Người dân cần câu trả lời dứt khoát
Ngày 28/2, ông Hồ Kỳ Minh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tiếp tục chủ trì cuộc đối thoại lần thứ 2 trong tuần qua với người dân 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) sau khi nhà máy thép Dana Ý bị bao vây, phong tỏa.
Cuộc đối thoại tổ chức ở hội trường di động được dựng lên nhưng vẫn không đủ chỗ cho hàng trăm người dân. Tham dự còn có sự góp mặt của lãnh đạo nhà máy thép Dana Ý và nhà máy thép Dana Úc cũng ngay trên địa bàn.
Bày tỏ ý kiến, người dân Vân Dương tiếp tục nêu lên những bức xúc về tình trạng ô nhiễm do 2 nhà máy trên gây ra nhiều năm qua; tình trạng bệnh tật, sức khoẻ giảm sút…
Người dân yêu cầu chính quyền phải giải quyết nhanh chóng vụ việc.
"Các lãnh đạo TP đối thoại nhiều lần rồi và yêu cầu đóng cửa, di dời nhà máy sao không làm? Còn nếu di dời dân thì chúng tôi đi đâu?", ông Phan Nhạn, trú thôn Vân Dương 1, nói.
Người dân cũng bày tỏ thất vọng vì khi chính quyền đối thoại, ghi nhận ý kiến nhiều lần nhưng không hiệu quả.
"Cần phải trả lời dứt điểm hôm nay để chúng tôi yên ổn sống. Thành phố chọn thế nào dân đồng ý thế đó. Tôi kiến nghị vẫn là di dời nhà máy. Nếu di dời dân lên khu tái định cư cũng không thoát khỏi ô nhiễm.
Sức khỏe của người dân thời gian xuống trầm trọng, không chịu nổi nữa. Ở đây chết vì ung thư rất nhiều", ông Trương Vân Long bức xúc.
Hàng trăm người dân thôn Vân Dương 1, 2 bao vây nhà máy thép những ngày qua
Cụ Phạm Mai (80 tuổi, trú thôn Vân Dương 2) nói rằng vì bức xúc quá nhân dân mới tập trung ở nhà máy chứ không cố tình phá hoại. Cụ yêu cầu thành phố không hứa nữa mà hãy thực hiện. Thay mặt người dân, cụ yêu cầu lãnh đạo thành phố đưa dân đi hoặc nhà máy đi.
"Dân tôi thống nhất là đóng cửa tạm thời nhà máy. Khi nào dân di dời xong đi thì nhà máy hoạt động", ông Mai cương quyết.
Mỗi ngày mất hàng tỉ đồng
Trả lời ý kiến người dân, ông Huỳnh Văn Tân - Tổng giám đốc nhà máy thép Dana Ý, nhắc lại lộ trình di dời nhà máy trước đó và cho rằng phải làm theo.
"Bà con bức xúc là đúng. Nếu là tôi thì tôi cũng như vậy. Tôi mong bà con đưa ra giải pháp, nếu nhà máy không hoạt động thì tiền đâu giải tỏa.
Việc di dời phải có kinh phí nhưng ngân sách thành phố không đủ. Thành phố chỉ hỗ trợ tái định cư còn nhà máy phải giải tỏa. Tôi mong bà con hiểu cho", ông Tân bày tỏ.
Cụ Phạm Mai: Khi nào dân đi thì nhà máy hoạt động.
Trong khi đó, ông Hồ Kỳ Minh cho biết ghi nhận ý kiến của người dân để tìm phương án xử lý. Ông Minh cho hay chưa tìm được nơi để di dời 2 nhà máy.
"Phương án di dời dân hay nhà máy đều rất tốn kém. Di dời nhà máy thì chưa có vị trí. Chính quyền đang rất lúng túng", ông Minh thừa nhận.
Ông Minh tiếp tục hứa sẽ bàn luận ý kiến của người dân với lãnh đạo thành phố và tiếp tục đối thoại với người dân vào thứ 2 tới.
Trao đổi với PV, ông Tân cho biết nhà máy Dana Ý và Dana Úc có khoảng 1.500 công nhân, hơn 60% là con em xã Hòa Liên.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tiếp tục ghi nhận ý kiến phản ánh
"Việc bị phong tỏa dẫn đến ngừng sản xuất khiến mỗi ngày chúng tôi mất hàng tỉ đồng. Những ngày vừa qua công ty rất khốn khó và có nguy cơ bị phạt hàng chục tỉ đồng vì chậm trễ đơn hàng", ông Tân nói.