Vụ cây sưa trăm tỷ: Xã chưa nhận được văn bản của Hà Nội đồng ý cho bán

Hải Ngọc |

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Đến lúc này, chúng tôi chưa nhận được văn bản chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc đồng ý cho người dân ở thôn Phụ Chính được bán cây sưa".

Trước thông tin cho rằng, vào ngày 5/10, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý cho phép người dân ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bán cây sưa đỏ này, ông Nguyễn Văn Chính cũng cho biết thêm: “UBND TP Hà Nội đang giao Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội cùng UBND huyện Chương Mỹ sẽ về làm thủ tục cụ thể.

Việc mua bán cây sưa 100 tỷ này nếu được TP Hà Nội đồng ý sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá công khai. Người dân địa phương hết sức phấn khởi bởi đã xin phép bán từ rất lâu...

Sau khi các cấp, các ngành chức năng làm việc cụ thể thì sẽ bàn đến các bước tiếp theo”.

Cây sưa đỏ nằm trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có tuổi đời trên 130 năm có giá lên tới... trăm tỷ đồng đã được người dân nơi đây "mặc áo giáp sắt" chống trộm.

Theo lời người dân thôn Phụ Chính xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) kể: Cây sưa này là loại sưa đỏ có tuổi đời trên 130 năm, nằm trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính. Trước đây, vào thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỷ đồng.

Vào năm 2010, một nhánh của cây sưa bị gãy đổ và được bán theo hình thức đấu giá cho một đại gia gỗ ở Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi xe chở số gỗ sưa trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính, sang xã Đồng Phú thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ.

Đến năm 2015, số gỗ sưa bị tạm giữ được bán đấu giá thu về số tiền hơn 31 tỷ đồng. Và vụ bán đấu giá này gây xôn xao mất một thời gian dài.

Vụ cây sưa trăm tỷ: Xã chưa nhận được văn bản của Hà Nội đồng ý cho bán - Ảnh 1.

Người dân mặc "áo giáp sắt" cho cây sưa quý để bảo vệ.

Trong khi vụ mua bán gỗ sưa kể trên chưa lắng xuống thì cây sưa đỏ này bắt đầu có hiện tượng khô một phần gốc (phía nhánh cây bị đổ bán đấu giá – PV) làm nhiều người dân địa phương lo lắng.

Nhiều người cho rằng, nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì chỉ một vài năm nữa, "khối vàng lộ thiên" của làng sẽ chỉ còn là mấy thanh củi để đun.

Từ khi biết giá trị cây sưa đỏ quý hiếm này, nhiều người lạ tìm đến thôn để cưa trộm đem bán. Để bảo vệ cây sưa quý, toàn bộ từ phần gốc đến thân của cây sưa được dân làng dùng những thanh sắt to cỡ phi 16 rào chắn xung quanh để bảo vệ.

Cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Phần gốc cây xuất hiện nhiều vết nứt, dọc phần nhánh cây bị cắt gần như đã khô và bong tróc vỏ.

Bên cạnh đó, cây sưa nhỏ hơn cũng được bảo vệ bằng những dây thép gai. Cây cao khoảng 20m, đường kính cỡ 1 người ôm, thân cây cũng xuất hiện 1 lỗ rỗng lớn. Cây sưa được người dân “mặc áo giáp sắt” chống trộm và canh cẩn thận.

Vụ cây sưa trăm tỷ: Xã chưa nhận được văn bản của Hà Nội đồng ý cho bán - Ảnh 3.

Người dân nơi này có nguyện vọng được bán cây sưa đỏ này từ lâu vì vài năm gần đây cây có hiện tượng bị khô, mục.

Trao đổi với ông Vũ Văn Tuyến – Trưởng thôn Phụ Chính về cây sưa quý của thôn, ông Tuyến cho biết: “Có thời điểm, cây sưa đỏ được trả giá đến trên 100 tỷ đồng.

Hiện nay, nguyện vọng của người dân trong thôn là được bán cây sưa để tu bổ các công trình phúc lợi. Chúng tôi cũng đã đề bạt nguyện vọng này lên xã từ lâu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại