Chiều 7/10, ông Hoàng Anh Tiến - Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, sáng cùng ngày, đoàn của Sở GTVT Nghệ An đã cùng các phòng ban liên quan, UBND huyện Hưng Nguyên đến hiện trường vụ sập đường để tiếp tục kiểm tra.
Tại đây, đoàn làm việc đã tiến hành kiểm tra thực trạng hiện trường vụ sập đồng thời nghe báo cáo từ đơn vị thi công đường và chủ đầu tư công trình.
Đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công cho biết, sau khi sự việc xảy ra đã dùng rào chắn cảnh báo đồng thời mời các đơn vị tư vấn độc lập, có năng lực về khoan kiểm tra địa chất để xác minh làm rõ nguyên nhân.
Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã khoan được 4/5 mũi gồm các mũi ở vai đường phải tuyến (phía núi) sâu 4,2m; mũi ở vai đường trái tuyến sâu 8,4m; mũi ở taluy phía trái tuyến sâu 8,8m và 2 mũi còn lại được khoan ở 2 đầu của hiện trường vụ sập.
Cả đoạn đường dài hơn 100m bị đổ sập gần hết xuống kênh.
"Trong ngày hôm nay, sẽ khoan xong 5 mũi và tiến hành gửi mẫu đi thí nghiệm. Dự kiến thứ 2 tuần tới sẽ có kết quả gửi về Sở GTVT và sau đó sẽ cùng ngồi lại để xem xét cũng như đánh giá từ đó sẽ tìm ra nguyên nhân vụ việc và hướng khắc phục", ông Tiến chia sẻ.
Trước đó vào ngày 3/10, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn giao cho Sở GTVT Nghệ An chủ trì tiến hành kiểm tra đề xuất của UBND huyện Hưng Nguyên về việc làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài cho đoạn đường vừa bị sập nói trên.
Sau khi kiểm tra và tìm được nguyên nhân, UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT báo cáo về tỉnh để kiểm tra và chỉ đạo.
Nhiều vết nứt sâu cả mét chạy dọc đường.
Theo Trưởng Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Hưng Nguyên, tuyến đường mới làm vừa bị sập nói trên có chiều dài 5.126m với tổng mức đầu tư 68 tỷ đồng do UBND huyện làm chủ đầu tư.
Được biết, tuyến đường mới này chỉ làm phần mặt đường và được nâng cấp từ cốt nền đường cũ từ lâu chứ không xử lý nền đường cũ.
Ông Ngô Phú Hàn - Chủ tịch huyện Hưng Nguyên cho biết, hiện phía huyện đang chờ cơ quan chức năng về kiểm tra và khoa địa chất rồi kết luận. Hiện, chưa rõ nguyên nhân đường sạt lở do nhà thầu thi công hay chấn động địa chất. Nếu kết luận không phải do địa chất thì nhà thầu sẽ phải sửa.
Đoạn đường bị sập có 1 bên là vách núi đá, bên còn lại là dòng kênh.
Sau sự cố sạt lở đường xảy ra, ông Trần Tử Đồng Khánh - Phó Giám đốc Công ty CP xây dựng Tân Nam - nhà thầu thi công tuyến đường trên cho biết, rất mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục tuyến đường ổn định lâu dài.
Thông tin về dự án, ông Khánh cho biết tuyến đường nói trên được nâng cấp từ nền đường cũ rộng 3,5 - 5m thành đường cấp VI (đồng bằng) với bề rộng mặt đường là 3,5 m; nền 6,5 m, gia cố lề mỗi bên 1 m.
Theo hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, đoạn tuyến bị sụt lún được thiết kế giữ nguyên nền đường, chỉ tăng cường kết cấu mặt đường với độ dày trung bình khoảng 30 cm.
Cả đoạn đường đổ sập xuống kênh sâu hơn 2m.
Ông Khánh khẳng định nhà thầu thi công theo đúng hồ sơ đã được phê duyệt và đã được chủ đầu tư và tư vấn giám sát giám sát chặt chẽ. Đồng thời, quá trình thi công không đào phá vỡ kết cấu nền đường cũ và không thấy xuất hiện hiện tượng lún nứt trong quá trình làm mặt đường.
Theo ông Khánh, nguyên nhân có thể là do địa chất gây ra tình trạng sụt lún này. Vì địa hình phía bên trái tuyến là dòng kênh Đào chạy song song, phía phải là núi đá phong hóa.
Video đường 68 tỷ mới làm đổ sập xuống kênh.