Bé gái lớp 9 tên Phan Thị Ca (sống tại thôn 3, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) đã lên mạng đặt một bộ quần áo cho mẹ với giá 90.000 đồng, thêm phí ship 30.000 đồng, tổng đơn hàng 120.000 đồng. Khi shipper gọi điện, trong người Ca chỉ có 30.000 đồng và không thể nhận hàng. Trường hợp bom hàng này lập tức được báo về cho chủ shop Lê Quỳnh Nha (Thị xã An Nhơn, Bình Định), ở cách đó hơn 20km, xử lý.
Qua chia sẻ trên điện thoại, chị Nha bất ngờ với hoàn cảnh của khách hàng nhỏ tuổi: Mẹ bé Ca bị bệnh nặng nằm liệt giường. Mưa nhiều ngày nên đồ phơi mãi không khô. Xót mẹ, Ca liều lên mạng đặt một đồ mới và nghĩ cách kiếm tiền nhưng không kịp, hàng đã giao đến.
"Mẹ con đau nhưng con hỏi mẹ con đau gì thì mẹ không trả lời. Các cô chú trong xóm nói là mẹ con mắc bệnh ngặt nghèo", Ca nói đến đâu chị Nha nghẹn theo đến đó. Chủ xưởng may đã đưa ra 1 quyết định đầy cảm tính: Tặng luôn cho Ca bộ đồ em đặt cho mẹ, tặng thêm 1 triệu đồng mượn từ shipper để hỗ trợ gia đình.
Không ai ngờ đó là cột mốc đem lại những biến chuyển lớn. Lòng tốt của chị Nha và sự hiếu thảo của bé Ca, khiến nhiều người ngồi trước màn hình rưng rưng, tự hỏi:
Đã bao lâu rồi mình chưa trao đi điều gì đó mà không suy tính nhiều? Lần cuối cùng gọi điện về nhà để hỏi thăm sức khỏe của mẹ, nhìn thấy mẹ để biết mẹ đang mặc đồ mới cũ ra sao? Đã bao lâu… bao lâu chúng ta chưa dừng lại đủ để ghi nhớ một chuyện tốt và có lòng tin vào xung quanh, hơn là sôi nổi buôn chuyện về những điều tiêu cực ngoài kia?
Sự xúc động mạnh mẽ của cộng đồng đã đưa bé Ca và mẹ em đến một cái kết cổ tích: Chị Lan được chữa bệnh miễn phí sau 4 năm ròng rã chưa ngày nào khoẻ mạnh, đang dần hồi phục một cách kỳ diệu. Gia đình bé Ca được các mạnh thường quân tìm đến giúp đỡ.
Còn bé Ca, em thỏ thẻ hé lộ 1 điều: "Em đã có thể tiếp tục an tâm đi học rồi".
Rét mướt miền Trung cuối tháng 12 càng tô đậm nỗi buồn khó tả trong căn bếp ẩm thấp, không điện nhà bé Ca. Em đang bẻ những cành củi khô, châm lửa rồi nhóm bếp khi chúng tôi vừa đến. Khói bếp nghi ngút bốc lên, ánh sáng bên ngoài xen mình qua kẽ ngói rong rêu bám xanh kết hợp tạo ra những luồng ánh sáng nhìn rõ cả những hạt bụi li ti. Gió cứ rít từng cơn. Chị Phạm Thị Lan (mẹ bé Ca) co ro ngồi trên giường cùng con gái út. Thỉnh thoảng cả hai mẹ con choàng tay ôm nhau vì "chu cha sao lạnh quá". Ca nấu xong ấm nước thì bước lên gian nhà chính, gọn gàng châm vào bình thuỷ để mẹ dùng.
Em mặc đúng bộ đồ đã xuất hiện trên các bài viết về "bé gái nhặt ve chai bom hàng đã có cái kết đẹp" treo ở vị trí nổi bật các trang báo suốt một thời gian.
Cảnh buồn, nhà cũ, mọi điều còn thiếu thốn, nhưng lòng người đang có niềm vui.
Ông Phan Văn Ta (ba bé Ca) hồ hởi đón những vị khách phương xa, vui vẻ nói về một cái Tết đang rất gần. Niềm vui của anh là: "Năm nay vợ đỡ bệnh rồi, không gì vui bằng vợ khoẻ lại".
