Một phiên họp của Nghị viện châu Âu tại Pháp. Ảnh: AFP
Theo đài truyền hình CNN, ngày 9/12, các nhà chức trách ở Bỉ đã bắt giữ bốn người vì bị tình nghi nhận quà từ Qatar như một phần trong nỗ lực gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định tại Nghị viện châu Âu.
Các chính trị gia và nhà bình luận ở châu Âu miêu tả đây là vụ bê bối tham nhũng lớn nhất ảnh hưởng đến chính trị ở lục địa này tính đến thời điểm hiện tại. Các nhà lập pháp đã đình chỉ quyền tiếp cận của Qatar với Nghị viện châu Âu và tạm dừng các luật liên quan đến hàng không và tự do hóa thị thực.
Doha đã mạnh mẽ phủ nhận mối liên quan, cảnh báo rằng quyết định áp đặt hạn chế mang tính phân biệt đối xử như vậy đối với Qatar trước khi quá trình pháp lý kết thúc có thể ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác
Vụ bê bối là vết rạn nứt mới nhất trong quan hệ của quốc gia vùng Vịnh với các nước châu Âu sau những khác biệt rõ rệt về việc Qatar tổ chức giải đấu World Cup gần đây.
Bê bối nhận hối lộ
Theo đài RTBF, đầu tháng 12, công tố viên liên bang Bỉ cho biết trong hai năm qua, các thanh tra liên bang nghi ngờ một quốc gia từ Vịnh Ba Tư gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của Nghị viện châu Âu.
Trong 4 người sau đó bị bắt, nổi bật nhất là nhà lập pháp Hy Lạp Eva Kaili - người đã bị tước bỏ vai trò là một trong 14 phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu và ngày 21/12 vừa qua.
Michalis Dimitrakopoulos, luật sư gia đình Kaili, chia sẻ bà Kaili vẫn khẳng định bà vô tội và không liên quan gì đến việc nhận hối lộ từ Qatar.
Về phần mình, Qatar cáo buộc những người tham gia điều tra đã rò rỉ “thông tin không chính xác”. Quốc gia này cũng đã phản đối việc bị bêu tên trong cuộc điều tra trước khi kết thúc điều tra.
“Qatar không phải là bên duy nhất có tên trong cuộc điều tra, nhưng chỉ có đất nước chúng tôi đã bị chỉ trích và tấn công”, một nhà ngoại giao Qatar cho biết trong một tuyên bố ngày 18/12.
Quan hệ hiện tại giữa Qatar và EU
Trong năm nay, Qatar thường xuất hiện trên báo chí châu Âu phần lớn gắn liền với hai chủ đề: khí đốt và bóng đá.
Những tranh cãi xung quanh việc tổ chức giải World Cup đã thu hút báo chí ở châu Âu. Thậm chí Quốc vương Qatar ông Tamim bin Hamad Al Thani còn mô tả những gì báo chí châu Âu thể hiện là một chiến dịch gay gắt nhằm vào Qatar và đặt câu hỏi về lý do và động cơ thực sự đằng sau chiến dịch này.
Các quốc gia châu Âu tham gia giải đấu cũng đã thể hiện rõ quan điểm. Các cầu thủ Đức che miệng trong một bức ảnh trước trận đấu để phản đối lệnh cấm đeo băng tay màu cầu vồng, nhằm phản đối các quy định chống cộng đồng LGBTQ của Qatar. Một bộ trưởng người Đức đã đeo băng “OneLove” bày tỏ sự ủng hộ với LGBTQ.
Tuy nhiên, những lời chỉ trích về giải đấu trên báo chí phương Tây đã vượt ra ngoài vấn đề LGBTQ và số phận của người lao động nhập cư ở Qatar. Các nhà hoạt động và nhà báo trong khu vực đã cáo buộc truyền thông phương Tây có thành kiến với người Arab.
Andreas Krieg, Phó Giáo sư tại King's College London, cho biết: “Những rạn nứt văn hóa xuất hiện ở châu Âu trong thời gian diễn ra World Cup không chỉ ảnh hưởng đến Qatar mà rộng hơn ảnh hưởng đến vùng Vịnh. Những gì đang xảy ra với Qatar đã thể hiện tư duy khép kín, bài Hồi giáo và phân biệt chủng tộc của châu Âu”.
