Vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, lực lượng vũ trang của hai siêu cường quân sự hàng đầu thế giới khi đó là Mỹ và Liên Xô luôn duy trì tình trạng chiến đấu cực cao nhằm sẵn sàng phản ứng kịp thời trước mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Trong các cuộc tập trận, nội dung đối kháng là khoa mục được đặc biệt chú trọng nhằm mô phỏng chính xác nhất những gì có thể xảy ra trên chiến trường, giúp quân nhân không bị bỡ ngỡ khi xảy ra yêu cầu phải chiến đấu một mất một còn với kẻ thù.
Không chỉ có các cuộc diễn tập đối kháng giữa những đơn vị bộ binh, tàu mặt nước hay máy bay chiến đấu như vẫn thường thấy trên các phương tiện truyền thông mà cuộc chiến ngầm ở dưới lòng biển sâu cũng sôi động không kém, thậm chí độ căng thẳng còn lớn hơn rất nhiều.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Dự án 671 lớp Victor III của Hải quân Liên Xô
Tháng 10/1988 đã diễn ra một cuộc tập trận đối kháng như đã nêu ở trên giữa hai lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô, đó là chiếc K-178 (Dự án 658M - lớp Hotel II) và chiếc K-469 (Dự án 671V - lớp Victor I).
Tàu ngầm K-178 được khởi đóng ngày 11/9/1961, hạ thủy ngày 1/4/1962 và chính thức vào biên chế ngày 8/12/1962, nó có lượng giãn nước 5.500 tấn khi lặn với chiều dài 114 m; chiều rộng 9,2 m; tốc độ di chuyển tối đa khi 48 km/h dưới mặt nước, được vũ trang bằng các ngư lôi hạng nặng và tên lửa đạn đạo R-13 (SS-N-4 Sark).
Trong khi đó, tàu ngầm K-469 tiên tiến hơn nhiều, nó phục vụ trong Hải quân Liên Xô từ năm 1967. Kích thước của K-469 cũng lớn hơn với lượng giãn nước đầy tải 7.250 tấn khi lặn; chiều dài 102 m; chiều rộng 10 m, tốc độ di chuyển tối đa đạt tới 59 km/h dưới nước. Vũ khí trang bị gồm 6 ống phóng ngư lôi hạng nặng Type 53 cỡ 533 mm và tên lửa hành trình SS-N-15.
Quả ngư lôi của tàu ngầm K-469 khi phóng đi đã đánh trúng vị trí lò phản ứng hạt nhân của chiếc K-178
Do thuộc thế hệ sau nên tính năng kỹ chiến thuật của tàu K-469 ưu việt hơn nhiều khi đặt cạnh K-178. Việc nó chiếm ưu thế trong cuộc tập trận là điều dễ hiểu, tuy nhiên diễn biến sau đó mới thực sự là điều đáng nói và gây thót tim cho tất cả các bên liên quan.
Trong cuộc tập trận trên, quả ngư lôi phóng đi từ tàu ngầm K-469 đã "hoàn thành xuất sắc" nhiệm vụ, nó đã "tiêu diệt" thành công chiếc K-178 trong tình huống giả định, nhưng điều đáng nói là quả đạn đã đánh trúng vị trí của lò phản ứng hạt nhân, đâm thủng vỏ tàu và mắc lại trên thân.
Rất may đây chỉ là một quả ngư lôi luyện tập nên nó không được trang bị đầu đạn, nếu không đã xảy ra một sự cố hạt nhân gây rò rỉ phóng xạ ở mức kinh hoàng.
Vụ việc trên gây hú vía cho kíp thủy thủ và khiến Hải quân Liên Xô mất một khoản kinh phí không nhỏ để sửa chữa.
Nhưng mặt khác, qua sự việc vừa rồi chúng ta mới nhận thấy được mức độ sẵn sàng chiến đấu vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh khốc liệt đến nhường nào.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Victor III của Hải quân Liên Xô