Kỳ 1: Vụ mất tích bí ẩn của Mona Lisa
Khi bức tranh Mona Lisa biến mất khỏi Bảo tàng Louvre ở Pháp, họa sĩ Pablo Picasso là một trong số nghi phạm bị cảnh sát triệu tập.
Bức tranh mất tích
Bức tranh Mona Lisa nổi tiếng. Ảnh: Wikipedia
Danh họa Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ bức Mona Lisa khoảng năm 1503 và ngừng một thời gian dài. Mãi tới năm 1517, ông mới vẽ tiếp bức tranh. Khi đó, bức tranh chưa hề nổi tiếng. Trong thực tế, vào thế kỷ 18, Vua Pháp Louis XV còn cho tháo bức tranh khỏi vị trí nổi bật ở Lâu đài Versailles.
Cuối thế kỷ 19, Mona Lisa bắt đầu nổi tiếng với người trong giới nghệ thuật nhưng với công chúng bình thường thì bức tranh vẫn vô danh. Điều này đã thay đổi khi bức tranh bị đánh cắp năm 1911.
Không bao lâu sau, danh họa Pablo Picasso bị bắt vì vụ trộm. Vậy Picasso có thực sự liên quan và làm thế nào vụ trộm này này khiến Mona Lisa trở thành bức họa nổi tiếng nhất thế giới?
Theo trang todayifoundout, chuyện bắt đầu từ thứ ba, ngày 22/8/1911. Sáng đó, họa sĩ Pháp Louis Beroud tới Bảo tàng Louvre để vẽ một bản sao bức Mona Lisa. Bảo tàng này hoan nghênh các nghệ sĩ tới để sao chép tranh, miễn là bản sao không cùng kích thước bản gốc.
Vị trí treo tranh Mona Lisa trống không. Ảnh: Todayifoundout
Không may thay, khi ông Beroud vừa vào thì chỗ treo bức Mona Lisa trống không. Hỏi bảo vệ gần đó thì người này đoán bức tranh có thể bị bộ phận chụp ảnh gỡ vì họ thường làm thế mà không báo cho ai.
Không hài lòng với lời giải thích, ông Beroud yêu cầu bảo vệ tìm xem bức tranh đang ở đâu và khi nào được treo lại. Tuy nhiên, sau khi tìm kiếm khắp nơi, bảo vệ không thể tìm ra ai biết gì về chuyện xảy ra với bức tranh. Ngay sau đó, Bảo tàng Louvre đóng cửa, nhân viên bảo tàng và cảnh sát Pháp rà soát trên 1.000 phòng để tìm mà không thấy nàng Mona Lisa.
Hậu quả là, cơ quan thực thi pháp luật toàn nước Pháp vội vã thắt chặt biên giới đề phòng trộm tìm cách đưa bức tranh ra nước ngoài. Họ tìm từng bức tranh trong từng chiếc vali của bất kỳ ai định rời Pháp. Các con tàu rời cảng sau khi vụ trộm xảy ra mà chưa bị kiểm tra đều bị lục soát khi tới điểm đến.
Chính quyền thẩm vấn và điều tra từng nhân viên ở Bảo tàng Louvre. Bức tranh đã ở đó ngày chủ nhật, nhưng đến thứ ba thì không thấy đâu. Những người duy nhất ở trong bảo tàng ngày thứ hai là nhân viên có ca làm việc hôm đó.
Nếu không có nhân viên bảo tàng thì chắc chắn cũng có rất nhiều người ở trong tòa nhà và ai đó hẳn phải nhìn thấy điều gì đó. Tuy nhiên, góc điều tra này cũng không đi tới đâu.
Báo chí Pháp có một ngày đáng nhớ. Các tờ báo tham gia vào một cuộc chiến đấu giá để xem ai có phần thưởng lớn nhất dành cho người cung cấp thông tin giúp bức tranh trở về an toàn. Tờ Paris-Journal hứa trao tặng 50.000 franc (khoảng 220.000 USD ngày nay).
Khi bảo tàng mở cửa trở lại đầu tháng 9/1911, du khách đổ xô tới chỉ để xem nơi bức Mona Lisa từng được treo. Tác giả Franz Kafka cũng tới Bảo tàng Louvre chỉ để nhìn vào khu vực trống rỗng trên bức tường và ghi lại trong nhật ký: “Sự phấn khích và nhiều đám người, như thể Mona Lisa vừa bị đánh cắp”.
Sự liên quan của Picasso
Picasso năm 1908. Ảnh: Wikipedia
Tuy nhiên, không có đầu mối nào và điều tra hoàn toàn bế tắc mãi tới khi cảnh sát được thông báo về vị trí của một số đồ vật từng bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Louvre. Điều này dẫn tới Pablo Picasso.
Khi Picasso lên đường tới Paris năm 1900, trong số nhiều bạn bè giới nghệ sĩ mà ông làm bạn có nhà thơ Guillaume Apollinaire. Apollinaire có một thư ký tên là Gery Pieret. Biết Picasso yêu các bức tượng Iberia thế kỷ 3 và 4 đang trưng bày ở Bảo tàng Louvre, Pieret quyết định tới Louvre và lấy trộm vài bức.