Ông ngoại bé Ca bị lãng tai, dù không nghe rõ mọi người trong nhà nói chuyện gì nhưng ông luôn cười. Ông vui khi thấy con gái đã tập tễnh bước đi trong nhà sau cơn bạo bệnh ai cũng nghĩ "chắc nó không qua khỏi".
Bé út ôm chân mẹ, quẩn quanh giường mẹ nằm không muốn rời xa. Bé 5 tuổi, có đôi mắt to tròn và được nhận xét "xinh gái nhất nhà" từng phải nhập viện theo mẹ vì "mẹ ốm thì con cũng đau" nay đã đầy hạnh phúc vì m ơn ẹ ở nhà với mình, đã ôm mình vào lòng chứ không còn nằm bất động.
Chị Lan thần sắc tươi tỉnh, cười nói khi có những tốp bà con láng giềng kéo đến thăm hỏi tình hình sức khoẻ. Cứ nói 2 câu chị lại bắt đầu "cảm ơn", chị cảm ơn những người gần bên thân thuộc hay sẻ chia lúc mình thập tử nhất sinh, chị cảm ơn những người chị chưa từng biết mặt ở đâu đó trên "cộng đồng mạng" đã giúp đỡ mình.
Nhưng bé Ca, nhân vật chính của câu chuyện, thì lại sụt sùi.
Khổ đau chỉ mới vừa lùi về phía sau, vẫn còn nguyên vẹn hình thù đáng sợ. Khi kể lại với bất cứ ai lắng nghe, như là với cô Nha hay với chúng tôi, Ca đều dễ xúc động, mắt đỏ hoe.
Đó là sự ám ảnh khi thấy mẹ quằn quại trên giường máu ứa ra qua làn da, kẽ tóc mà không biết rõ nguyên nhân. Mỗi khi mẹ đau chỉ nằm im chịu đựng không nói một lời nào với Ca.
Đó là việc ý thức được nhà mình rất đang khó khăn sau khi mẹ lâm bệnh một thời gian dài. Những ngày mưa dai dẳng ba không đi làm kiếm được tiền, em cần đóng tiền trường nhưng không dám nói với mẹ. Đến lúc cô chủ nhiệm gọi về, mẹ phải đi vay mượn. Em ao ước có một ai đó xuất hiện giúp đỡ mình.
Đó là nỗi bất lực và sợ hãi trào dâng trong lòng một đứa trẻ khi không có xe đạp và cũng chẳng thể tự mình vượt hàng trăm cây số đến bệnh viện thăm mẹ dù xa cách cả tháng trời, em út cũng nhập viện theo. Nghĩ về mẹ, Ca mong thời gian trôi thật nhanh để có thể đi làm kiếm tiền.
Những đêm nằm co ro trong căn nhà cũ, không biết bao nhiêu lần Ca quẹt nước mắt tự trấn an trước nỗi sợ mất mẹ, mất đi tình yêu thương sự chăm sóc ấm áp từng có trước đây. Nỗi sợ này kéo theo những nỗi lo khác, như là việc phải nghỉ học.
Ca mất ngủ cả tháng trời vì nghĩ tới cảnh tăm tối này: Nghỉ học, không còn niềm vui trường lớp, bạn bè cách xa, phải thay mẹ tắm rửa cho em, nấu ăn cho cả nhà, trông em toàn thời gian. Nghỉ học, cũng đồng nghĩa với không thể sống như người mà Ca ngưỡng mộ: một nữ sinh Quy nhơn gặp tai nạn cụt một chân vẫn vươn lên đầy nghị lực theo đuổi việc học, ra trường và có việc làm ổn định. Ca được truyền cảm hứng rất nhiều bởi câu chuyện ấy, dặn mình: Sẽ kiên trì theo đuổi việc học đến cùng như thế!
Mới đây thôi, Ca sợ hãi khi shipper gọi điện nhưng mình chưa đủ tiền để thanh toán bộ đồ mua cho mẹ. Em vẫn quyết định nghe điện thoại của người giao hàng và trình bày câu chuyện của mình một cách cụ thể với chị Nha.
