Vụ cấp nhầm thuốc phá thai ở Tiền Giang: Dược sĩ và Bác sĩ sản khoa nói gì?

Linh Trang |

Để không xảy ra những tai nạn hy hữu này, những nhân viên y tế cẩn trọng hơn hết thực hiện theo đúng quy trình có sẵn.

"Việc nhầm lẫn thuốc như Misoprostol chỉ xảy ra sai sót nếu toa thuốc in từ hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu danh mục thuốc trên máy tính do thao tác không cẩn thận", - Bác sĩ Trần Vũ Quang – Khoa sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương nói.

Nếu BS ghi đơn thuốc bằng tay thì việc nhầm lẫn khó có thể xảy ra

Từ góc độ chuyên môn, BS sản phụ khoa Trần Vũ Quang cho biết: "Việc nhầm lẫn này được giải thích do tên hai loại thuốc gần giống nhau, phần mềm tại trung tâm không ghi rõ hàm lượng thuốc nên đã dẫn đến sự nhầm lẫn khi kê toa và cấp thuốc cũng là điều dễ hiểu.

Bởi đôi khi gõ tên thuốc các vần chữ đầu hoặc đuôi có thể gây bị nhảy tên thuốc do phần mềm, chỉ cần một chút bất cẩn là có thể chọn nhầm tên biệt dược ngay".

Trong nhiều trường hợp nếu bác sĩ ghi đơn thuốc bằng tay thì việc nhầm lẫn khó có thể xảy ra. Tại hầu hết các BV hiện nay đều sử dụng máy tính, phần mềm điện tử để thao tác khám chữa và cấp phát thuốc. Vì vậy bác sĩ, nhân viên y tế giúp việc cho bác sĩ phải cẩn thận kiểm tra lại đơn thuốc trước khi phát cho bệnh nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng, loại thuốc Misoprostol được các nhân viên y tế phát nhầm cho 3 thai phụ ở Tiền Giang ngày 9/3, là thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài tác dụng trên, đây cũng là loại thuốc được sử dụng kết hợp chung với loại thuốc khác (mifepristone) để phá thai.

Để rộng đường dư luận, BS sản khoa phân tích: "Misoprostol, một chất tương tự prostaglandin E1 có tác dụng kích thích co bóp tử cung và chín muồi cổ tử cung.

Bản thân nó được dùng làm thuốc ngừa viêm loét dạ dày, tá tràng do phải sử dụng lâu dài thuốc chống viêm không teroid có tác dụng bảo vệ niêm mạc hay bảo vệ tế bào. Do là dẫn chất prostaglandin nên Misoprostol còn có tác dụng gây co thắt tử cung".

Vụ cấp nhầm thuốc phá thai ở Tiền Giang: Dược sĩ và Bác sĩ sản khoa nói gì? - Ảnh 1.

Misoprostol được cho là phát nhầm dẫn đến vụ việc hy hữu ở Tiền Giang

Theo bác sĩ, loại thuốc này được sử dụng trong y khoa khá nhiều, chứ không chỉ áp dụng cho bệnh nhân đau dạ dày hay liên quan đến sản khoa mới dùng.

Thuốc có thể được sử dụng ở BV để hỗ trợ quá trình sinh sản chỉ vào lúc sinh đẻ hoặc được chỉ định dùng cho các trường hợp chấm dứt thai kỳ do thai nhi bất thường hoặc thai lưu.

Cũng giống như ý kiến của BS phụ sản, Dược sĩ Đinh Thị Chi (Trung tâm cấp phát thuốc – BV ĐK tỉnh Hòa Bình) cho hay: "Về tên thuốc dưỡng thai và phá thai thì không thể giống nhau được, có sự nhầm lẫn có thể do khi nhập tên biệt dược trên phần mềm máy tính, các chữ cái cuối của tên thuốc có thể bị trùng nên nhân viên chọn nhầm ở khâu đó".

"Một thiếu sót nữa có thể xuất hiện, khi nhân viên cấp phát thuốc đưa đơn thuốc thì y bác sĩ không xem kỹ nên rất dễ để xảy ra trường hợp như vậy. Còn tùy vào bệnh lý thai phụ mà có loại thuốc dưỡng khác nhau, chứ không thể có chuyện phát thuốc Misoprostol để dưỡng thai", nữ Dược sĩ khẳng định.

Năm yếu tố cơ bản gây nhầm lẫn các thuốc

Theo bác sĩ Quang, có thể phân chia thành năm yếu tố cơ bản gây nhầm lẫn các thuốc này gồm có:

- Do nhận thức bằng thị giác, thính giác

- Có thể do khi ghi nhớ tên thuốc trong thời gian ngắn.

- Yếu tố nhập dữ liệu vào máy tính (chọn sai tên thuốc phần mềm bảo quản và kê đơn thuốc)

- Có thể do sự không tập trung ở ngay từ người khám, người kê đơn, người cấp thuốc.

- Về phía người bệnh, chủ quan và không tìm hiểu kỹ biệt dược

Thầy thuốc khuyến cáo với bệnh nhân

Cần hình thành thói quen đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

Bác sĩ Trần Vũ Quang khuyến cáo: để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho thai phụ, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần phải đọc kỹ tờ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc hỏi kỹ nhân viên y tế trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào.

Ngày nay nhiều loại thuốc mới có những trang web riêng trên internet, với đầy đủ thông tin và hình ảnh. Điều này đã giúp ích rất nhiều cho người dùng thuốc để tự phòng ngừa việc nhầm lẫn thuốc.

Người dùng thuốc có thể tự phòng ngừa nhầm lẫn thuốc bằng cách yêu cầu bác sĩ viết rõ ràng, đầy đủ, cụ thể tên thương mại và cả tên thuốc gốc, yêu cầu dặn dò cặn kẽ từng loại thuốc kê trong đơn, cách sử dụng và các phản ứng phụ có thể xảy ra.

Khi mua thuốc, cần hỏi và tham khảo thêm những điều bác sĩ đã dặn dò trong đơn; đề phòng bác sĩ có khi đãng trí trong lúc chẩn đoán, kê đơn.

Cuối cùng, khi mua thuốc, bạn phải đọc kỹ tờ hướng dẫn về tác dụng, cách dùng, liều lượng, các phản ứng phụ... xem có phù hợp với đơn thuốc hay không?

Và khi bạn dùng quen loại thuốc của mình thì nên để ý hình dạng, màu sắc thuốc và bao bì để khi nhận được thuốc từ nhân viên y tế bạn có thể phân biệt thuốc mới hay thuốc cũ.

Khuyến cáo cho nhân viên y tế

Để không xảy ra những tai nạn hy hữu này, những nhân viên y tế cẩn trọng hơn hết thực hiện theo đúng quy trình có sẵn.

Luôn cẩn thận kiểm tra đối chiếu và bàn giao giữa các đồng nghiệp đầy đủ. Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong việc dùng thuốc, khoa Dược và các khoa lâm sàng cần thực hiện các biện pháp chống nhầm lẫn thuốc nhìn gần giống nhau và/ hoặc đọc viết gần giống nhau ở tất cả các công đoạn sau: Lưu trữ thuốc, kê đơn thuốc, cấp phát, giao nhận thuốc và sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Xem thêm:

Một ngày, ba thai phụ bị cấp nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại