Đà Nẵng tháo dỡ được biệt thự vi phạm trên núi còn tại sao Hà Nội lại chưa?
Những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực quy hoạch đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ, kiến nghị xử lý từ năm 2006.
Tuy nhiên, đã hơn 10 năm qua, các sai phạm, với rất nhiều công trình, nhà ở, biệt thự vi phạm; trong đó, điển hình như công trình khu nhà của vợ chồng ca sỹ Mỹ Linh , biệt phủ Thành Chương... chưa được khắc phục.
Trao đổi với PV vào chiều 18/10, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, từ các năm 2008, 2013, ông đã có nhiều bài viết, trả lời báo chí về vấn đề hàng chục nghìn m2 đất rừng phòng hộ thuộc huyện Sóc Sơn bị san ủi để xây dựng các khu biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ở.
Nguyên Thứ trưởng nhận định, vấn đề này chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho việc "tại sao trong những năm qua chúng ta mất rừng nhiều như vậy".
"Kể từ khi Thanh tra Chính phủ phát hiện các sai phạm về việc quản lý đất rừng ở Sóc Sơn năm 2006 đến nay đã 12 năm, tuy nhiên, các vi phạm, công trình xây dựng vẫn không bị chính quyền từ thành phố đến huyện, xã xử lý. Điều đó đặt cho dư luận nhiều câu hỏi nghi vấn", ông Võ nói.
Theo ông, việc để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng này trước tiên thuộc về trách nhiệm của chính quyền cấp xã.
Ông nói, quy định của Luật đất đai đã nêu rõ, UBND xã có trách nhiệm phát hiện các vi phạm pháp luật trên địa bàn mình quản lý, đưa ra phương thức giải quyết, ngăn chặn theo thẩm quyền. Nếu trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo cáo lên cơ quan cấp trên.
"Điều này đã được ghi nhận rõ ràng từ Luật đất đai 2003 đến 2013, tuy nhiên, như những gì đã xảy ra cho thấy, UBND xã không phát hiện ra đây là sai phạm, vi phạm pháp luật mà thậm chí còn chứng nhận vào hợp đồng chuyển nhượng đất.
Việc này có thể hiểu lãnh đạo xã không hiểu biết pháp luật hoặc có thể biết nhưng có vấn đề tiêu cực nên dung túng cho hành vi vi phạm.
Tiếp đó là trách nhiệm của huyện, thành phố và kể cả các Bộ, ngành có liên quan khi không phát hiện, đưa ra giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt để việc xây dựng, chuyển nhượng sử dụng đất trái phép", ông Võ nêu.
GS Đặng Hùng Võ.
Đối với các công trình như của biệt phủ Thành Chương, nhà của gia đình ca sỹ Mỹ Linh... dù đã được cơ quan thanh tra kết luận có vi phạm nhưng chưa bị xử lý dứt điểm, ông Võ cho rằng, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ và trả lời cụ thể cho dư luận tại sao lại như vậy.
Ông nhấn mạnh, Hà Nội cần học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng khi yêu cầu, buộc chủ nhân 2 "biệt phủ", biệt thự rộng hàng nghìn m2 ở Sơn Trà, nam đèo Hải Vân phải tự tháo dỡ công trình vi phạm của mình.
"Cần nói thêm, 2 chủ nhân các công trình vi phạm ở Đà Nẵng là tướng công an và đại gia có tiếng nhưng khi yêu cầu xử lý họ đều tự nguyện tháo dỡ rất nghiêm chỉnh. Đà Nẵng làm được, vậy tại sao Hà Nội lại chưa làm được khi sai phạm nghiêm trọng?
Tôi cho rằng, dù là ai, nổi tiếng hay quyền chức nhưng nếu xác định công trình có vi phạm mà còn nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh, cương quyết tháo dỡ mới có thể ngăn chặn được tình trạng sai phạm kéo dài và sửa sai", GS Võ nêu quan điểm.
Rất nhiều biệt thự lớn, kiên cố đã và đang hình thành tại xã Minh Phú.
Hai việc Hà Nội cần làm ngay để giải quyết sai phạm đất đai ở Sóc Sơn
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ chỉ rõ, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cần phải làm ngay hai việc để giải quyết những sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất rừng ở Sóc Sơn.
Cụ thể, các cơ quan chức năng cần xem xét lại tổng thể các sự việc, công trình vi phạm cũ đã được cơ quan thanh tra chỉ rõ nhưng tại sao chưa xử lý.
"Cần phải làm rõ, có ai cản trở hay đề xuất, việc để nguyên không cho xử lý các công trình vi phạm không. Nếu có thì cần xử lý rất thích đáng các cá nhân, cán bộ này, kể cả người đã về hưu.
Những cán bộ vi phạm cần chịu trách nhiệm chứ không thể về hưu là xong", ông Võ nói.
Ông nhấn mạnh, để tránh việc mất rừng, "nhờn pháp luật", các cơ quan chức năng cần cương quyết dẹp bỏ, tháo dỡ, phá dỡ các công trình vi phạm.
"Có quyết tâm, cương quyết làm, dẹp bỏ, tháo, phá dỡ các công trình vi phạm, chúng ta mới lập lại được kỷ cương còn không như thực tế cho thấy chỉ từ năm 2013 đến nay, các công trình vi phạm, sai phạm đã mọc lên rất nhiều, ngày càng phức tạp ở đất rừng Sóc Sơn", ông Võ chỉ rõ.
Năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã.
Tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha.
Những vi phạm cũ chưa xử lý hết thì lại có thêm nhiều sai phạm mới. Trong hơn hai năm (tháng 1/2016 đến tháng 6/2018), qua kiểm tra của cơ quan chức năng có 28 trường hợp xây dựng ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí.
Cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với 12 trường hợp; 16 trường hợp còn lại được chính quyền huyện báo cáo "đã xây dựng từ những năm trước và sử dụng ổn định".