Do lực lượng bảo vệ an ninh ở bảo tàng mỏng so với diện tích rộng lớn nên vụ trộm không mấy khó khăn.
Khi Pieret đưa mấy bức tượng cho Picasso, ông rất thích chúng. Apollinaire và Picasso cuối cùng đã trả Pieret 100 franc (khoảng 440 USD ngày nay) cho mấy bức tượng bị đánh cắp. Picasso sau này dùng gương mặt của một bức tượng trong kiệt tác nổi tiếng năm 1907 Les Demoiselles d’Avignon.
Tới năm 1911, Pieret phá sản và quyết định đánh cắp thêm nhiều thứ từ Bảo tàng Louvre để bán. Khi Apollinaire phát hiện ra, ông đã đá viên thư ký ra khỏi nhà, đúng vào ngày Mona Lisa bị đánh cắp.
Khi những thứ bị đánh cắp khỏi Louvre lên trang nhất các báo, Apollinaire và Picasso gặp chút vấn đề là họ không thực sự giữ bí mật chuyện họ có các bức tượng bị đánh cắp. Apollinaire còn trưng bày một bức tượng trên mặt lò sưởi trong một thời gian và vô số khách khứa đã nhìn thấy, trong đó có vài nhà báo. Việc cảnh sát gọi tới ông chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mọi chuyện tồi tệ hơn khi Pieret thông báo với tờ Paris-Journal rằng anh ta biết vài đồ vật bị đánh cắp ở Louvre đang ở đâu, có thể chỉ để trả thù Apollinaire, có thể là để kiếm tiền thưởng. Không cần nói cũng đủ biết nhà thơ Apollinaire và Picasso hoảng sợ thế nào.
Người tình lâu năm của Picasso là Fernande Olivier viết: “Tôi có thể thấy cả hai người họ là những đứa trẻ con hối lỗi, choáng váng vì sợ và định bỏ trốn khỏi Pháp. Họ quyết định từ bỏ những đồ vật đó ngay lập tức.
Cuối cùng, họ đã đi bộ ra ngoài đêm đó, mang theo mấy vali chứa các bức tượng và định ném xuống sông Seine. Họ quay về lúc hai giờ sáng, mệt mỏi kiệt sức. Họ vẫn giữ vali và các bức tượng bên trong. Họ đi tới đi lui, không biết làm gì với mấy bức tượng. Họ nghĩ mình đang bị theo dõi. Trí tưởng tượng nghĩ ra hàng nghìn điều có thể xảy ra”.
Không thể tự mình vứt những tác phẩm đặc biệt của lịch sử, Apollinaire quyết định đưa cho tổng biên tập tờ Paris-Journal là ông Andre Salmon. Dù điều kiện để trả lại là ông tổng biên tập phải giữ bí mật người sở hữu tượng nhưng khi bị cảnh sát tra khảo, ông Salmon đã tuôn hết.
Apollinaire ngay lập tức bị bắt và là nghi phạm số một của vụ trộm Mona Lisa. Không lâu sau đó, Picasso cũng bị Apollinaire nhắc tới và bị cảnh sát bắt. Căn hộ của ông bị lục soát kỹ lưỡng để tìm bức tranh mất tích.
Về hai người bị bắt, báo chí lại bận rộn cả ngày đưa tin đồn đoán về một băng đảng được cho là do hai nghệ sĩ cấp tiến Picasso và Apollinaire cầm đầu. Họ còn nói rằng hai ông đang điều hành một nhóm trộm tác phẩm nghệ thuật quốc tế.
Ngày 18/9, Apollinaire và Picasso xuất hiện trước thẩm phán Henri Drioux. Cả hai rất hoảng sợ, tới nỗi lời khai của họ lung tung, câu sau đá câu trước. Có lúc, Picasso còn tuyệt vọng tới mức ông khai với thẩm phán là ông không biết Apollinaire, cho dù ai cũng biết họ là bạn thân.
Về lời khai này, vài chục năm sau, Picasso nói trong một cuộc phỏng vấn: “Khi thẩm phán hỏi: ‘Anh có biết quý ông này không?’, tôi trả lời: ‘Tôi chưa bao giờ gặp người này’… Tôi thấy mặt Guillaume biến sắc. Máu dồn lên mặt ông ấy. Giờ tôi vẫn xấu hổ”.
Có nhiều thời điểm, cả hai đều suy sụp và bật khóc, cầu xin tòa tha tội. Cuối cùng, vị thẩm phán thấy đã quá đủ và kết luận rằng Apollinaire và Picasso không liên quan gì tới vụ trộm Mona Lisa và họ không biết ai đã đánh cắp bức tranh. Mặc dù họ có mua và giữ vài món đồ bị đánh cắp nhưng thẩm phán đã tha và thả họ sau 4 ngày vào ngày 12/9.
Kỳ cuối: Nàng Mona Lisa tái xuất