2 yêu cầu cấp thiết để phòng cháy, chữa cháy
Vụ cháy nghiêm trọng ở số nhà 311 Tôn Đức Thắng (Hàng Bột, Đống Đa, TP.Hà Nội) vào rạng sáng ngày 4/4/2021 đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vụ hỏa hoạn đã khiến 4 người sinh sống trong ngôi nhà tử vong. Sơ bộ ban đầu, cơ quan chức năng xác định địa điểm cháy là ngôi nhà 3 tầng (diện tích khoảng 60m2/1 tầng), 1 tum có mái lợp tôn sắt.
Tầng 1 dùng để kinh doanh bán hàng; tầng 2, tầng 3 và tum dùng để sinh hoạt và cất trữ hàng hoá; nhà có một lối ra vào duy nhất là cửa chính.
Sự việc một lần nữa lại khiến dư luận bày tỏ sự lo ngại về việc phòng cháy, chữa cháy tại chính các gia đình người dân.
Trao đổi với Dân Việt, Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 2, Cảnh sát PCCC Hà Nội) khuyến cáo, để phòng cháy nổ, người dân lúc nào cũng phải làm luôn, làm ngay một số yêu cầu cấp thiết.
Đầu tiên, nếu không có lớp tập huấn phòng cháy chữa cháy, người dân nên tự tìm hiểu các kiến thức phòng cháy, chữa cháy ở trên internet.
Từ đó trang bị những kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, ví dụ như những biện pháp phòng cháy chữa cháy cơ bản, hay các bước phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn, cách phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình…
Điều thứ 2 cần phải làm luôn, làm ngay theo quan điểm của Đại tá Nguyễn Trường Sơn, đó là người dân cần giả định các tình huống cháy nổ trong gia đình, tức là có các phương án cháy nổ để khi xảy ra cháy thì chủ động được ở các tình huống.
Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, người dân cần làm luôn, làm ngay 2 việc, đó là trang bị kiến thức để đảm bảo phòng cháy chữa cháy và có các phương án phòng cháy chữa cháy cho chính gia đình mình.
Từ các tình huống giả định cháy nổ ở gia đình đó, người dân sẽ biết được nhà mình còn thiếu những gì để bổ sung.
"Qua tình huống giả định đó thì kiểm tra xem nhà mình đã có bình cứu hỏa chưa, có mặt nạ thoát hiểm chưa, cửa thoát nạn có đảm bảo không. Rồi các thành viên trong gia đình có biết sử dụng các dụng cụ đó chưa" – ông Sơn nói.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, mỗi gia đình người dân cần phải có một phương án chữa cháy cho chính gia đình nhà mình. Nếu người dân làm được điều này thì việc phòng cháy, chữa cháy sẽ được nâng cao rất nhiều.
Vai trò đặc biệt quan trọng của cửa chống cháy
Mặt khác, đối với nhiều gia đình dùng tầng 1 để kinh doanh, sống ở các tầng trên, vị Đại tá có kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy đưa ra lời khuyên, ngoài những biện pháp cấp thiết cần làm ngay bên trên, người dân nên làm cửa chống cháy, ngăn cách chỗ kinh doanh và nơi mọi người sống.
Việc làm này sẽ tăng khả năng thoát nạn khi không may xảy ra cháy nổ.
Đối với những gia đình ở phố có kiểu nhà ống, có một lối ra duy nhất ở trước cửa, phía bên trên thì làm "chuồng cọp", Đại tá Sơn cho rằng, người dân cần phải thay đổi một số thiết kế.
Theo Đại tá Sơn, dạng nhà ống là rất nguy hiểm nên các khu vực trong nhà phải có cửa chống cháy. Người dân cần trang bị mặt nạ thoát hiểm để sẵn sàng sử dụng khi có hỏa hoạn.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn khuyến nghị người dân nên lắp cửa chống cháy ở vị trí cửa ra vào ở tum ra khu "chuồng cọp" (khoanh đỏ), bởi cửa chống cháy sẽ ngăn được khói, lửa khi người dân thoát ra đây và có thêm thời gian tính toán phương án thoát hiểm, hoặc chờ lực lượng cứu hộ tới ứng cứu. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Đáng chú ý, vị chuyên gia phòng cháy chữa cháy cho biết, người dân cần và nên lắp cửa chống cháy ở vị trí cửa tum ra "chuồng cọp", bởi khi xảy ra hỏa hoạn người dân có thể thoát nạn ra hướng "chuồng cọp".
Chỗ này không khí thoáng, nếu có cửa chống cháy, khói và lửa sẽ bị chặn lại ở trong nhà, người dân có thêm thời gian tính toán phương án thoát hiểm hoặc có thêm thời gian chờ lực lượng cứu hộ tới ứng cứu.
Mặt khác, về "chuồng cọp", nhiều gia đình đã gia cố "chuồng cọp" rất chắc chắn để phòng trộm cắp, hoặc thang cuốn ở cửa chính, cửa xếp với nhiều lần khóa kiên cố, tuy nhiên đó cũng lại là rào cản, chặn đứng con đường thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.
Về việc này, theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, người dân nên làm thêm một cánh cửa ở chuồng cọp, bởi ngăn chặn tội phạm trộm cắp là điều đúng, tuy nhiên người dân cần nghĩ đến khi xảy ra hỏa hoạn thì thoát bằng cách nào.
Và chìa khóa của các lối thoát hiểm trong nhà cũng cần được thông báo cho tất cả mọi người trong gia đình biết.
Việc chuẩn bị thêm dây, thang dây để sử dụng khi thoát hiểm từ "chuồng cọp" là điều hết sức quan trọng mà vị Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy khuyến nghị người dân nên trang bị.
Với các thiết bị có nguy cơ cháy nổ trong nhà như bình gas, Đại tá Sơn đề nghị người dân lắp các thiết bị báo rò rỉ gas, khi sử dụng song phải đóng van lại.
Trong trường hợp phát hiện có khí gas thoát ra bên ngoài, người dân cần đóng van bình, mở cửa cho thông thoáng và tuyệt đối không được bật công tắc điện, bởi thao tác này có thể sẽ phát sinh ra tia lửa, từ đó có thể gây nổ.
Với các thiết bị điện tử khác, vị Đại tá Công an cũng khuyên người dân sử dụng các thiết bị cảnh báo chập, cháy; không để xe máy gần nơi dễ phát sinh tia lửa điện và tắt các thiết bị điện khi ra ngoài.
"Việc quan trọng nhất là phải có mặt nạ thoát hiểm, bình chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm" – Đại tá Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, nhiều gia đình rất thờ ơ trong việc phòng cháy, chữa cháy khi không sắm đủ các vật dụng thiết yếu như mặt nạ, bình chữa cháy, xa hơn là làm cửa chống cháy, chính vì thế khi có hỏa hoạn xảy ra sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thoát hiểm.
Nếu sắm đầy đủ những vật dụng trên, người dân sẽ có thêm thời gian thoát nạn, tăng cơ hội an toàn trước những vụ hỏa hoạn.
Trao đổi với Dân Việt, Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, để đảm bảo công tác phòng cháy và chữa cháy đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, Công an quận Bắc Từ Liêm đề nghị các đơn vị liên quan cần thực hiện một số biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy, nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan;
Phải lắp thiết bị bảo vệ (Cầu chì, rơ le, Aptomat …) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon. Không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy;
Không bày hàng hóa và vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ;
Không bố trí nơi đun nấu tại cửa hàng kinh doanh và không để hàng hóa, các vật dụng dễ cháy gần bếp ăn;
Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết;
Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra;
Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn;
Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị;
Và khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm.