Trong đêm 2 và rạng sáng 3-1, hàng trăm người, trong đó có lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo huyện Thanh Bình, đại diện các sở, ngành cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Công an tỉnh Đồng Tháp, Công an huyện Thanh Bình và lực lượng công binh của uân khu 9 đã túc trực tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ bé trai bị lọt vào trụ bê-tông sâu 35m.
Lực lượng chức năng đang nỗ lực trong công tác cứu hộ bé trai
Tại hiện trường, các lực lượng chức năng chuyên môn vẫn khẩn trương dùng máy khoan để làm mềm đất đá khu vực xung quanh thành trụ bê-tông để giảm ma sát quanh trụ. Sau đó, dùng phương tiện chuyên dụng để kéo trụ bê-tông lên. Tiếp đến, lực lượng công binh sẽ tiến hành nội soi để dò tìm vị trí của em bé rồi cắt trụ, đưa bé trai ra ngoài.
Đến khoảng 4 giờ ngày 3-1, lực lượng kỹ thuật đã thả thành công ống thép lớn có đường kính 1,5m đặt ôm vào ống trụ 25cm mà bé trai đã lọt vào.
Công đoạn tiếp theo là bóc tách, làm rộng phần đất trong ống thép lớn để thuận lợi trong việc kéo trụ bê-tông lên mặt đất. Sau đó, lực lượng công binh sẽ tiến hành nội soi để dò tìm vị trí của em bé rồi cắt trụ, đưa bé trai ra ngoài.
Trong Công văn hoả tốc gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải (GTVT), Xây dựng, Lao động – Thương binh và Xã hội vào ngày 2-1, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị các đơn vị huy động chuyên gia, hỗ trợ thiết bị quan sát trong lòng ống, thiết bị cứu hộ và chỉ đạo lực lượng có kinh nghiệm ứng phó sự cố để hỗ trợ địa phương trong thời gian sớm nhất khắc phục sự cố tai nạn này.
Thực hiện theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng phân công ông Nguyễn Duy Thạch - Chi cục trưởng Chi cục phía Nam - xuống Đồng Tháp để phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác đang có mặt tại hiện trường, tìm ra giải pháp sớm cứu được bé trai.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31-12/-022, có một nhóm trẻ em độ tuổi từ 11 tuổi đến 12 tuổi lẻn vào công trường và được bảo vệ phát hiện đuổi ra khỏi công trường. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, khi công nhân công trường đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ trên lại lẻn vào công trường phía mố MA không rõ mục đích.
Đến 11 giờ 55 phút cùng ngày, cháu Thái Lý Hạo Nam (SN 2012; ngụ xã Phú Lởi, huyện Thanh Bình) đã lọt vào trong lòng cọc ống D500 tại mố MA (cọc C1-MA) có đường kính ngoài cọc 50cm và đường kính trong cọc 25cm.
Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và nhân công đang nghỉ trưa. Trước thời điểm đó, công trình vẫn hoạt động thi công bình thường theo đúng hồ sơ thiết kế và biện pháp thi công được duyệt.
Ngay sau khi phát hiện, lập tức Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp; Sở GTVT; Ban Quản lý dự án; Tư vấn giám sát; Nhà thầu thi công; chính quyền địa phương, lực lượng y tế và các lực lượng cứu hộ khác đến hiện trường.
Ngay sau khi phát hiện cháu bé bị lọt vào trong lòng cọc ống, đơn vị thi công đã dùng các bình ôxy có tại công trình bơm vào lòng ống; đồng thời sử dụng tất cả các thiết bị chuyên dùng để phá vỡ kết cấu chặt của lớp địa chất làm giảm ma sát xung quanh thành cọc để có thể rút cọc lên cứu cháu bé.
Lực lượng cứu hộ huy động gồm 2 cần cẩu, 4 máy đào, 5 xà lan, 1 dàn cọc khoan nhồi, 1 thiết bị xói hút bùn, 2 giàn khoan địa chất và các máy móc phụ trợ khác; đồng thời đã tập kết thêm ống vách đường kính lớn để phối hợp thực hiện với giàn khoan.
Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực chỉ đạo các đơn vị liên quan làm xuyên suốt 24/24, đã huy động mọi lực lượng hiện có trên địa bàn.
Bộ phận y tế và đội cứu nạn cũng luôn túc trực tại hiện trường và bơm ôxy liên tục vào trong trụ bê-tông để tạo dưỡng khí cho cháu bé.