"Em biết bom hàng là hành động không tốt. Em không muốn mình là một người như vậy. Qua những clip trên mạng em biết cô Nha là người tốt, cô sẽ thông cảm không quở mắng em…", Ca nhớ lại giây phút mình bắt đầu kể bi kịch gia đình với một người chủ shop xa lạ trên mạng.
Trước khi có biến cố mua hàng online, Ca từng nhiều lần nghĩ về sức nặng của đồng tiền, nhưng em chưa thật sự phải kiếm ra tiền bằng được. Đến lúc thấy thương mẹ nảy ra ý định mua quần áo, Ca buộc phải bắt đầu công việc đầu tiên - đó là nhặt ve chai. Em từng thấy một người hàng xóm đến nhà mình thu gom chai lọ vứt đi để đem về bán kiếm tiền. Ngay lúc cần tiền nhất, Ca quyết định “học hỏi".
Bao nhiêu tiền với em là nhiều?
“Có thể 500.000 đồng hoặc vài triệu cũng là rất nhiều", Ca trả lời
Nếu có thật nhiều tiền, em muốn dùng nó để mua những gì?
Em sẽ mua tivi, tủ lạnh, ấm siêu tốc, máy giặt đặt trong nhà. Muốn có một căn nhà mới hơn. Em thấy những thứ đó ở nhà bạn em, em cảm thấy ao ước.
Có bao giờ em nghĩ về chuyện sẽ đi xa vùng quê này, có một công việc và sống với nó?
Em chưa nghĩ đến. Việc trước mắt của em là học cho thật tốt. Năm ngoái em đạt học sinh khá. Các bạn ở trường đều rất tốt với em. Em thích môn Toán. Bây giờ, luôn cảm thấy vui vì mình không phải nghĩ đến chuyện nghỉ học nữa.
Việc được ai đó cho “khất" lần sau có tiền trả cũng được, hay diễn ra với em không?
Dạ, như cô tạp hoá ở đầu đường, cô sẽ cho em nợ vài nghìn nếu chẳng may không đủ tiền mua chai mắm, củ hành… cô nói bao giờ có trả cô cũng được.Sau cuộc hội thoại về tiền, Ca nói thật nhanh 1 điều quan trọng như sợ rằng mình sẽ quên không nhấn mạnh: Nhưng điều quan nhất với em lúc này là mẹ đã khoẻ lại. Nếu cho em lựa chọn làm gì để có thật nhiều tiền và mẹ em, lúc nào em cũng sẽ chọn mẹ.
Nhắc về sự hiếu thảo khiến cộng đồng mạng xúc động, Ca lắc đầu: Đối với mẹ, em cũng giống như các bạn khác thôi.
"Gần 1 tháng đã trôi qua, em thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, về cả tâm lý lẫn tiền bạc. Mẹ về nhà em vui lắm. Nhân đây em muốn gửi lời cảm ơn đến cộng đồng mạng đã giúp đỡ cho gia đình em, cảm ơn các bác sĩ đã chữa bệnh cho mẹ em. Nhờ có mọi người mà anh em tụi em mới có cơ hội đi học tiếp, em cảm ơn rất nhiều", Ca nói đôi chỗ dừng lại vì nghẹn ngào.
Những người mà chúng tôi gặp trong hành trình tìm về nhà bé Ca, ai cũng biết câu chuyện bom hàng rồi được giúp đỡ nổi tiếng. Nhiều người không ngại che giấu suy nghĩ "tui cũng khổ quá, sao không ai giúp tui như vậy?".
Đúng là cái cảnh khổ như gia đình bé Ca, ở đâu đó ngoài kia, vẫn còn nhiều. Nhưng để lý giải vì sao bé Ca lại gặp chị Nha và nhận được "sự dịu dàng trong cơn thịnh nộ", cuộc đời thay đổi tựa cổ tích…thì người ngoài khó mà lý giải.
Nhưng chị Nha thì hiểu rõ vì sao.
"Trước đây tôi cũng khổ, từ chỗ từng rất khổ đó mình mới hiểu và đồng cảm với nỗi khổ của bé trong tích tắc. Lúc bé nói mẹ bệnh nặng, tim tôi thắt lại liền. Chỉ có những người từng trải qua hoàn cảnh như nhau mới nếm được mùi vị của khổ đau mà người kia đang phải chịu đựng", chị Nha nói trong nghẹn ngào.
