Giả thuyết sát, điều tra đúng
Vụ án giết người rúng động những ngày qua ở Lai Châu xảy ra tại bản Phiêng Áng, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên vào tối ngày 5/3. Nạn nhân được xác định là chị Lò Thị Lả (sinh năm 2003, trú tại bản Phiêng Áng). Đối tượng gây án là Lò Văn Xươm (sinh năm 2001, trú tại bản Nậm Há, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ).
Ngay sau khi gây án, đối tượng cầm dao bỏ chạy khỏi hiện trường. Anh ruột của nạn nhân đuổi theo khoảng 50 mét, sau đó quay về để xem em mình thế nào. Vì thế, đối tượng đi đâu, theo hướng nào cũng không nắm được. Lúc đó trời chập choạng tối cộng thêm vị trí xảy ra vụ án cũng như khu vực xung quanh không có camera an ninh khiến việc truy dấu vết gặp nhiều khó khăn.
Đại tá Phạm Hải Đăng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, trước nhiều khó khăn, lực lượng phá án Công an Lai Châu đưa ra nhiều giả thuyết điều tra. Giả thuyết thứ nhất, có thể đối tượng trốn vào rừng khu vực quanh đó. Giả thuyết thứ hai, đối tượng về với mẹ ở Tam Đường. Còn giả thuyết thứ ba, đối tượng về khu vực lán ruộng ở Noong Hẻo cách khu vực gây án gần 70km.
Vì vậy, công an tỉnh phải huy động tối đa lực lượng với gần 300 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Sìn Hồ, Tam Đường và các phòng chức năng, cùng với hơn 100 dân quân, an ninh thôn bản. Đặc biệt, còn có cả những trinh sát dày dạn kinh nghiệm vào cuộc ngay từ ban đầu.
Mặc dù chia thành nhiều chốt nhưng lực lượng phá án chưa thấm vào đâu vì rừng núi mênh mông và nhiều đường mòn, lối mở mà đối tượng có thể trốn chạy. Mặt khác, quá trình truy đuổi diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, hầu như lực lượng chức năng phải bám trắng đêm ở các địa bàn, lối mòn để thực hiện nhiệm vụ.
"Người dân sợ đối tượng có thể gây án tiếp trong quá trình lẩn trốn nên đã vận chuyển những đồ dùng sinh hoạt và dụng cụ canh tác từ trên nương về nhà, không dám ở trên nương rẫy nữa. Điều này khiến lực lượng công an phải nhanh chóng bắt giữ đối tượng, nếu không sẽ gây hoang mang cho người dân", Đại tá Đăng thông tin thêm.
Sau khi xác định được khu vực đối tượng lẩn trốn, lực lượng Công an đuổi bắt trong quãng đường 2km. Khi tiếp cận đối tượng ở cự ly gần, đối tượng có dấu hiệu tự sát cầm dao tự gây thương tích cho mình. Tổ công tác áp sát ngay và khống chế đối tượng rồi đưa đến cơ sở y tế điều trị.
Hiện cơ quan cảnh sát điều tra sớm hoàn thiện thủ tục tố tụng để đưa ra xử án điểm và xét xử lưu động nhằm mang tính răn đe.
Lệch lạc trong nhân cách
Theo điều tra ban đầu, vụ án sát hại người yêu liên quan đến tiền bạc chỉ để giải quyết những "cơn giận" trong mâu thuẫn.
Được biết, cuối năm 2023, trong thời gian đi làm thuê ở Hà Nội, đối tượng Lò Văn Xươm và chị Lò Thị Lả (nạn nhân) có mối quan hệ yêu đương. Dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, cả 2 về nhà chị Lả tại Tân Uyên chung sống, 2 người đã chung mua trả góp một xe mô tô Honda wave alpha (chưa lắp biển kiểm soát). Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ tết, do chơi bời thiếu tiền nên Xươm cầm cố chiếc xe máy trên tại một cửa hàng ở huyện Sìn Hồ. Từ đó, giữa chị Lả và Xươm thường xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ.
Vào chiều ngày 5/3, Xươm đi uống rượu ở trong bản Phiêng Áng về bị chị Lả chửi mắng, gấp quần áo đuổi ra khỏi nhà của mình. Khi hai bên xảy ra cãi vã, mâu thuẫn, Xươm tức giận chạy vào nhà lấy một con dao nhọn cán bằng gỗ chém 2 nhát vào vùng cổ của chị Lả khiến nạn nhân bị mất máu cấp, tử vong tại chỗ.
Vụ việc khiến dư luận phẫn nộ và xót thương cho cái chết của cô gái còn quá trẻ. Trong khi trước đó đối tượng còn đăng ảnh lên mạng xã hội.
Điều đáng nói, đối tượng gây án chỉ 23 tuổi, dù thời gian yêu nhau có mặn nồng, thắm thiết nhưng đến khi tức giận, nam thanh niên ra tay sát hại chính người mình yêu rồi nhận lấy kết cục bi thảm. Chỉ còn đó nỗi đau cho cả hai bên gia đình, cho bạn bè và những người ở lại.
Điều này cho thấy, với một nhân cách bị lệch lạc, khi gặp phải các tình huống không như ý, dễ làm các đối tượng cảm thấy bị tổn thương, kích động, biến thành cơn giận dữ rồi gây hại cho người xung quanh.
Vai trò giáo dục từ gia đình
Những lệch lạc, tiêu cực trong nhân cách đối tượng không tự nhiên mà có, mà đó là kết quả của quá trình giáo dục từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo Đại tá Phạm Hải Đăng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, hoàn cảnh gia đình của đối tượng Lò Văn Xươm vô cùng éo le, tăm tối. Bố mẹ bỏ nhau lúc Xươm 4 tuổi, bố đi tù, mẹ đi lấy chồng, Xươm ở với bà nội và chú ruột đều nghiện hút. Do không được học hành, giáo dục nên Xươm không biết chữ, không nhận thức được bản chất đúng sai và sự nguy hiểm hành động của mình.
Xươm nay đây mai đó, không có việc làm ổn định, tài sản chung với nạn nhân là chiếc xe máy, Xươm cũng cầm cố để lấy tiền chi tiêu và thậm chí để mua ma túy sử dụng. Trước khi ra tay tàn độc với người tình, Xươm đã uống rượu và bị kích động mạnh do bị chửi bới, đuổi ra khỏi nhà. Kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế, Xươm dương tính với ma túy.
Từ vụ việc đau lòng trên cho thấy, gia đình có vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách sống của mỗi người. Để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng trẻ hóa tội phạm, giải pháp căn cơ nhất là giáo dục. Nếu thiếu vắng đi sự dạy dỗ của cha mẹ từ nhỏ sẽ khiến những đứa trẻ này có suy nghĩ lệch lạc và dễ vi phạm pháp luật.