Ngày 14-10, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm đã chấp nhận ý kiến của VKS thực hành quyền công tố tại toà, kháng cáo của đại diện hợp pháp gia đình bị hại, chuyển tội danh từ "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" sang tội "giết người", đồng thời tăng nặng hình phạt từ 2 năm lên 9 năm tù đối với Lê Văn Đại (SN 1961, ngụ tỉnh Bình Phước, ảnh).
Theo nội dung vụ án, năm 1992, Đại là bảo vệ Lâm trường Suối Nhung thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước).
Hằng ngày, Đại được giao tuần tra bảo vệ rừng. Sáng 1-12-1992, sau khi đi làm về, Đại mang khẩu súng AK đến nhà anh trai là Lê Văn Hành ở xã Đồng Xoài, cất súng rồi ngồi sửa xe trước cửa nhà.
Trong lúc Đại đang ngồi sửa xe thì bị ông Nguyễn Hồng Dân (SN 1957, ngụ cùng địa phương) cầm dao rựa chém thẳng vào đầu nhưng Đại né được nên lưỡi dao sượt miệng làm mẻ răng.
Thấy em bị chém, Hành cầm cây gỗ chạy ra thì cũng bị ông Dân chém 4 nhát, gây thương tích 30%.
Sau khi ông Dân bỏ đi, Đại chạy vào nhà lấy khẩu súng đuổi theo ông Dân đến tận nhà.
Khi đến nơi, thấy Dân đứng trước nhà đang cầm con dao gây án, Đại hỏi ông Dân "anh em tao không thù oán gì mày, tại sao mày chém?" thì ông Dân tiếp tục cầm rựa xông tới. Khi ông Dân còn cách Đại khoảng 5 mét thì bị Đại dùng súng bắn 2 nhát tử vong.
Sau khi gây án, Đại cầm súng bỏ chạy được một đoạn rồi vứt luôn xuống suối. Cây súng này sau đó được anh trai Đại nhặt được giao Công an. Đại bỏ trốn đến sống tại xã Tân Cảnh, huyện Đắc Tô, tỉnh Kom Tum.
Năm 2005, Đại chuyển ra sống tại xã Văn hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình đến giữa tháng 2-2015 thì bị bắt theo lệnh truy nã.
Với hành vi phạm tội nêu trên, VKSND tỉnh Bình Phước truy tố Đại về tội giết người theo khoản 3 Điều 101 BLHS năm 1985. Tại phiên toà sơ thẩm, đại diện VKS thực hành quyền công tố tại toà đã đề nghị HĐXX áp dụng Nghị quyết số 32/1999/QH10 xét xử bị cáo về tội "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" theo khoản 1 Điều 95 BLHS năm 1999 và xử phạt bị cáo mức án từ 24-30 tháng tù.
Nhận định vụ án, HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, trong vụ án này nạn nhân là người có lỗi trước khi vô cớ dùng dao rựa tấn công hai anh em bị cáo. Hành vi của bị hại là trái pháp luật nghiêm trọng, khiến cho tinh thần bị cáo bị kích động mạnh dẫn đến hành vi dùng súng trường bắn nạn nhân tử vong.
Vì vậy, HĐXX chấp nhận quan điểm của VKS, xử phạt bị cáo 2 năm tù về tội "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh".
Không đồng ý với bản án, sau phiên toà sơ thẩm, đại diện hợp pháp của gia đình bị hại đã làm đơn kháng cáo, yêu cầu đổi tội danh sang "giết người" và tăng hình phạt đối với bị cáo.
Tại phiên toà xét xử phúc thẩm, bị cáo Đại đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như diễn biến của nội dung cáo trạng nêu.
Nhận định về hành vi của bị cáo, đại diện VKSND cấp cao và HĐXX đều cho rằng, vụ án xuất phát từ lỗi của phía người bị hại. Tuy nhiên, hành vi của nạn nhân đã chấm dứt trước đó và đã bỏ đi về nhà.
Lúc này bị cáo đã có thời gian để suy nghĩ lại nhưng vẫn vào nhà lấy súng đến nhà nạn nhân dẫn đến vụ án mạng trên.
Xâu chuỗi toàn bộ diễn tiến của vụ án, HĐXX cho rằng đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo đã phạm vào tội "giết người" theo khoản 2 Điều 93 BLHS.
Vì vậy, việc VKS và Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo chỉ phạm vào tội "giết người... kích động mạnh" là chưa chính xác; kháng cáo của gia đình nạn nhân là có cơ sở nên HĐXX đã ra quyết định như đã nêu trên.