Trong mắt nhiều người ở thị xã An Nhơn, chị Nha của hiện tại là người phụ nữ có cuộc sống sung túc, sở hữu nhiều tài sản và 2 cái xưởng may rộng, quản lý mấy chục nhân công ngày đêm cắt may gửi hàng cho mối sỉ bán online. Nhưng có hiếm người biết về xuất phát điểm của chị.
Biến cố lớn đến với Nha là khi chị học lớp 12, ba mẹ khó khăn, mẹ gồng gánh nuôi 4 anh chị em. Nha ở với bà nội và có nguy cơ phải nghỉ học bất cứ lúc nào dù kỳ thi cuối cấp đã cận kề.
"Thời điểm năm 2002, mỗi ngày nội cho tôi đúng 1.000 đồng đủ để ăn sáng, lốp xe xẹp thì bơm. Lúc bé Ca nói với tôi: Con chỉ có 30.000, tự nhiên tôi thấy nghẹn trong cuống họng mình. Cảm thấy cuộc sống của bé Ca hiện tại y như xưa của tôi. Có lúc nhà trường kêu chuẩn bị nộp tiền, tôi không biết chuẩn bị từ đâu đây? Tôi cũng không dám nói với ba mẹ vì sau tôi còn có 2 em nhỏ. Đó là động lực để tôi thức dậy lúc 2h sáng phụ quán phở, đến 7h đi học. Lúc chưa ở nhờ được nhà trọ của bạn, tôi còn đi làm ở hãng taxi Quy Nhơn, vừa kiếm thêm tiền vừa có chỗ để tá túc nghỉ trưa. Tôi làm mọi việc chỉ cần không phải nghỉ học ngang.
Cũng nhờ vào tình thương, sự đồng cảm của các cô chú xung quanh, tôi mới có được nghị lực sống đến ngày hôm nay. Sau đó, tôi đã thi đậu và nhận được bằng Cao đẳng Tài chính Kế Toán", chị Nha nhớ về lúc cơ cực được nhiều người động viên về tinh thần.
Sự tử tế được tiếp nối. Chị Nha biết đến hoàn cảnh của bé Ca là 1 cái duyên và chị không do dự trao đi điều mình từng nhận được: Tình thương và sự giúp đỡ. Lòng tốt như sợi dây dài, kết những con người có trái tim ấm áp lại với nhau.
"Có người gọi điện đến gặp tôi thắc mắc rằng: Tại sao họ từ thiện đến vài tỷ nhưng không được tiếng tăm mà sao tôi cho bé có 1 bộ đồ mà lại được nhiều người biết đến như vậy? Thật tâm, tôi không biết. Tôi chỉ biết tự lý giải với chính mình rằng, có lẽ điều gì xuất phát từ cái tâm, thì sẽ đến được với những cái tâm khác, sẽ giúp được đúng người đang cần nó nhất", chị Nha chiêm nghiệm.
Những gập ghềnh cuộc sống bé Ca hay chị Nha trải qua, có thể ai trong chúng ta cũng đã từng trải. Không ai trưởng thành dễ dàng mà có thể dễ rung động với những điều nhỏ bé. Câu chuyện về lòng tốt, sự hiếu thảo ngỡ rất bình thường này khiến mình bật khóc cũng bởi vì nhìn thấy ở đó chính hình ảnh của bản thân, khơi lên tình yêu thương gần gũi giữa con cái và cha mẹ, thấy được những nhiệt thành của người dưng xa lạ bỗng hóa người ơn… mà đâu đó trên đường đời, ta cũng đã từng "nhận ơn".
Tất cả điều đó, xin được gọi là những bình thường rực rỡ. Chẳng to tát cao xa, chẳng hiếm có khó tìm giữa đời sống xô bồ nhưng nó vẫn khiến trái tim ta được vỗ về đến lạ thường. Nó cũng sẽ bồi đắp thêm vào sức mạnh nội tại trong mỗi người, để mạnh mẽ đi tiếp trong hành trình sống biết trước nhiều chông gai.
