Đây là thông tin được đưa ra tại tại hội nghị thông tin chuyên đề của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương tổ chức sáng nay (27/8), tại Hà Nội.
Trình bày chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giáo dục liêm chính, Vụ Trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội Chính Trung ương Nguyễn Xuân Trường cho biết, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó, việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung quyết liệt, kết hợp giữa xử lý hành chính, kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự, rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đây là bước đột phá.
Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay thi hành kỷ luật 230 đảng viên vì tham nhũng, trong đó có 45 cán bộ diện Trung ương quản lý, kỷ luật hơn 4000 đảng viên do suy thoái (gấp gần 20 lần con số kỷ luật do tham nhũng). Khởi tố, điều tra 475 vụ án/1.094 bị can về các tội tham nhũng, trong đó có 16 cán bộ diện Trung ương quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý hình sự 55 cán bộ Trung ương quản lý, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Cụ thể như: Vụ án xảy ra tại Công ty AIC, đến nay kỷ luật 25 cán bộ diện Trung ương quản lý, Vụ án xảy ra tại Khu đô thị Đại Ninh (Lâm Đồng) đến nay kỷ luật 7 cán bộ diện Trung ương quản lý… Đáng chú ý, đã phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, tạo bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lần đầu tiên: Xét xử vắng mặt bị can, bị cáo đang bỏ trốn; khởi tố, điều tra về tội “Tham ô tài sản” đối với chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng, cũng cần giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đó là: dưới tác động toàn cầu hóa, hội nhập… dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tham nhũng có yếu tố nước ngoài, rửa tiền, bỏ trốn, tẩu tán tài sản; Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực như đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... Do đó, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới đó là cần kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với cách làm khoa học, phù hợp, biện chứng, toàn diện, hiệu quả hơn; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết.
Ông Nguyễn Xuân Trường nêu rõ, phòng chống cả tham nhũng, tiêu cực, với phương châm phòng ngừa từ xa, từ sớm, cả gốc lẫn ngọn. Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, đẩy mạnh giáo dục liêm chính. Giáo dục liêm chính bằng việc nêu gương liêm chính của cán bộ, đảng viên, trọng tâm là việc nêu gương liêm chính của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt. Do đó, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về sự nguy hại của tham những, tiêu cực; thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.