Xyanua là một chất cực độc
Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ việc ông Đặng Phạm Viên - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự TP Thanh Hoá - tử vong do uống phải rượu có độc. Chất độc đã được xác định là xyanua, cơ quan chức năng nghi ngờ đây có thể là một vụ đầu độc.
Những ngày cuối cùng năm 2019, dư luận cũng từng "thất kinh" vụ em họ đầu độc chị vì yêu anh rể ở Thái Bình bằng trà sữa. Chất độc mà nghi phạm sử dụng đầu độc chị họ mình chính là hợp chất xyanua, nghi phạm khai mua qua mạng rồi pha vào trà sữa và gửi tới BV Phổi Thái Bình - nơi chị họ làm việc, và đồng nghiệp của người chị vô tình ăn phải trà sữa có độc nên tử vong ngay sau đó.
PGS.TS. Trần Hồng Côn – giảng viên khoa Hóa học, Trường Đại học Tự nhiên, Hà Nội cho biết, xyanua là một hoá chất cực độc có thể gây tử vong rất nhanh. PGS Côn cho biết người xưa đã từng nói "nhất nhân ngôn, nhì thạch tín". "Nhân ngôn" ấy chính là xyanua.
Chỉ cần 1 lượng rất nhỏ cũng có thể có khả năng gây tử vong chỉ trong thời gian cực ngắn.
PGS Côn cho biết, dù rất độc nhưng hợp chất này đã được ứng dụng phổ biến trong các ngành công nghiệp nặng như kim hoàn, khai khoáng kim loại nặng, khai thác vàng bạc. Xyanua không được xếp vào hoá chất cấm lưu hành nhưng đi kèm nó là những quy định về bảo quản vô cùng khắt khe để không ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người trong các ngành nghề nêu trên.
Xyanua là chất cực độc có thể gây tử vong nhanh chóng
PGS Côn cho biết, theo ước tính chỉ cần khối lượng xyanua từ 50 mg tới 100 mg cũng có thể khiến một người khoẻ mạnh tử vong nhanh chóng.
Các biểu hiện ngộ độc xyanua rất nhanh, đôi khi chính nạn nhân cũng không biết được mình bị ngộ độc.
Biểu hiện ban đầu thường là người ngộ độc cảm thấy mệt mỏi, khó thở, một số trường hợp sẽ cảm thấy mất tỉnh táo sau đó xuất hiện tình trạng co giật, tụt huyết áp, mất cảm giác, oxy trong máu giảm dần dẫn đến tử vong.
Làm gì khi có người bị ngộ độc?
Người bị nhiễm độc nên được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và điều trị kịp thời. Nếu kéo dài thời gian, bệnh nhân có thể tử vong sớm trước khi phát hiện ra chất độc. Đa phần não bộ và tim sẽ bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến mất mạng.
Ngộ độc xyanua vẫn có thể xảy ra ở các cơ sở kim hoàn. PGS Côn cho biết, vì thế đa số các cơ sở kim hoàn đều có dự phòng bình oxy cho người ngộ độc thở. Ngoài ra, khi sơ cứu có thể cho sử dụng thêm đường glucozo để kéo dài thời gian phát tác chất độc và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
PGS Phạm Duệ - nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cũng cho biết, ngộ độc xyanua có thể là kalixyanua hoặc natrixyanua. Khi ngộ độc xyanua, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào trạng thái chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi tay chân, đi không vững... nặng hơn có thể dẫn đến co giật, tụt huyết áp, tăng nhịp tim, suy hô hấp, có thể dẫn đến hôn mê.
PGS. Duệ cũng cho biết, với ngộ độc xyanua, không có cách nào tốt hơn là nhanh chóng đưa đi bệnh viện. Khi đưa đi cấp cứu nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng an toàn (nửa người dưới nằm sấp, mặt nghiêng sang 1 bên).
Người xung quanh không nên tự ý cho nạn nhân uống những loại thuốc không được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Tránh để vật nặng đè nên người nạn nhân. Tuyệt đối không dùng vật cứng chèn miệng nạn nhân để ngăn chặn quá trình co giật, nên sử dụng giẻ, khăn mềm.