Những người xung quanh khi nhìn vào câu chuyện này, họ vẫn trầm trồ vì sự kì diệu của cuộc sống.
Chị Hân (làm ở xưởng may Quỳnh Nha 5 năm, là người đầu tiên tiếp nhận đơn đặt hàng của bé Ca qua hệ thống) chia sẻ: "Tôi là nhân viên sửa code đơn hàng cho bé thành đơn 0đ. Tôi cũng từng hỏi chị Nha về độ xác thực của câu chuyện và thắc mắc vì sao chị quyết định nhanh như vậy. Chị đáp: Coi đó như 1 cái duyên đi em. Chị thấy bé ở gần đây. Chị sẵn sàng ra nhà bé hỗ trợ tiếp nếu câu chuyện là thật.
Tấm lòng chị Nha là vậy, trước giờ chị em làm việc ở đây ai đau ốm chị cũng đều chìa tay giúp đỡ rất thật tình. Có lần nghe tin tôi nằm viện trên Quy Nhơn, chị Nha gọi hỏi thăm và nói nếu có thiếu gì chị sẽ chuyển cho 10 triệu để nhập viện nhưng tôi từ chối vì trong khả năng của mình. Ra viện, vợ chồng chị tặng tôi 2 triệu. Chị em chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh, những lúc khó khăn chị đều vui vẻ cho ứng tiền, đau ốm đều thăm hỏi.
Còn về bé Ca, tôi thấy đó là một cô bé quá hiếu thuận. Bé Ca đã gọi đến gặp tôi để đặt đơn hàng. Bé chỉ nói muốn mua một bộ đồ cho mẹ, không xin giảm bớt một ngàn nào. Tôi vẫn đi đơn hàng với giá như bình thường. Không ngờ đơn hàng đi nhanh, shipper giao quá sớm khiến bé không đủ tiền trả.
Ngoài sự trợ giúp của chị Nha, các chị em trong xưởng may cũng đóng góp chút tấm lòng của mình gửi đến gia đình bé Ca, mong gia đình em bớt khó khăn".
Nếu như chị Hân bất ngờ vì dù hoàn cảnh khó khăn, bé Ca vẫn không xin giảm một ngàn nào khi mua đồ; thì anh Phiên - shipper đến giao hàng lại ấn tượng với cách ứng xử của cô bé trước một vấn đề nhiều người gặp phải, nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm để đối diện.
"Hồi giờ khách không có tiền nhận hàng thì nhiều, nhưng nếu khách không có tiền, họ sẽ không nhận cuộc gọi của shipper. Còn bé Ca thì bảo tôi chú cứ chạy tới nhà. Lúc đó, tôi cũng chưa hiểu rõ tình hình và hỏi: Sao con không nhận hàng? Cô bé mới nói rất lễ phép: Dạ, con chưa có đủ. Tôi gặng hỏi thêm: Sao mẹ con không đưa tiền để nhận hàng? Lúc đó bé mới nói: Mẹ con đau.
Ngay lúc đó tôi thấy bé rất bản lĩnh, can đảm và thành thật. Còn về phía chủ shop, tôi không nghĩ lại có người tốt như vậy. Khi thấy câu chuyện của bé được cộng đồng mạng chia sẻ, tôi vui lắm. Vui vì bé được nhiều người cảm thông và giúp đỡ", anh nói.
Một tháng dần trôi qua nhưng những lời bàn tán về câu chuyện của bé Ca và mẹ từ những người dân địa phương hãy còn rôm rả lắm. Tin rằng, sau cái Tết này, làng quê Phù Cát vẫn sẽ còn nhớ mãi về một cô bé gái có tấm lòng hiếu thảo với mẹ, gặp được người tốt giúp đỡ như trong truyện cổ tích.
Và mong sao sau câu chuyện này, rất nhiều người trẻ nhận ra: Nếu ngày hôm nay trở về nhà vẫn thấy ba mẹ ở đó, còn khoẻ mạnh, công việc dẫu áp lực nhưng vẫn có thể kiếm tiền mua những thứ mình cần, đem về nhà những món ăn thơm phức, có đầy đủ tiện ích trong cuộc sống… thì nghĩa là mình cũng đang rất rất hạnh phúc.