Công Vinh đã phải xuống đường piste rồi cuốc bộ sang bên kia khán đài B để phân trần với các CĐV TP.HCM.
Cuộc giãi bày của Công Vinh kéo dài phải đến 10 phút đồng hồ và ông quyền Chủ tịch đã nói những điều nghe "rất lọt tai". Vì thế, cơn tam bành của các CĐV mới dịu xuống. Thậm chí, một số còn hô tên Lê Công Vinh như thể, họ ở lại là vì anh chứ không phải cầu thủ trên sân.
Công Vinh giãi bày với NHM (ảnh: Vietnamnet).
Bước vào hiệp 2 của trận đấu, các cầu thủ đã chơi tử tế hơi đôi chút và CLB TP.HCM chỉ để thủng lưới thêm 1 bàn nữa.
Thua SLNA với tổng tỷ số 1-7, đội bóng Thành phố đã – có- được – điều –mình muốn đó là xin rời cúp QG. Nhưng cái cách mà họ nói lời chia tay có vẻ như đã làm mất điểm với rất nhiều người đã và đang dõi theo.
Phía sau cái cúi đầu
Một người đứng đầu đội bóng, có quyền uy lại cúi đầu để mong được CĐV thông cảm quả là chuyện xưa nay hiếm của bóng đá Việt Nam.
Cần phải thẳng thắn, hành động tìm đến với khán giả để giải thích, để giải bày có vẻ như là sự cầu thị của Công Vinh. Chuyện này không phải ông chủ, hay người điều hành đội bóng nào cũng làm được.
Nhưng như đã nói, từ hành động đó, người ta lại thấy được mặt sau của một đội bóng. Người ta có cảm giác như CLB TP.HCM là đội bóng một người và mọi câu chuyện đều gắn với cái tên Lê Công Vinh.
Hơn ai cả, chính Công Vinh là người hiểu được giá trị của các CĐV, lực lượng mà trong thời gian qua anh đã làm bằng mọi cách để kéo họ đến sân.
Còn cầu thủ, dĩ nhiên không thể trách họ khi đã có chủ trương của lãnh đạo, BHL là giữ sức cho mặt trận chính V-League. Tuy nhiên, thái độ hời hợt trên sân là điều khó được chấp nhận.
Công Vinh và CLB TP.HCM cần làm nhiều hơn phía sau lời xin lỗi.
Xin nhắc lại, TP.HCM hiện đang có hai đội bóng: CLB TP.HCM và Sài Gòn FC. Đội bóng của Lê Công Vinh được coi là "chính tông" hơn khi ít nhiều có ngọn nguồn từ nơi đây.
Còn Sài Gòn FC được "nhập khẩu" từ Hà Nội. Có lẽ vì thế, các CĐV có phần ưu ái CLB TP.HCM hơn, mặc cho người hàng xóm của họ cũng nỗ lực không ngừng để có thể chơi cống hiến và chơi đẹp.
Tiếc rằng, khán giả Sài Gòn dường như dần không mấy quan tâm đến sự tồn tại của hai đội bóng này. Nghịch lý thay, người Sài Gòn vẫn còn mê bóng đá lắm lắm.
Minh chứng, cứ mỗi lần ĐT Việt Nam, U22 hay U20 từng thi đấu trên sân Thống Nhất thì y như rằng, các khán đài luôn không có chỗ trống.
Thậm chí, để có một chỗ ngồi trên sân, không ít người bỏ ra cả triệu đồng để mua vé chợ đen vào sân xem bóng đá. Họ rất vui vẻ dù chiều ấy, đội tuyển chơi không như ý hay gặp cơn mưa nặng hạt, đấy là chưa kể đến cái chuyện nhỏ nhoi, gửi xe bị "chặt chém"…
Bóng đá thiếu khán giả như mâm cao cỗ đầy mà thiếu đi gia vị nêm nếm cho ngon ngọt. Và chỉ có khán giả mới có thể giúp cho thương hiệu đội bóng đi lên.
Dĩ nhiên, trong bối cảnh bóng đá vẫn chưa nuôi được bóng đá mà chủ yếu sống bằng "bầu sữa" doanh nghiệp thì khán giả chính là cầu nối, nếu không nói là điều kiện tiên quyết để các ông chủ rút hầu bao.
Cho nên, nếu một ngày còn chơi thì hãy đối xử với khán giả thật tử tế thay vì chỉ nói mà thôi.
"Rất mong các khán giả thông cảm với đội bóng, khoảng cách giữa hai đội hình chính - phụ rất chênh nhau nên dễ hiểu lại chơi như vậy. Đội mới lên hạng lại yếu nên cần tập trung cho V-League bởi tới đây lịch thi đấu rất dày.
Em hứa mùa tới, đội sẽ có những cầu thủ tốt nhất, chơi tốt nhất, nếu không Công Vinh sẽ không ở đây nữa…", Công Vinh nói với các CĐV sau hàng rào sắt.