Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự, TAND TPHCM) làm chủ tọa. Để chuẩn bị cho phiên tòa, HĐXX đã triệu tập 642 người là bị hại, 70 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, 10 luật sư bào chữa cho 2 bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đơn vị liên quan.
Hiện trường vụ cháy chung cư Carina (TPHCM) năm 2018. Ảnh: TP
Theo nội dung vụ án, khoảng 1 giờ 15 ngày 23/3/2018, lửa xuất hiện tại khu vực tầng hầm block A, chung cư Carina từ chân 1 xe máy của người dân. 3 phút sau, khói và lửa phát ra phía trước đầu xe rồi lửa bùng lên cao ngang ống thông gió ở tầng hầm. Đến 1giờ 23 phút, hệ thống chiếu sáng tầng hầm bị tắt, ngọn lửa bùng lên thiêu rụi nhiều xe máy, ô tô. Luồng khí nóng, độc luồn theo buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng nổi phía trên chung cư, khiến 13 người tử vong, 72 người bị thương. Tổng tài sản bị thiệt hại là 126 tỷ đồng.
Các bị cáo Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Quốc Tuấn biết rõ tình trạng hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chung cư Carina đã bị hư hỏng, không hoạt động, nhưng đã không kịp thời thay thế hoặc kiến nghị thay thế, sửa chữa, khắc phục, dẫn đến khi phát sinh cháy, hệ thống PCCC không có tác dụng, gây hậu quả, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng
Bỏ lọt tội phạm?
Cận ngày xét xử, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Tùng), đã nộp cho HĐXX và chủ tọa Phạm Lương Toản kiến nghị về việc bỏ lọt tội phạm. Theo đơn của luật sư Công, kết luận điều tra và cáo trạng nêu nguyên nhân gây cháy là bởi xe Attila của khách để trong hầm xe bắn tia lửa điện, gây cháy nhỏ tại chỗ rồi vài phút sau bắt cháy sang các xe bên cạnh. Sau gần 9 phút thì vùng cháy bùng lên lửa ngọn lớn và không thể dập. Khói luồn theo các cửa thoát hiểm vào cầu thang thoát hiểm cùng lúc người dân thoát ra ở đây, nên làm 12 người chết do khói và 1 người chết do nhảy lầu thoát thân. Thời gian khi tia lửa bật ra từ xe Attila đến khi bùng lên lửa ngọn là gần 9 phút nhưng không có bảo vệ nào phát hiện vì bộ phận bảo vệ thiếu 2 vị trí (24/24), trong đó có 1 vị trí ở gần vị trí xe Attila.
Trong khi đó, theo hợp đồng dịch vụ bảo vệ quy định, hầm xe có bảo vệ thường xuyên đi tuần tra tất cả các khu vực. Chỉ cần có sự tuần tra của bảo vệ và phát hiện sớm trong vài phút đầu thì vụ cháy đã được ngăn chặn. Mặt khác, Quản lý và bảo vệ chung cư đã mở cửa thoát hiểm 14 tầng lầu (trong khi quy định PCCC thì cửa này phải luôn đóng và chỉ được mở 1 chiều). Vì vậy khi cháy ở hầm xe thì khói thốc vào cầu thang thoát hiểm xông lên các tầng, gặp dân chạy nạn làm họ ngạt mà chết. Ngoài ra, theo luật sư thì cáo trạng chưa xem xét trách nhiệm của ông Trần Kim Lương (người trực tiếp quản lý, điều hành và theo dõi mọi hoạt động tại chung cư Carina); Công ty Bảo vệ Gia Khang, Công an quận 8 (TPHCM) - đơn vị phụ trách PCCC, nhất là khi hồ sơ về PCCC của chung cư Carina lưu tại Công an quận 8 cho rằng đã kiểm tra hệ thống PCCC và đạt mọi tiêu chí về PCCC. “Nếu đơn vị này (Công an quận 8) làm đầy đủ chức năng, kiểm tra đúng thực tế thì các thông tin về hệ thống PCCC của Carina sẽ được chủ đầu tư khắc phục, hoàn thiện để khi có sự cố cháy, hệ thống chữa cháy tự động sẽ hoạt động hiệu quả” - luật sư nêu trong bản kiến nghị.