Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ Điều hành tiếp tục đào đất bằng gầu cạp, trong quá trình đào có sử dụng bentonite để giữ ổn định thành vách đến độ sâu âm 19m so với đầu cọc bê tông và còn 5m là đến đầu đốt cọc số 3. Do chiều dài tự do đầu cọc lớn nên phải cắt mối nối 1 và đưa đốt 1 lên khỏi hố móng và bịt kín đầu cọc đoạn 2 vào lúc 3h30 ngày 16/1 để tránh cọc bị đổ nghiêng.
Đốt cọc 1 dài 12m đã đưa lên mặt đất (trái) và hố móng sau khi đưa đốt cọc 1 được đưa lên. (Ảnh: Sở TTTT tỉnh Đồng Tháp)
Hiện nay, công việc tiếp theo của lực lượng tiếp tục đào đất trong lòng hố móng để đạt được độ sâu âm 23m tính từ đầu cọc bê tông (cách mối nối thứ 2 hay đầu cọc đốt 3 khoảng 1m). Sau đó, thực hiện đưa ống vách D2100 lên bờ để chuẩn bị cho công tác rung hạ xuống hố móng.
Vào ngày 7/1, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định Thành lập Tổ Điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Kênh Rọc Sen. Tổ này sẽ điều hành thi công phương án cứu hộ, cứu nạn sự cố, tai nạn tại công trình cầu kênh Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 dự án xây dựng tuyến ĐT.857 đoạn QL30 - 845 tại ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình bằng biện pháp xử lý rút cọc bê tông lên mặt đất và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện cứu hộ, cứu nạn về UBND tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, Tổ Điều hành tự giải tán sau khi hoạt động cứu hộ, cứu nạn kết thúc.
Đào đất bằng gầu ngoạm đêm 15 tháng 1. (Ảnh: Sở TTTT tỉnh Đồng Tháp)
Trước đó, như VOV đã thông tin , vào trưa 31/12/2022, em T.L.H.N (10 tuổi) cùng một số người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, không may bé N. lọt xuống cọc bê tông rỗng với độ sâu khoảng 35m./.