Ngày 24/11, Công an huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phùng Thị Sơn (37 tuổi), trú tại xã Vĩnh Sơn về tội Vô ý làm chết người.
Bà Phùng Thị Sơn là chủ 2 chó béc giê đã tấn công khiến bé gái P.D.M. (5 tuổi, hàng xóm và cũng là họ hàng) tử vong thương tâm.
Trước đó, theo thuật lại của báo Tiền phong, vào khoảng 19h tối 20/11, cháu P.D.M., trú tại thôn 3, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường đang chơi ở quanh nhà thì bị 2 con chó béc giê bất ngờ lao tới cắn vào vùng cổ, vùng bụng. Thời điểm xảy ra vụ việc, bố mẹ của cháu bé không ở nhà. Toàn bộ sự việc đã được camera giám sát ghi lại.
Cháu bé bị chó cắn đứt động mạch cảnh hai bên cổ, dẫn đến mất nhiều máu. Khi được người dân đưa đến bệnh viện, cháu bé ngừng tuần hoàn hô hấp và tử vong.
Theo cơ quan chức năng, bị can Sơn khai nuôi 2 con chó (một đực, một cái) bằng cám gạo, cám ngô. Quá trình nuôi, 2 chú chó đã tiêm phòng. Đáng chú ý, con chó cái vừa đẻ con xong. Tối 20/11, 2 con chó được chủ cho ăn. Quá trình này, Sơn thả chó ra khỏi chuồng để chó đi vệ sinh, nhưng không rọ mõm dẫn đến vụ việc đau lòng
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với tờ Lao Động, luật sư Nguyễn Thị Hồng - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 601 Bộ luật Dân sự quy định, chó béc giê được xác định là thú dữ - là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ vật nuôi có nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho vật nuôi, đảm bảo vật nuôi không tấn công, gây thương tích cho người khác.
Trong sự việc xảy ra ở Vĩnh Phúc, chủ của 2 con chó béc giê đã không thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi theo quy định.
Theo đó, chủ chó trong trường hợp trên có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 5 năm tù.
Ngoài việc bị xử lý hình sự, chủ sở hữu những con chó cắn chết người phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại, tổn thất về tính mạng và tinh thần, vật chất cho nạn nhân theo quy định.
Phân tích thêm về vụ việc trên tờ An ninh thủ đô, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra các sự việc tương tự như vụ cho cắn chết người tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên năm 2019, sự việc xảy ra tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh năm 2023… Nguyên nhân là do chủ vật nuôi không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đối với vật nuôi theo quy định.
Trong vụ việc trên, bé gái 5 tuổi bị tử vong do cho cắn, nếu 2 con chó do chính người thân của cháu bé nuôi thì họ được xác định là chủ sở hữu của vật nuôi nên phải chịu trách nhiệm trực tiếp về cái chết thương tâm của cháu bé.
“Hầu hết các trường hợp chó tấn công người đều do lỗi của con người, nhất là chủ chó. Do đó, để tránh xảy ra những vụ việc đau lòng tiếp theo, người nuôi chó cần phải có kiến thức cần thiết về giống chó dữ đó để có thể quản lý, kiểm soát và nuôi dưỡng tốt nhất; có kỹ năng kiểm soát chó dữ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý vật nuôi, đặc biệt là các loại chó dữ, sớm ban hành quy định nhằm cấm hoặc hạn chế những loại vật nuôi hung dữ nguy hiểm”, luật sư Lê Hồng Vân nêu quan điểm.