Theo ghi nhận của chúng tôi, đến sáng nay, 4/10, các lực lượng vẫn đang tập trung để rà soát, thu, vớt lượng cá chết mới nổi lên, dạt vào bờ, tuy nhiên, số lượng không còn nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, trong từ tối 2/10, đến tối 3/10, quận đã huy động hơn 600 người phối hợp với các lực lượng bộ đội, công an, công nhân môi trường để tập trung rà soát, thu vớt đưa đi xử lý số cá chết ở Hồ Tây.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo ông Tuấn, cơ bản đã vớt hết số lượng cá chết dạt vào bờ và hiện tượng cá chết mới không còn xuất hiện mà chỉ còn cá chết từ các ngày trước đó. Con số cụ thể chưa thể tính toán, nhưng đã có hàng chục tấn cá chết được thu gom, đưa đi xử lý.
"Số lượng cá chết lần này rất nhiều, cá chết trên diện rộng cả ở tầng nước mặt và tầng nước lửng có độ sâu khoảng 2m nước", ông Tuấn nói.
Để làm sạch, tạo thêm oxy cho mặt nước Hồ Tây, theo chỉ đạo của UBND Thành phố, nhân viên môi trường lắp khoảng 40 máy bơm, sục khí. Máy hoạt động hết công suất trên diện tích mặt hồ rộng 500 ha.
Các máy bơm được lắp đặt tại các khu vực có nhiều cá chết dạt vào như ở đoạn hồ thuộc phố Trích Sài, Nguyễn Đình Thi...
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định, đến thời điểm này, kết quả xử lý cá chết ở Hồ Tây cơ bản đạt kết quả. Cụ thể, hầu hết cá chết trong Hồ Tây, đã được vướt đem tiêu hủy.
"Kết quả đo môi trường nước Hồ Tây từ chỉ số oxy = 0 đến thời điểm hiện tại đã có nơi đo oxy đã đạt 1,0, nơi 1,4, nơi cao đạt 4,0…", ông Tuấn thông tin.
Theo ông Tuấn, toàn bộ số cá chết được Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đưa lên bãi rác Nam Sơn tiêu hủy.
Hiện Thành phố đã giao cho các cơ quan chức năng như Sở Y tế, nông nghiệp... thường xuyên lấy mẫu cá, nước trong suốt mấy ngày qua để kiểm tra, tìm rõ nguyên nhân.
"Sau khi có nguyên nhân chính thức sẽ công bố rõ ràng", ông Tuấn nêu rõ.
Còn theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trước sự cố cá chết bất thường hàng loạt tại Hồ Tây từ sáng 2/10, các đơn vị quân đội đã điều 540 cán bộ chiến sĩ gồm 400 người của Bộ Tư lệnh Thủ đô và 140 người của Binh chủng Công binh xuống tham gia xử lý sự cố.
Cũng theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ngoài số lượng cán bộ chiến sĩ được điều động, các đơn vị quân đội đã đưa 81 xuồng xuống hồ và phối hợp lực lượng tại địa phương thu gom cá chết.
Ngoài ra, huyện Đan Phượng, điều 40 ngư dân, chuyên đánh lưới đến hỗ trợ…
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội và các quận cử 10 đội phòng chống dịch cơ động cùng với các lực lượng của thành phố phun thuốc khử khuẩn xác cá chết, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ, phòng chống dịch bệnh.
Mặt khác, tiến hành điều tra dịch tễ học, lấy mẫu xét nghiệm nước Hồ Tây và các hồ, nguồn nước lân cận tìm nguyên nhân cá chết.
Ngoài ra, Sở Y tế giao nhiệm vụ cho Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cử 2 tổ cấp cứu thường trực 24/24 giờ phục vụ công tác xử lý tình trạng cá chết tại Hồ Tây.