Vai trò của Qatar như một phương án thay thế tiềm năng cho nguồn cung năng lượng của Nga cũng đã được quảng bá ở châu Âu khi lục địa này cố gắng từ bỏ phụ thuộc khí đốt của Moskva sau xung đột ở Ukraine.
Hồi tháng 3, Bộ trưởng Qatar Năng lượng Saad Sherida Al-Kaabi khẳng định quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ 3 thế giới này sau Nga và Iran sẽ gắn kết với châu Âu trong bối cảnh thiếu hụt khí đốt. Hồi đầu năm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay Qatar sẽ đóng “vai trò trung tâm” trong chiến lược năng lượng của Berlin và quốc gia vùng Vịnh này đã ký thỏa thuận khí đốt đầu tiên với Berlin vào tháng trước.
Qatar cũng là một nhà đầu tư lớn ở châu Âu. Đây là một trong những chủ sở hữu tài sản lớn nhất ở Vương quốc Anh và sở hữu nhiều tài sản danh giá ở London như cửa hàng bách hóa Harrods, tòa nhà chọc trời Shard, 20% cổ phần của sân bay Heathrow. Tại Pháp, Qatar sở hữu khối tài sản hơn 26 tỷ USD và đã tạo ra khoảng 72.000 việc làm.
Qatar liệu có “trả đũa”?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự trận chung kết World Cup tại Qatar. Ảnh: AFP
Qatar đã bày tỏ lo ngại về “làn sóng tấn công” mà nước này đang phải đối mặt trên các phương tiện truyền thông châu Âu.
Sau khi tin tức về vụ bê bối hối lộ bị phanh phui, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola đã công kích gay gắt “những kẻ thù của nền dân chủ” trong một bài phát biểu trước cơ quan lập pháp. Bà ám chỉ khối đã sẵn sàng hy sinh mối quan hệ năng lượng đang phát triển với Qatar. “Chúng tôi là người châu Âu. Chúng tôi thà lạnh cóng còn hơn là bị mua chuộc”, bà Metsola nhấn mạnh.
Từ xưa đến nay, Qatar rất muốn bác bỏ quan điểm cho rằng nước này sẽ vũ khí hóa trữ lượng khí đốt khổng lồ của mình. Khi các nước láng giềng, bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, áp đặt một cuộc tẩy chay nhằm làm tê liệt nền kinh tế của Qatar vào năm 2017, Doha tiếp tục cung cấp khí đốt cho UAE. Mối quan hệ thân thiện của Qatar với Iran cũng được đánh giá là một chính sách ngoại giao khí đốt.
Trong một tuyên bố với CNN, Qatar ghi nhận bản thân là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) quan trọng cho Brussels và cảnh báo EU tình hình đang diễn ra có thể ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về tình trạng khan hiếm năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, Qatar có thể tìm những cách khác để phản ánh nỗi bất bình của mình với châu Âu. Sau khi cơ quan quản lý giao thông vận tải của London cấm quảng cáo của Qatar để phản đối định kiến về các vấn đề LGBTQ, Doha đã bắt đầu xem xét các khoản đầu tư của mình vào thành phố.
Theo ông Kristian Coates Ulrichsen, nhà nghiên cứu tại Viện Baker Đại học Rice ở Houston, Texas, bất chấp những thông tin tiêu cực phát trên các phương tiện truyền thông trong thời gian diễn ra World Cup, các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xuất hiện công khai, tham dự các trận bán kết và chung kết tại Doha. Khi Quốc vương Tamim trao cúp cho những người Argentina vô địch giải đấu, Tổng thống Macron đã xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo.
Ông Krieg cho rằng việc Qatar ký hợp đồng khí đốt với Đức cho thấy rằng họ sẽ không chính trị hóa các giao dịch kinh doanh. “Tôi nghĩ rằng những cảnh báo hiện tại của Qatar chỉ là một lời cảnh báo để phô trương sức mạnh và không có khả năng chuyển thành hành động. Qatar không có truyền thống cứng rắn. Mặc dù họ có thể dễ dàng nhưng sự kiên nhẫn đang dần cạn kiệt. Người châu Âu cần phải thực sự cẩn trọng khi xem xét mối quan hệ với Qatar và vùng Vịnh”, vị chuyên gia kết luận.