Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đề nghị truy tố Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", SN 1963, trú tại phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; Tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên ) cùng 4 bị can khác trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" xảy ra tại chợ Long Biên, Hà Nội.
4 bị can khác là nhân viên tổ bốc dỡ hàng hoá số 2 chợ Long Biên cùng bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến "hói", SN 1970), Lê Thanh Hải (tức Hải "gió", SN 1963); Nguyễn Mạnh Long (tức Long "cao", SN 1962), Dương Quốc Vương (tức Vương "lợn", SN 1968, cùng trú tại Hà Nội). Cả 5 bị can nêu trên bị Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đề nghị VKSND TP Hà Nội truy tố về cùng tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170, khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo tài liệu điều tra, ngày 10-8-2018, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội nhận được đơn tố giác kèm theo vi bằng của vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga và anh Hoàng Anh Hà (trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP Hà Nội) về việc hộ kinh doanh của chị Nga bị Nguyễn Kim Hưng (Tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên) và các nhân viên trong tổ bốc dỡ có hành vi Cưỡng đoạt tài sản của chị Nga - anh Hà với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Qua quá trình điều tra, cơ quan công an xác định từ ngày 14-3-2018 đến ngày 1-9-2018, lợi dụng công việc, Hải, Long, Vương thu của chị Nga số tiền hơn 35,5 triệu đồng. Trong đó, chỉ có hơn 7,5 triệu đồng là tiền nhân viên tổ dịch vụ bốc dỡ số 2 tham gia bốc dỡ hàng hóa, còn lại hơn 28 triệu đồng là tiền "bãi", tức là tiền không bốc dỡ, bắt ép chị Nga phải nộp và chiếm đoạt.
Để gây sức ép, buộc chị Nga phải nộp tiền, Hưng đã chỉ đạo các đồng phạm sử dụng nhiều thủ đoạn: đuổi xe, đuổi nhân viên của Nga không cho tự bốc dỡ; bắt ép chị Nga phải nộp tiền bốc dỡ hàng hóa mặc dù không bốc dỡ hàng; kéo cá thối đặt cạnh ki-ốt của chị Nga nhằm cản trở việc kinh doanh của chị Nga; tăng tiền thu đối với dịch vụ bốc dỡ hàng hóa của chị Nga…
Cơ quan công an xác định tiếp nhận của Hải, Long và Vương số tiền hơn 35,5 triệu đồng, song chỉ nộp về Ban quản lý chợ gần 11 triệu đồng, Tiến phải chịu trách nhiệm về số tiền gần 25 triệu đồng không nộp về Ban quản lý chợ. Tiến đồng phạm với Hưng, Hải, Long, Vương về hành vi chiếm đoạt hơn 28 triệu đồng của chị Nga, anh Hà. Trong số 5 bị can, Hưng là đối tượng chủ mưu cầm đầu.
Đối với việc chị Nga, anh Hà khai từ năm 2010 đến năm 2017 bị Hưng chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng, Hưng không thừa nhận việc trên. Do chỉ có lời khai của chị Nga, anh Hà mà không có chứng cứ chứng minh nào khác nên không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hưng nên cơ quan điều tra đã tách tài liệu để điều tra, làm rõ, xử lý sau.
Tội cưỡng đoạt tài sản:
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.