Những ngày qua, một số đoạn clip về việc giáo viên bị nhóm học sinh tấn công tại lớp học và clip thể hiện giáo viên đuổi học sinh trong lớp để ném dép... đã lan truyền trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư cho rằng, việc đưa hình ảnh này lên mạng, ngoài tác động xấu, có thể tạo thành trào lưu, thì đó còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, trước khi đưa thông tin, hình ảnh, video lên mạng thì cần phải xem xét thật kĩ để tránh những hậu quả khó lường có thể xảy ra.
Hình ảnh giáo viên bị học sinh ném dép vào đầu, quay clip (Ảnh cắt từ clip)
Trong vụ việc này, luật sư Luật sư Phạm Quang Xá, Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN cho rằng, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 32 BLDS 2015 thì: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý".
Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Khoản 3 điều luật này cũng quy định: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, trên thực tế nếu tùy tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người đưa hình ảnh của người khác lên mạng có thể bị xử lý theo các hình thức tương ứng.
“Người chia sẻ lên MXH clip học sinh ném dép cô giáo có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nếu cô giáo trong clip có đơn tố cáo người phát tán hình ảnh, video sử dụng hình ảnh trái phép, xâm phạm bí mật đời tư nếu nội dung của các video clip này liên quan đến bí mật đời tư và không phù hợp với thuần phong mĩ tục khi đưa ra dư luận”- luật sư Xá phân tích.
Cũng theo luật sư Xá, tại Điều 38 BLDS 2015, quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau: "Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Tuy nhiên đến nay, pháp luật chưa có văn bản quy định cụ thể hành vi nào là bí mật đời tư, từ đó xác định khi nào được đưa hình ảnh của người khác lên MXH. Vì vậy, việc xử lý chủ yếu vẫn do từng cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét, cân nhắc.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính, có hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo luật sư Xá, cần đánh giá sự việc một cách khách quan, toàn diện, có thông tin đầy đủ chính xác từ phía cơ quan chức năng mới có thể kết luận chính xác và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong môi trường giáo dục.