LTS: Kẻ sát nhân khét tiếng nhất Nhật Bản được coi là con quỷ bệnh hoạn khi hắn có sở thích hãm hiếp và giết chết các bé gái từ 4 - 7 tuổi.
Từ một học sinh xuất sắc, vì ám ảnh bởi quá khứ bị hắt hủi, bỏ rơi, người đàn ông đã trở thành kẻ giết người tàn khốc.
Những vụ mất tích liên tiếp
Vào khoảng 15h chiều, ngày 22/8/1988, Mari Konno, 4 tuổi, rời khỏi nhà để đến chơi nhà bạn của em ở khu căn hộ phức hợp Iruma Village, tỉnh Saitama.
Khi vừa ra khỏi cửa, một người đàn ông liền tiến đến gần cô bé 4 tuổi.
"Cháu có muốn đến một nơi thú vị không?", người đàn ông hỏi.
Cô bé gật đầu và trèo lên chiếc xe của người lạ mặt. Tới 18h cùng ngày, anh Shigeo Konno, bố của Mari, đã hốt hoảng gọi điện báo cho cảnh sát sau khi thấy con gái không về nhà.
Cả khu phố nhanh chóng náo động bởi sự mất tích của cô bé.
Cảnh sát tiến hành tuần tra mọi ngóc ngách, đồng thời yêu cầu các vị phụ huynh để ý đến con em mình. 50.000 tờ rơi với hình ảnh của Mari được dán tại các nhà ga, bến xe buýt trên khắp Nhật Bản.
Mari Konno, 4 tuổi bị mất tích một cách bí ẩn.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Asahi Shimbun, một người phụ nữ 38 tuổi cho biết bà nhìn thấy Mari đi cùng một người đàn ông khoảng gần 40 tuổi, cao khoảng 1m70, mặt tròn, dáng người đậm, tóc xoăn, mặc quần trắng và áo len mỏng màu trắng.
Không tìm thấy nạn nhân, cũng không có cuộc gọi tống tiền, việc tìm kiếm Mari Konno dậm chân tại chỗ trong suốt 4 tuần.
Thế nhưng, 6 tuần sau vụ mất tích của Mari, thêm một vụ bắt cóc bé gái xảy ra khiến dư luận lúc bấy giờ vô cùng hoang mang, lo lắng.
Vào ngày 3/10/1988, một bé gái khác tại Saitama, gần Tokyo, là Masami Yoshizawa, 7 tuổi, biến mất khi đang trên đường về nhà.
Masami Yoshizawa được thông báo mất tích vào tối cùng ngày.
Cơ quan chức năng địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm khắp thành phố, với hơn 2.300 cảnh sát tham gia phỏng vấn người dân địa phương và hàng trăm tấm poster tìm kiếm được phát đi.
Thế nhưng vẫn không có manh mối nào về nạn nhân.
Masami Yoshizawa, 7 tuổi, cũng biến mất không dấu vết.
Cảnh sát bắt đầu nghi ngờ về sự liên quan giữa hai vụ mất tích khi cả hai đều biến mất không manh mối và nhà của Masami chỉ nằm cách nhà của Mari 13 km.
Tuy nhiên, cảnh sát vẫn liệt vụ án của Masami vào diện bắt cóc trẻ em mà không hề biết rằng đây thực chất là một mắt xích của vụ giết người hàng loạt.
Tối ngày 12/12/1988, cảnh sát tiếp tục nhận được tin báo mất tích của Erika Namba, 4 tuổi. Họ nhanh chóng nhận ra sự xuất hiện của một tên tội phạm chuyên nhắm đến các bé gái tại Saitama.
Chỉ vài ngày sau, một công nhân tại Vườn thiên nhiên Naguri tìm thấy những mảnh quần áo của Erika tại khu rừng gần đó.
Các nhà chức trách nhanh chóng tập trung lục soát khu vực trên và tìm thấy thi thể bé gái xấu số bị trói chặt bằng dây nilon.
Thi thể bé gái xấu số được tìm thấy.
Nạn nhân thứ 4 và các manh mối
Đến tháng 2/1989, gia đình của nạn nhân đầu tiên – bé Mari, tìm thấy chiếc hộp đầy khả nghi được đặt trước thềm nhà.
Khi mở ra, bên trong chiếc hộp chứa một ít tro, xương, những bức ảnh và 10 chiếc răng nhỏ, kèm bức thư với nội dung: "Mari. Xương. Hỏa táng. Điều tra. Bằng chứng".
Tiến sĩ Kazuo Suzuki đến từ Đại học nha khoa Tokyo nghiên cứu và khẳng định những chiếc răng được gửi ở trên không phải của cô bé Mari.
Ngay sau đó, một bức thư đã được gửi đến thời báo Asahi Shimbun, bao gồm những bức ảnh chụp Mari cùng lời thú tội của hung thủ.
Các bằng chứng thu thập được cho thấy một chi tiết đáng lưu ý: Chiếc máy ảnh được hung thủ sử dụng là Mamiya 6×7, loại chuyên dùng ở các cửa hàng in ấn.
Không những vậy, chiếc hộp đặt thi thể Mari cũng từng được sử dụng để vận chuyển máy ảnh.
Nạn nhân Erika Namba (4 tuổi) và Ayako Nomoto (5 tuổi).
Từ đó có thể suy ra, hung thủ là người phải thông thạo hoặc làm việc trong lĩnh vực này. Đến giữa tháng 6/1989, một phần thân thể bé gái bị cắt cụt được tìm thấy tại nghĩa trang Miyazawa-ko.
Nhờ mẫu máu và những thức ăn còn sót lại trong dạ dày, nạn nhân được xác định là em Ayako Nomoto, 5 tuổi, mất tích khoảng 1 tuần trước đó.
Lúc này, giới truyền thông Nhật Bản đã gọi hung thủ gây nên chuỗi vụ việc kinh hoàng trên là "Kẻ sát nhân các bé gái ở Tokyo".
Bên cạnh đó, cảnh sát cũng phát hiện ra điểm chung giữa gia đình các nạn nhân, họ đều bị quấy rối điện thoại. Rất nhiều cú điện thoại không người đáp. Nếu họ không nhấc máy thì chuông có thể kêu tới hơn 20 phút.
Đám tang của cô bé Mari Konno.